ClockThứ Ba, 30/05/2023 07:01

Nâng cao ý thức, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

TTH - Qua gần 1 năm triển khai thực hiện Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn (giai đoạn I) tại 23 phường trên địa bàn TP. Huế, ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường ngày càng nâng cao, góp phần giảm thiểu khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, qua đó giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra.

Bảo vệ môi trường từ phân loại rác thải tại nguồnNgười dân Huế thích nghi với phân loại rác thải

leftcenterrightdel
 Các tổ chức, đoàn thể và người dân tích cực thu gom, phân loại rác trước khi đưa ra tập kết

Chú trọng công tác truyền thông

Với dân số hơn 1,1 triệu người và lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày khoảng 500 tấn, gây sức ép về môi trường và mỹ quan đô thị nên vấn đề phân loại CTRSH đang là yêu cầu cấp bách được TP. Huế chú trọng và đẩy mạnh triển khai. Trong đó, Dự án (DA) "Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF- Việt Nam) khởi động vào năm 2021, với mong muốn giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường tự nhiên vào năm 2024. Trên cơ sở đó, tháng 6/2022 DA đã đồng hành với UBND TP. Huế triển khai chương trình phân loại CTRSH tại nguồn nhằm giảm thiểu lượng rác thải phát sinh, tăng tỷ lệ tái chế, tiết kiệm tài nguyên và góp phần làm cho Huế xanh, sạch, sáng hơn.

Qua gần 1 năm triển khai, hiệu quả lớn nhất của chương trình đó là ý thức trong việc phân loại CTRSH tại nguồn của người dân đã có sự thay đổi, nhiều hộ dân đã tự phân loại rác ngay tại gia đình, hàng quán trước khi đưa ra bãi tập kết; các cơ quan, tổ chức, trường học vừa tuyên truyền, vừa triển khai thực hiện việc phân loại CTRSH. Hiện, trên địa bàn đã có 468 thùng lưu chứa 240 lít bố trí tại 156 điểm công cộng trên địa bàn 23 phường; 156 thùng 120 lít đặt tại các đơn vị trường học, các cơ quan, tổ chức nhằm tạo điều kiện để thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.

Theo đó, CTRSH được các hộ gia đình phân loại thành 3 nhóm chính, bao gồm: nhóm chất thải nguy hại; nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng (rác thủy tinh và các loại rác tái chế còn lại) và nhóm chất thải còn lại. Đối với nhóm chất thải nguy hại và nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng, các hộ gia đình mang đến các điểm lưu chứa CTRSH được phân loại ở 156 vị trí lắp đặt trên địa bàn và bỏ vào các thùng theo quy định. Trong đó, thùng màu cam chứa chất thải nguy hại, thùng màu xám chứa rác thủy tinh và thùng màu trắng chứa rác tái chế, tái sử dụng.

Để thực hiện hiệu quả việc thu gom, UBND TP. Huế đã bố trí kinh phí để Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) đúc đan bê tông, tạo mặt bằng và công lắp đặt các bộ thùng phân loại ở các vị trí công cộng; cải tiến xe đẩy tay thu gom thủ công có thêm ngăn chứa rác tái chế, đồng thời bố trí kinh phí về công tác vệ sinh thùng rác và công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại; công tác thu gom, vận chuyển rác thủy tinh. Trong đó, rác nguy hại được thu gom và vận chuyển bằng xe chuyên dụng theo tần suất tối thiểu 6 tháng/lần và đột xuất theo khối lượng thực tế; rác tái chế thủy tinh và rác tái chế, tái sử dụng được thu gom và vận chuyển đến nơi xử lý theo tần suất tối thiểu 1 tuần/lần; đối với nhóm chất thải còn lại (gồm chất thải rắn hữu cơ và các loại khác) vẫn được thu gom theo thường lệ.

