Sau nửa năm triển khai dọn sạch bèo tây, đến nay các dòng sông Như Ý, Ngự Hà, Hộ Thành Hào… đã trở nên sạch đẹp. Người dân cũng có ý thức và tích cực tham gia xử lý bèo, khơi thông dòng chảy, hạn chế xả rác bừa bãi, trả lại môi trường trong sạch cho các con sông.
Người dân vớt bèo trên sông Phổ Lợi
Chị Nguyễn Thị Nga ở ven sông Như Ý không giấu niềm vui khi dòng sông này đã “trở lại” phục vụ sinh hoạt, đời sống cho người dân. “Mấy tháng nay, dòng sông Như Ý không còn bốc mùi hôi khó chịu. Dòng nước mát trong có thể phục vụ tắm, giặt cho bà con. Nhiều người dân tự giác trục vớt khi phát hiện bèo trôi dạt trên sông”, chị Nga chia sẻ.
Ông Nguyễn Đương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Vang cùng lãnh đạo các địa phương vừa có chuyến kiểm tra các dòng sông trên địa bàn, như Phổ Lợi, Như Ý, Lợi Nông, Đại Giang, Thiệu Hóa, hói Cầu Lông, hói An Lưu và các hói nội đồng. Điều ghi nhận và đáng mừng là hầu hết các dòng sông đều cơ bản sạch bèo, một số sông sạch hoàn toàn. Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã trục vớt gần 1 triệu mét vuông bèo trên các sông.
Điều mà ông Đương và các địa phương trăn trở là làm thế nào không để bèo tây phát triển trở lại? Điều này đòi hỏi người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ dòng sông. Không có cách nào khác, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, thường xuyên vận động người dân tổ chức kiểm tra, trục vớt bèo ngay từ khi phát hiện. Các địa phương chủ động kinh phí, xây dựng kế hoạch, huy động các lực lượng, đoàn thể cùng Nhân dân ra quân xử lý bèo theo định kỳ (hằng tuần, tháng, quý…).
Các con sông qua địa bàn TP. Huế, như sông Hương, Bạch Yến, An Hòa, Đông Ba, Kẻ Vạn, Ngự Hà, Hộ Thành Hào và các hói ao nội đồng, đến nay cũng đã sạch bèo. Các phường huy động trên 2 nghìn người, 253 ghe thuyền, 3 xe múc và các dụng cụ hỗ trợ, trục vớt khoảng 150 ngàn mét vuông bèo trên các sông. “Giờ đây, không còn cảnh dòng sông dày đặc bèo. Thay vào đó, là không khí trong lành vào những buổi sớm mai, hay buổi tối đi tập thể dục ven sông”, bà Phạm Thị Hải Hà, người dân sống ven sông Ngự Hà xởi lởi.
Các lực lượng vớt bèo trên sông Như Ý
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đình Đức cho rằng, lượng bèo sinh sôi, dày đặc trên các sông là do mấy năm gần đây không có lũ, cộng với nhiều chất thải sinh hoạt đổ ra sông, hói ngày càng nhiều. Hằng năm, các huyện, thị xã và TP. Huế đều bố trí kinh phí cho hoạt động vớt bèo, nhưng do công tác thực hiện, giám sát, phối hợp chưa đồng bộ dẫn đến bèo phát triển nhanh, khối lượng lớn, có nguy cơ mất kiểm soát. Một phần, ý thức bảo vệ các dòng sông của người dân còn thấp, còn trông chờ, ỷ lại của các cấp, ngành nên chưa tích cực tham gia các hoạt động vớt bèo.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí, chỉ đạo các địa phương, ban ngành khẩn trương trục vớt bèo, khơi thông dòng chảy phục vụ sản xuất, tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đến nay, toàn tỉnh đã trục vớt gần 4 triệu mét vuông bèo trên các sông, hói, ao hồ. Trong đó, thị xã Hương Trà khoảng 350 ngàn mét vuông, tập trung ở sông Kim Đôi, Bạch Yến, sông Hương, hói 5, 7 xã; huyện Quảng Điền trên 1,3 triệu mét vuông, tập trung ở sông Kim Đôi, Nịu, Sịa, đập Cửa Lác, phá Tam Giang; còn lại ở các huyện Phong Điền, Phú Lộc và các công trình của Công ty TNHHNN 1TV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý.
Theo ông Nguyễn Đình Đức, để bèo không phát triển trở lại, các huyện, thị xã và TP. Huế, các ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ, duy trì, thường xuyên tổ chức kiểm tra, các hoạt động trục vớt bèo trên địa bàn…
Tổng kinh phí đầu tư trục vớt bèo toàn tỉnh, đến nay gần 10 tỷ đồng. Trong đó, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ với kinh phí 2,1 tỷ đồng; còn lại do tỉnh hỗ trợ. |
Bài, ảnh: Hoàng Triều