ClockThứ Bảy, 11/05/2019 10:41

Ứng phó với hạn hán

TTH - Mùa hè năm 2019, cả nước sẽ phải đối mặt với nắng nóng, hạn hán khốc liệt nhất trong suốt nhiều năm qua. Không chỉ làm cuộc sống người dân bị đảo lộn, hiện tượng hạn thủy văn sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp.

Như dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2019, do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, nắng nóng xảy ra trên diện rộng, kéo dài với nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, lượng bốc hơi nhanh. Trong đó, tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ khả năng cao xuất hiện ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Biểu hiện rõ nhất trong những tháng gần đây, khu vực Trung bộ, trong đó có Thừa Thiên Huế hầu như không có mưa, hiện tượng này chưa từng xảy ra từ trước đến nay. Chỉ mới đầu năm 2019, cụ thể vào tháng 2, nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm từ 3,2 độ C- 3,5 độ C.

Được cho là nắng nóng cực đỉnh nhất so với nhiều năm qua đó là thời điểm khoảng giữa tháng 4, với nhiệt độ có lúc đo được 45 độ C, những ngày còn lại từ 40- 42 độ C. Dự báo tình hình nắng nóng gay gắt còn tiếp tục xảy ra nhiều đợt từ nay cho đến tháng 9/2019.

Ngày nắng kéo dài, nên kết quả đo tổng lượng mưa từ tháng 12/2018 đến tháng 5/2019 tại khu vực Trung bộ phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 40%.

Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn thu hoạch đại trà vụ lúa đông xuân và chuẩn bị bước sang vụ lúa hè thu năm 2019. Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu nước sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nhiều vùng sản xuất.

Để đảm bảo tưới tiêu trong tình hình nắng nóng gay gắt, nguy cơ hạn hán kéo dài, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động xây dựng phương án bảo đảm cấp nước cụ thể cho diện tích sản xuất lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản vụ hè thu năm 2019.

Trong đó xây dựng kế hoạch vận hành của các nhà máy thủy điện, các hồ chứa nước thủy lợi, các công trình ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long, Cửa Lác...; chủ động lực lượng, thiết bị, bổ sung các loại máy bơm nước, bơm chuyền khi cần thiết; nạo vét, khơi thông dòng chảy, tích trữ nước; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các diện tích không bảo đảm nguồn nước phục vụ...

Ngoài những giải pháp phi công trình, để ứng phó với hạn hán đòi hỏi phải có giải pháp công trình, trong đó cần sớm nâng cấp, sửa chữa hệ thống hồ đập, kênh mương thủy lợi đang xuống cấp, hư hỏng ở một số địa phương.

Qua khảo sát của ngành chức năng, trong tổng số 239 hồ đập trên toàn tỉnh phục vụ nước tưới cho hơn 90% diện tích trồng trọt và tiêu úng cho 8.000 ha lúa, hiện có 53/56 hồ đến thời hạn kiểm định nhưng chưa thực hiện được do thiếu nguồn kinh phí.

Tình trạng xuống cấp của hệ thống đầu mối ở các hồ chứa cùng với sự không phù hợp quy mô công trình do sự thay đổi điều kiện khí hậu, thảm thực vật lưu vực... tạo nên những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa rất lớn đến an toàn của hồ, cũng như việc vận hành, hiệu quả phục vụ tưới tiêu.

Năm 2018, tiểu dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Thừa Thiên  Huế” được đề xuất thực hiện. Tiểu dự án này nằm trong dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” được Chính phủ Việt Nam vay vốn của Ngân hàng Thế giới để đầu tư sửa chữa, nâng cao an toàn, hiệu quả hồ đập trên phạm vi cả nước.

Các hạng mục xây dựng của tiểu dự án được thực hiện tại 9 hồ thuộc 4 huyện, thị xã: Nam Đông, Phong Điền, Hương Thủy, Hương Trà với tổng diện tích lưu vực gần 42 km2. Sau khi dự án sửa chữa và nâng cao an toàn tại 9 hồ đập hoàn thành sẽ đảm bảo ổn định cấp nước phục vụ sản xuất, nâng cao an toàn đập giúp người dân khu vực hạ du yên tâm sinh sống, sản xuất.

Trong đó, đảm bảo cấp nước tưới ổn định 2 vụ cho gần 795 ha diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả và vùng nuôi trồng thủy sản trong khu vực.

Hoài Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) phối hợp với các thủy điện thượng nguồn trong quá trình xả, điều tiết nước, chỉ đạo các trạm quản lý chặt các nguồn nước trên sông. Đồng thời, các đập, cống trên đê tiếp tục thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý tránh thất thoát nước trên các trục sông chính ra đầm phá.

Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn
Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô

Nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN), phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi, xây dựng lại cơ cấu cây trồng để thích ứng kịp thời trong điều kiện khô hạn và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng vùng đất.

Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô
Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cảnh báo, trong những ngày nắng nóng như hiện nay, buổi chiều và chiều tối thường xảy ra mưa giông kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá, ảnh hưởng đến sản xuất và gây thiệt hại về người và tài sản.

Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan
Return to top