Thay đổi nhận thức, bảo vệ môi trường

Để thực hiện chương trình, thời gian qua, UBND TP. Huế đã phối hợp với tổ chức WWF- Việt Nam, HEPCO tổ chức các lớp tập huấn về tuyên truyền, hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn đến 23 phường trên địa bàn; đồng thời tập huấn phân loại rác cho các trường học, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp, hỗ trợ với WWF-Việt Nam, HEPCO xây dựng các bài giảng lồng ghép các nội dung phân loại rác để tập huấn cho giáo viên các trường học khối mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn 23 phường cũ thành phố.

Ngoài ra, UBND TP. Huế chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tổng hợp nhu cầu của các địa phương, tổ chức in ấn, cung cấp 70 ngàn tờ rơi tuyên truyền phân loại rác tại nguồn để UBND các phường cấp phát cho các hộ gia đình, đảm bảo mỗi hộ gia đình trên địa bàn 23 phường đều nhận được tờ rơi và tiếp nhận thông tin tuyên truyền về hoạt động phân loại rác tại nguồn. Tổ chức WWF-Việt Nam cũng đã hỗ trợ xây dựng, cấp phát cho lực lượng tuyên truyền viên cấp phường tài liệu, video hướng dẫn, 1.500 quyển tổ tay hướng dẫn tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn...

UBND các phường cũng đã thành lập Ban chỉ đạo, nòng cốt là đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, Hội LHPN…; ban hành quyết định thành lập các tổ tuyên truyền, tổ giám sát cộng đồng; đồng thời thành lập lực lượng tuyên truyền viên cấp phường, tổ giám sát cộng đồng để theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện phân loại rác trong cộng đồng dân cư; chủ động xây dựng các hoạt động truyền thanh, truyền thông, phối hợp HEPCO để tổ chức hội nghị, tập huấn, phát tờ rơi hướng dẫn về công tác phân loại rác tại nguồn đến người dân, các tổ chức trên địa bàn.

Ông Hồ Lâm Phúc, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Huế cho rằng, chương trình phân loại CTRSH tại nguồn đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; giúp các tổ chức, cá nhân từng bước hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn; tăng cường hiệu quả các giải pháp nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa và quản lý rác thải nhựa; đồng thời hướng dẫn tổ chức, cá nhân cách thức phân loại, lưu giữ và giao chất thải thu gom đúng quy định... Trong đó, chất thải sinh hoạt phải được phân loại ngay từ nguồn nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, giảm nguy cơ phát tán chất thải nguy hại ra môi trường; nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý Nhà nước về quản lý chất thải sinh hoạt cũng như góp phần bảo vệ môi trường sống.

Trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn giai đoạn I, hiện UBND TP. Huế đang tiếp tục ban hành kế hoạch tổ chức, triển khai giai đoạn II đối với 36 phường, xã. Trong đó, triển khai khảo sát, đề xuất các vị trí, số lượng các cụm thùng phân loại ở vị trí công cộng, lập danh mục các trụ sở cơ quan, trường học trên địa bàn 13 phường, xã sáp nhập, đồng thời lập phương án xử lý các nhóm rác thải sau phân loại, đề xuất vị trí xây dựng khu tập kết rác sau phân loại để sơ chế, đóng gói cung cấp cho các đơn vị tái chế.

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chung tay gìn giữ môi trường”

Được triển khai vào cuối tháng 9 vừa qua, mô hình “Chung tay gìn giữ môi trường” giai đoạn 2024 – 2025 do Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) phối hợp cùng Ban Dân vận Thành ủy Huế thực hiện đang cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu dân cư.

“Chung tay gìn giữ môi trường”
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm

Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường; đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm.

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm
HEPCO kiến tạo môi trường làm việc số

Có bề dày gần 50 năm kinh nghiệm hoạt động chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đang triển khai các giải pháp để thích nghi với thời kỳ chuyển đổi số, một bước đi cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của ngành và sự phát triển không ngừng của xã hội.

HEPCO kiến tạo môi trường làm việc số

TIN MỚI

Return to top