ClockThứ Sáu, 15/01/2021 13:45

Đưa thanh toán không tiền mặt đến người dân

TTH - Năm 2021 phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức trên toàn tỉnh thanh toán không dùng tiền mặt ở các dịch vụ phổ biến. Các dịch vụ liên quan như nộp học phí, thanh toán khám chữa bệnh… cũng sẽ được áp dụng tương tự, hình thành thói quen của người dân trên địa bàn tỉnh. Việc tích hợp các dịch vụ không dùng tiền mặt trên Hue-S trên cơ sở tích hợp liên thông với các hệ thống ứng dụng ngân hàng, tổ chức tài chính.

Phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Hue-S

Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: LÊ HUY HOÀNG HẢI

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề nhận thức của người dân về thói quen sử dụng; nhận thức của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về áp dụng mô hình này trong kinh doanh nên thời gian tới, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận sẽ được ưu tiên triển khai bằng nhiều hình thức với mức độ và phạm vi rộng lớn hơn.

Kế hoạch Hue-S đưa ra, sẽ tích hợp với các hệ thống ứng dụng ngân hàng, tổ chức tài chính, cụ thể như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, các tổ chức tài chính, các ngân hàng đều có ứng dụng trên nền tảng di động, các doanh nghiệp công nghệ đã tham gia triển khai các ví điện tử, từ đó tạo ra môi trường vô cùng thuận tiện cho việc phát triển, thúc đẩy các hoạt động không dùng tiền mặt trên nền tảng công nghệ số. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra một khối lượng lớn mà người dùng phải cài đặt để sử dụng, kéo theo việc phải quản lý nhiều tài khoản, nhiều thao tác khác nhau. Đơn vị cung cấp sản phẩm chưa liên kết thông tin thanh toán dẫn đến việc thao tác nhập thông tin trong quá trình giao dịch cũng tạo ra sự phức tạp cho người sử dụng. Một số dịch vụ chưa có tính liên kết các ứng dụng cũng đã tạo ra sự bất tiện trong quá trình sử dụng của người dân.

Việc tích hợp lên Hue-S với mục đích khắc phục các hạn chế trên. Cụ thể, Hue-S hiện nay đã được người dân trên địa bàn tỉnh chấp nhận và cài đặt phổ biến. Hue-S sẽ thực hiện theo hướng tích hợp và liên kết tác ứng dụng của các ngân hàng, tổ chức tài chính, cũng như ví điện tử, người dân chỉ cần vào Hue-S có thể khai thác dịch vụ một cách thuận tiện, duy nhất mà không cần phải cài đặt nhiều ứng dụng, người dùng đã có tài khoản chỉ cần liên kết là có thể sử dụng được. Hue-S cũng là công cụ cung cấp dữ liệu để phân tích thực trạng từ đó có phương án để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ phương thức này trong thời gian tới.

Thực tế, thời gian qua, một lượng lớn khách hàng vẫn chưa sẵn sàng để tiếp cận hình thức thanh toán này; nguyên nhân do đâu?

Thứ nhất, số lượng ứng dụng quá lớn, mỗi ngân hàng đều có một ứng dụng riêng dẫn đến việc người dùng sở hữu nhiều tài khoản ngân hàng phải sử dụng nhiều ứng dụng với nhiều cách thức khác nhau. Thứ hai, hạ tầng tại các điểm cung cấp dịch vụ, hàng hóa chưa thật sự tạo ra tính phổ biến để hình thành thói quen người sử dụng. Thứ ba, các phương thức giao dịch với mức kinh phí thấp chưa được ưu tiên triển khai tại các cơ sở kinh doanh, song đây là phương thức phổ biến. Thứ tư, phí sử dụng dịch vụ và phí giao dịch hiện nay vẫn là rào cản lớn trong phát triển phương thức này. Và một số nguyên nhân khác có tính tổng thể chưa được giải quyết một cách triệt để.

Với điều kiện như hiện nay thì hệ thống hạ tầng và công nghệ hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt đã đủ đáp ứng chưa?

Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt thì công nghệ đã có bản đáp ứng với nhiều phương thức khác nhau như chuyển khoản, sử dụng thẻ vật lý thông qua quẹt máy POS và đặc biệt phương thức phổ biến là QR. Các tổ chức tài chính, các ngân hàng cũng đã đảm bảo hạ tầng. Nền tảng di động với sự phổ biến của 4G cũng đã được triển khai diện rộng với mức độ phủ sóng trên 99% tại tỉnh. Về cơ bản, hạ tầng cho thanh toán không dùng tiền mặt đã sẵn sàng đáp ứng, vấn đề là phương pháp triển khai khi thúc đẩy trong thời gian tới.

Có ý kiến lo ngại mức độ an toàn của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. Vậy công cụ kiểm soát những hạn chế, rủi ro sẽ được tính toán ra sao?

Hiện nay có 2 rủi ro lớn phải giải quyết. Đầu tiên, tính bảo mật về công nghệ. Bản chất Hue-S chỉ tích hợp liên kết các giải pháp của các tổ chức tài chính, ngân hàng, các ví điện tử chứ không phải là một ứng dụng thanh toán độc lập. Vì vậy, việc đảm bảo tính bảo mật đều do các tổ chức tài chính, các ngân hàng, các ví điện tử chịu trách nhiệm như lâu nay họ đã làm. Hue-S sẽ đánh giá và hỗ trợ thêm trong trường hợp phát hiện vấn đề bảo mật của ứng dụng.

Quan trọng nhất vẫn do người dùng. Toàn bộ thông tin trong quá trình giao dịch phải được người sử dụng nhận thức rõ và tự bảo mật. Sẽ không có một đơn vị nào yêu cầu cung cấp các thông tin giao dịch của người dùng, đặc biệt là mã xác thực OTP. Tuy nhiên, hiện nay, người dùng chưa nắm rõ, chưa có kỹ năng và thường gặp rủi ro do việc cung cấp thông tin giao dịch cho bên thứ 3 và nó đang là tình trạng lừa đảo phổ biến. Trong quá trình triển khai kế hoạch, sở sẽ phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh việc tuyên truyền và tập huấn nâng cao nhận thức này.

Người dân thường nghe về cụm từ “được lợi” về thanh toán không tiền mặt?

Người dân không phải bỏ nhiều tiền giấy trong người, đây vừa là vấn đề đảm bảo an toàn, vừa thuận tiện cho người dân trong các giao dịch phổ biến như thanh toán tiền taxi, mua vé tham quan du lịch, hay các dịch vụ phục vụ nhu cầu cuộc sống; không mất nhiều thời gian giao dịch vì chỉ cần thao tác trên điện thoại di động cá nhân là có thể giải quyết ngay được.

Ngoài ra, còn đảm bảo sức khỏe và phòng chống dịch bệnh vì trao đổi, tiếp xúc trực tiếp với tiền mặt tăng tính tiếp xúc từ người này sang người khác và tiền giấy là nơi tiềm ẩn các mầm bệnh, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 hiện nay.

Người dân cũng có thể tận hưởng các dịch vụ thương mại điện tử, các giao dịch trực tuyến trên môi trường mạng mà môi trường thực tế không áp dụng được.  

Kế hoạch này sẽ áp dụng ra sao để giúp những người dân sống ở vùng khó khăn, hạn chế hiểu biết về công nghệ?

Đây là vấn đề khó chung của toàn quốc và sẽ có một đề án tổng thể riêng để phát triển. Chính Phủ cũng đã có những định hướng và giải pháp cụ thể. Thời gian tới, sở sẽ cụ thể hóa vấn đề này để sớm hoàn thành kế hoạch đề ra với mục tiêu tạo tiện ích cho người dân.

NHẬT MINH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chạy đua cập nhật sinh trắc học: Để giao dịch ngân hàng thông suốt

Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng từ ngày 1/7/2024, khách hàng muốn chuyển khoản trên 10 triệu đồng hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực khuôn mặt. Thực tế, không đợi tới khi quy định về xác thực sinh trắc học (STH) này ban hành, các ngân hàng mới triển khai đến khách hàng mà trước đó, để đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch tài chính cá nhân, nhiều ngân hàng đã áp dụng xác thực khuôn mặt sớm hơn quy định.

Chạy đua cập nhật sinh trắc học Để giao dịch ngân hàng thông suốt
Return to top