Cầu nối
Máy ấp trứng tự động với nhãn hiệu Sunnew có tỷ lệ nở cao (trên 97%) của nông dân Nguyễn Văn Nhân, ở thôn Đông An, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc lần đầu tiên được vinh danh tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (Hội thi) năm 2015; mang lại doanh thu 3 tỷ đồng/năm. Sau thành công tại hội thi, Nguyễn Văn Nhân liên tục nhận được các giải thưởng lớn của tỉnh, khu vực, Trung ương; sản phẩm được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Tham quan hệ thống bể lắng lọc thông minh tại Nhà máy nước Quảng Tế
Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế là điển hình khi nhiều năm liền đạt giải cao tại Giải thưởng Khoa học công nghệ (Giải thưởng), Hội thi cấp tỉnh. Đơn vị được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam, đạt 1 giải nhất, 2 giải nhì và nhiều giải thưởng khác tại Hội thi, Giải thưởng toàn quốc. Riêng năm 2018, hai đề tài tham gia Giải thưởng tỉnh đều đạt giải nhì; kết quả Giải thưởng toàn quốc năm 2019 đơn vị cũng được vinh danh với 2 đề tài đạt giải nhì. Những đề tài trên đều được ứng dụng rộng rãi, như việc ứng dụng hệ thống bể lắng lọc thông minh giúp duy trì độ đục sau lọc của các nhà máy đang ở mức 0,02 NTU, thấp hơn 200 lần so với tiêu chuẩn Việt Nam.
Nâng chất hoạt động khoa học công nghệ
Theo đánh giá của ban tổ chức, số lượng các đề tài, giải pháp, công trình đạt giải toàn quốc ngày càng tăng. Tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên (Cuộc thi) toàn quốc năm 2016, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 1 giải đặc biệt, 2/5 giải nhất toàn quốc. Cũng với thành tích này, 3 nhóm tác giả trên đã vinh dự đại diện cho Việt Nam tham gia triển lãm Sáng tạo trẻ quốc tế tại Nhật Bản và đạt 1 huy chương vàng, 1 huy chương đồng.
Cùng với hoạt động tổ chức các cuộc thi, Liên hiệp hội đẩy mạnh hoạt động kết nối chuyển giao các đề tài phục vụ vào sản xuất. Theo ông Bùi Thắng, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội, trên cơ sở các đề tài tham gia, chúng tôi đã chọn những đề tài có khả năng ứng dụng cao vào thực tiễn hỗ trợ công tác chuyển giao. Thông qua hỗ trợ của các dự án phi chính phủ, các đề tài, mô hình hiệu quả được lồng ghép triển khai.
Cũng theo ông Thắng, đội ngũ trí thức Thừa Thiên Huế phát triển lớn mạnh, đứng thứ 3 toàn quốc với gần 40 nghìn người có trình độ từ cao đẳng trở lên; trong đó, có gần 300 giáo sư và phó giáo sư, gần 800 tiến sĩ và hơn 1,5 nghìn thạc sĩ... Vì thế, địa phương có tiềm năng rất lớn trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ. Vấn đề là phải tập trung vận động để những tổ chức, nhà nghiên cứu, đơn vị kinh tế chủ lực của tỉnh tham gia các cuộc thi để nhân rộng điển hình. Cùng với vận động, tuyên truyền đến từng đơn vị, các thành viên, ban tổ chức tham gia vận động từng cá nhân, doanh nghiệp tích cực tham gia.
Liên hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp, lồng ghép vào chương trình hoạt động của hội, chuyển giao công nghệ để phong trào khoa học thực sự phát triển theo chiều sâu; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tôn vinh trí thức khoa học công nghệ, nhà sáng chế không chuyên, nhà nghiên cứu nữ, tiếp thêm sức mạnh cho các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Nhiệm kỳ qua, Liên hiệp hội tổ chức 6 Cuộc thi, 6 lần tổ chức Giải thưởng và Hội thi. Trong đó, 28 mô hình, sản phẩm được trao giải Cuộc thi toàn quốc; 18 công trình được trao Giải thưởng toàn quốc (năm 2018 chưa có kết quả); 12 giải pháp được trao thưởng Hội thi toàn quốc.
Quan Sơn