ClockThứ Ba, 31/05/2022 07:00

Hương Trà trên hành trình chuyển đổi số

TTH - Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thị xã Hương Trà đã và đang hiện thực hóa mục tiêu về chuyển đổi số (CĐS) trên tất cả các lĩnh vực.

Chuyển đổi số trong quản lý và dạy học ở Hương Trà

Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo trong cải cách hành chính ở thị xã Hương Trà

Ứng dụng gắn cải cách

Xác định CĐS là động lực phát triển của kinh tế - xã hội, ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt Chương trình CĐS tỉnh đến 2025, định hướng đến 2030, UBND thị xã Hương Trà đã ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện nhiệm cụ CĐS đến 2025 trên địa bàn thị xã. Trên cơ sở đó, địa phương đã tổ chức các hội nghị về CĐS để thống nhất phương án triển khai, phù hợp với điều kiện thực tế; xây dựng nội dung, lộ trình thực hiện CĐS theo từng năm.

Chánh Văn phòng UBND thị xã Hương Trà - Trần Ngọc Huyến cho hay: Đặt mục tiêu CĐS bao gồm phát triển chính quyền số, kinh tế số và xây dựng xã hội số trong các ngành, lĩnh vực; phấn đấu đến năm 2030, sẽ CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn thị xã, đưa Hương Trà trở thành địa phương thuộc nhóm đầu trong khối huyện, thị, thành phố của tỉnh về CĐS.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, những năm qua, Hương Trà đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), gắn với cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử và cung cấp dịch vụ công (DVC) phục vụ người dân, tổ chức.

Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà - Nguyễn Duy Hùng cho biết: Chúng tôi chỉ đạo quyết liệt việc ứng dụng CNTT, cải cách TTHC. Bước đầu, địa phương đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hình thành được nền tảng phục vụ phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số các cấp, phục vụ chỉ đạo điều hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn. CĐS không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà quan trọng hơn là chuyển đổi về nhận thức, cách làm và nội dung chính sách...

Đến nay, 100% cán bộ, công chức Hương Trà được cấp và sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ, chứng thư số và các cơ quan đã ứng dụng chữ ký số trong trao đổi và luân chuyển văn bản trên mạng. Trang thông tin điện tử các cấp, cổng DVC và hệ thống một cửa hiện đại tại 9/9 xã, phường đi vào hoạt động đã khẳng định tính hiệu quả, công khai, minh bạch thông tin trong giải quyết TTHC. Hệ thống thông tin DVC được chuẩn hóa theo các quy định mới của quốc gia, số hóa dữ liệu theo hướng chuẩn hóa lưu trữ điện tử, hồ sơ điện tử và tích hợp các dịch vụ khác vào cổng DVC đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức trong sử dụng và tra cứu DVC.

Tập trung mục tiêu

Đến làm thủ tục cấp đổi giấy tờ tại Trung tâm Hành chính công (TTHCC) thị xã, ông Hoàng Tuân, người dân phường Hương Vân vui vẻ: Từ việc lấy số thứ tự và chờ đến lượt làm thủ tục đều nhanh gọn, thông tin thuộc các lĩnh vực được niêm yết công khai. Trung tâm còn có thiết bị hiện đại giúp người dân thuận tiện tra cứu, tìm hiểu hiện trạng xử lý hồ sơ, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí.

Phó Giám đốc TTHCC thị xã Hương Trà - ông Đào Văn Đại thông tin: Đến nay, 100% hồ sơ được số hóa trên cổng DVC, 100% TTHC sẵn sàng cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3, 4 trên cổng DVC của tỉnh, hơn 20% hồ sơ được tiếp nhận theo hình thức trực tuyến, gần 90% hồ sơ giải quyết đúng hạn, tỷ lệ người dân hài lòng với việc cung cấp dịch vụ tại TTHCC đạt 94%. Thị xã Hương Trà cũng luôn nằm trong nhóm các huyện, thị, thành phố đứng đầu về mức độ chính quyền điện tử. Đặc biệt, năm 2021, Hương Trà là địa phương dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính từ khi bảng xếp hạng đánh giá chấm điểm hàng năm được đưa vào thực hiện.

Từ khi triển khai chính quyền số, các xã, phường cũng đẩy mạnh trao đổi công việc, thông báo thông qua môi trường mạng. Hiện nay, Đảng ủy, UBND, các đoàn thể các cấp đã thành lập các nhóm zalo để chỉ đạo công việc trực tiếp. Nhờ đó, công việc được triển khai nhanh chóng và hiệu quả.

Lãnh đạo xã Bình Tiến bày tỏ, hệ thống hội nghị trực tuyến được triển khai đến cấp xã đã phát huy hiệu quả. Không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí đi lại mà còn tạo điều kiện cho cán bộ ở xã được lắng nghe chỉ đạo trực tiếp của chính quyền từ cấp huyện đến Trung ương.

Song song với phát triển chính quyền số, Hương Trà cũng tiếp cận thực hiện xã hội số và kinh tế số. Ông Trần Ngọc Huyến thông tin: Trong kinh tế số, thị xã sẽ từng bước đưa hoạt động của các lĩnh vực, ngành nghề chuyển đổi phương thức từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ số. Phấn đấu đến 2025, 100% cán bộ công chức, viên chức có smartphone triển khai các hoạt động công vụ trên nền tảng Hue-S; 50% người dùng thiết bị di động thông minh được tiếp cận với các dịch vụ chính quyền điện tử, các dịch vụ thông minh và giao tiếp trên môi trường mạng…

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top