Cuộc thi năm nay quy tụ 68 trường trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) từ khu vực nông thôn, miền núi đến thành phố. 127 đề tài thuộc 5 nhóm lĩnh vực, gồm: Khoa học xã hội và hành vi, vật lý - kỹ thuật, hóa - sinh, toán - công nghệ thông tin và môi trường. Nhiều đề tài, sản phẩm KHKT của học sinh có ý tưởng mới, tạo nên sức hấp dẫn cho cuộc thi.
Mong muốn lớn nhất của các em khi đến với cuộc thi là để giải quyết những yêu cầu bức thiết nơi các em sinh sống. Những dự án này mang tính nhân văn vì không đơn thuần chỉ làm bằng sự đam mê mà còn xuất phát từ tình cảm yêu thương của các em dành cho người thân, nơi các em sinh ra và lớn lên. Nhiều đề tài bắt nguồn từ những suy nghĩ rất đời thường, những ước mơ bay bổng của tuổi trẻ, đôi khi còn pha chút ngây thơ nhưng lại có giá trị thực tiễn cao.
Đã xuất hiện nhiều sản phẩm có tính sáng tạo và ứng dụng cao, như: Quạt bật tắt tự động theo nhiệt độ môi trường; thiết kế hệ thống tự động xử lý nước dùng cho sinh hoạt và chế tạo mô hình; tác dụng trị bỏng từ củ gừng; đèn học thông minh giúp bố mẹ quản lý việc học của con… Em Lê Thị Thương, học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP. Huế), bày tỏ: “Nghiên cứu KHKT dành cho học sinh trung học là một hoạt động vô cùng bổ ích, khơi dậy những ý tưởng khoa học mới lạ, độc đáo của tuổi trẻ. Em tự tin hơn về bản thân, biết sử dụng cách giải quyết khoa học để xử lý các vấn đề. Chúng em bước đầu học được phương pháp hiện thực hóa những ý tưởng của mình”.
Thầy giáo Ngô Đắc Chứng, Phó ban giám khảo cuộc thi, cho biết: "Chính sự nhiệt tình, vô tư và sáng tạo của các em đã đem lại cho chúng tôi nguồn cảm hứng. Cuộc thi thực sự là nơi cho các học sinh thể hiện niềm đam mê và sự sáng tạo của mình. Có những đề tài rất tuyệt vời, nhất là mặt ý tưởng...". Theo Ban Tổ chức cuộc thi, chất lượng các đề tài năm nay cao hơn so với các năm trước, đáng chú ý ngày càng nhiều học sinh ở vùng ven, ngoại thành tham gia. Các em có tinh thần dám nghĩ, dám làm để dấn thân vào con đường khoa học khi nhiều em chưa có điều kiện vật chất để thực hiện đề tài một cách tốt nhất.
Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đánh giá: "Cuộc thi KHKT có ý nghĩa trong việc đổi mới từ hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và mục tiêu dạy học trong các trường phổ thông hiện nay. Không chỉ gói gọn trong việc dạy và học truyền thống, trang bị kiến thức kỹ năng mà còn mở ra một hướng mới cho học sinh cần phải tự nghiên cứu, trải nghiệm trong cuộc sống".
Từ ý tưởng KHKT của học sinh đến việc triển khai giải pháp công nghệ, kỹ thuật là cả một vấn đề. Những ý tưởng dù rất hay nhưng phải triển khai giải pháp kỹ thuật cao, vật liệu khó kiếm… sẽ rơi vào bế tắc. Đó là lý do có những giảng viên đại học sẵn sàng trợ giúp các em trong quá trình triển khai ý tưởng KHKT, áp dụng kỹ thuật vào thực hiện ý tưởng, chọn vật liệu, giải pháp công nghệ…
Năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức đưa cuộc thi vào hệ thống hoạt động trải nghiệm sáng tạo bậc trung học. Từ đó đến nay, học sinh Thừa Thiên Huế đã có công trình tham gia và đạt giải tại các cuộc thi quốc tế, trở thành đơn vị tiên phong của quốc gia trong hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh phổ thông. Qua đó, thực hiện một cách sinh động phương châm của giáo dục hiện đại, kết hợp giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
Huế Thu