ClockThứ Tư, 18/12/2019 13:53

Phát triển tài sản trí tuệ từ những nghiên cứu: Cần những giải pháp thiết thực

TTH - Có lực lượng cán bộ làm nghiên cứu lớn, song việc nhận diện đầy đủ những kết quả cần được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để phát triển thành sản phẩm khoa học công nghệ, nhằm chuyển giao và thương mại các kết quả nghiên cứu này một cách hiệu quả nhất vẫn chưa được Đại học (ĐH) Huế cùng các trường làm tốt.

Phát triển tài sản trí tuệ, từ nghiên cứu đến thương mại hóa sản phẩmXác lập quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa

 Triển lãm sản phẩm khoa học - công nghệ tại Trường ĐH Nông lâm

Chưa tương xứng

Thống kê sơ bộ từ Sở Khoa học và Công nghệ, đến nay chỉ có 13 đơn đăng ký sáng chế của các trường, viện, đơn vị trực thuộc và cá nhân của ĐH Huế và cũng chỉ có 3 giải pháp được cấp bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích từ những năm trước 1990. So với lực lượng cán bộ làm nghiên cứu lớn, con số trên thực sự chưa tương xứng với truyền thống và thực tế hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của cán bộ, giảng viên của ĐH Huế.

Trong một hội thảo liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định trăn trở, mặc dù đã có rất nhiều công trình khoa học thông qua hoạt động đào tạo và NCKH, phát triển công nghệ, nhưng thời gian qua khối tài sản trí tuệ này chưa được ĐH Huế và các nhà khoa học của ĐH Huế quan tâm đúng mức để nhận diện đúng và đầy đủ những kết quả cần được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) để phát triển thành sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN), nhằm chuyển giao và thương mại các kết quả nghiên cứu này một cách hiệu quả nhất.

PGS.TS. Phạm Khắc Liệu, Phó Trưởng ban KHCN và Quan hệ Quốc tế ĐH Huế cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên. Đầu tiên là quan điểm, suy nghĩ của các cán bộ thường tập trung vào xuất bản quốc tế, vẫn còn ngại làm các sản phẩm thương mại hoặc đăng ký SHTT. Hơn thế, thời gian đăng ký SHTT lâu, trong khi thời gian thực hiện đề tài ngắn nên nhiều cán bộ muốn nghiệm thu nhanh kết quả.

Theo một số cán bộ, đề tài thường có quy mô nhỏ vì kinh phí ít và thời gian ngắn nên rất khó có những đề tài lớn để ra sản phẩm. Bên cạnh đó, trong nghiên cứu còn tùy thuộc vào lĩnh vực. Đơn cử như khoa học cơ bản, khoa học về giáo dục hay những nghiên cứu ở ngoại ngữ khó có sản phẩm nghiên cứu…

Theo ThS. Đỗ Thị Diện, Trường ĐH Luật, ĐH Huế, vẫn còn đề tài KHCN trong các trường ĐH chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội, các kết quả nghiên cứu có tính cạnh tranh kém. Ngoài ra, chủ yếu những đề tài NCKH của các giảng viên, nhà nghiên cứu được thực hiện trên kinh phí của ĐH Huế. Vì vậy, có rất nhiều yêu cầu kèm theo những bài báo NCKH trước khi bảo vệ đề tài. Điều này dẫn đến hệ quả đối với những đề tài có tính ứng dụng sẽ không còn tính mới, hoặc đã bị bộc lộ công khai, không đáp ứng điều kiện để bảo hộ tài sản trí tuệ…

Cán bộ, chuyên gia tại Viện Công nghệ Sinh học ĐH Huế tiến hành các nghiên cứu

Cần giải pháp khả thi

Theo các chuyên gia, trong nền kinh tế số hiện nay, khi các mối quan hệ sản xuất thay đổi với tốc độ chóng mặt thì NCKH trong các trường ĐH không những góp phần tạo ra sản phẩm, công nghệ mới mà còn góp phần đào tạo ra những nhà khoa học thế hệ mới, thích nghi với môi trường làm việc đang thay đổi. Tạo lập, bảo hộ và khai thác quyền SHTT trong hoạt động NCKH và tìm được đầu ra cho các sản phẩm nghiên cứu, để đưa các sản phẩm này đi vào thực tế đòi hỏi phải có giải pháp.

Thế nên, các trường thuộc ĐH Huế cần phải quan tâm đến đầu tư SHTT, nhất là tổ chức nhiều hơn các lớp tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, giảng viên về SHTT. ĐH Huế cũng cần thành lập bộ phận chuyên trách về SHTT, đó có thể là văn phòng hoặc trung tâm SHTT giúp xây dựng và triển khai các chế độ, chính sách về hoạt động SHTT; tổ chức triển khai và theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động SHTT, đồng thời, chịu trách nhiệm triển khai công tác xác lập quyền sở hữu và quản lý hồ sơ liên quan đến việc sở hữu...

Theo PGS.TS. Phạm Khắc Liệu, hiện ĐH Huế đã có chính sách hỗ trợ các đơn vị, cá nhân làm thủ tục đăng ký SHTT. ĐH Huế cũng có cơ chế ưu tiên xét duyệt các đề tài có sản phẩm chuyển giao hoặc đăng ký SHTT, và khuyến khích các nhóm nghiên cứu từ cơ bản chuyển dần sang ứng dụng sản phẩm. ĐH Huế cũng chú trọng các nghiên cứu có sản phẩm đầu ra hoặc đưa sản phẩm ra thị trường.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, sắp tới sẽ phối hợp với ĐH Huế đẩy mạnh hoạt động đăng ký, bảo hộ và khai thác các sáng chế/giải pháp hữu ích trên địa bàn thông qua các hoạt động như tổ chức cuộc thi sáng chế; các giải thưởng KHCN, giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật. Đồng thời, hỗ trợ các mô hình khai thác sáng chế/giải pháp hữu ích và các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên các kết quả nghiên cứu KHCN…

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo

Là địa phương nằm ở vùng ven thành phố, số hộ nghèo trên địa bàn phường Hương Vinh (TP. Huế) khá đông. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV), bằng nhiều cách làm và đa dạng các giải pháp giảm nghèo, đến cuối tháng 11/2024, toàn phường chỉ còn 10 hộ nghèo, vượt 400% so với chỉ tiêu thành phố giao.

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo
Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2: Khó ở đâu, gỡ ở đó

Hiện, số lượng các dự án nhà ở thương mại được đầu tư hàng năm khá lớn, nhưng các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, ngoài hoàn thiện chính sách thuộc thẩm quyền, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong thúc đẩy đầu tư NƠXH, việc lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng nguồn lực đầu tư NƠXH đã là hiệu lệnh.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2 Khó ở đâu, gỡ ở đó
Thông tin doanh nghiệp:
Vận Chuyển Xuyên Biên Giới: Giải Pháp Kết Nối Kinh Tế Toàn Cầu Và Những Thách Thức Cần Giải Quyết

Vận chuyển xuyên biên giới đã trở thành yếu tố quan trọng giúp kết nối thị trường quốc tế, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Việc xây dựng chiến lược vận chuyển phù hợp giúp tăng sức cạnh tranh trong nền kinh tế số hiện đại. Trong bài viết này, hãy cùng EFEX tìm hiểu fulfillment là gì và làm sao để tận dụng tối đa dịch vụ này trong quá trình vận chuyển xuyên biên giới.

Vận Chuyển Xuyên Biên Giới Giải Pháp Kết Nối Kinh Tế Toàn Cầu Và Những Thách Thức Cần Giải Quyết
Return to top