ClockChủ Nhật, 09/06/2024 07:56

Vì một đại dương xanh và bền vững

Là quốc gia biển, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững kinh tế biển, qua đó, góp phần cùng các quốc gia trên thế giới bảo vệ môi trường, gìn giữ đại dương xanh và bền vững.

Một vùng hợp tác kinh tế biển bền vững

 Thu gom rác thải trên bãi biển Cửa Lò (Nghệ An)

Biển và đại dương bao phủ hơn hai phần ba bề mặt, chứa đựng hơn 95% lượng nước trên Trái đất, có vai trò quan trọng trong việc duy trì các hoạt động kinh tế, cũng chứa đựng giá trị văn hóa, tinh thần của con người. Các đại dương, vùng biển, ven biển rất quan trọng đối với an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng, góp phần thiết yếu trong xóa đói, giảm nghèo thông qua việc tạo ra sinh kế bền vững. Tuy nhiên, nhân loại đang phải đối mặt với những vấn đề như: biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng tài nguyên biển thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường biển, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương… Đây là những vấn đề toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực ứng phó của từng quốc gia cũng như sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam là quốc gia biển và biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, phát triển bền vững kinh tế biển luôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta với quan điểm phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh.

Với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đặc biệt, những năm qua, dưới áp lực của quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng như tính chất ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến môi trường biển như: ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt; ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương...

Để bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững kinh tế biển; trong đó phải kể đến: Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… và nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế-xã hội; chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng được chú trọng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết: Đại dương nuôi sống nhân loại và mọi sự sống trên trái đất, nhưng những hiểu biết về đại dương còn rất hạn chế so với sự rộng lớn, bao la của đại dương. Các tác động và hậu quả thảm khốc gây ra cho đại dương đang được báo động ở nhiều nơi trên thế giới. Do vậy, Ngày Đại dương thế giới (8/6) năm 2024, có chủ đề “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương” kêu gọi các quốc gia và tổ chức cùng khám phá, đánh thức những hiểu biết và đại dương; cùng nỗ lực thay đổi để bảo vệ đại dương, vì một đại dương xanh và bền vững. Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 đến 8/6/2024) có chủ đề: “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển”. Đây là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực, quyết tâm phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, đồng thời bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ quyền quốc gia trên biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các ban, bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp quốc tế về biển, đảo; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo và đại dương; tài nguyên, môi trường biển, đảo; quản lý hiệu quả, giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế biển, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn biển… Mặt khác, phát triển khoa học và công nghệ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế hiệu quả, từng bước xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Đối với các địa phương ven biển cần thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, công bằng, bền vững tài nguyên biển, hải đảo; ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; bảo vệ, duy trì và phục hồi đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo; khai thác, đánh bắt thủy sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật gắn với bảo vệ môi trường. Chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; điều tra, nghiên cứu khoa học về biển, hải đảo phục vụ quản lý, sử dụng bền vững không gian biển, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo. Các địa phương tổ chức khởi công, xây dựng, bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng ven biển và trên các đảo, hải đảo; tổ chức các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng như: Chiến dịch ra quân làm sạch biển, thu gom xử lý chất thải, rác thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường...; phát hiện, biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp thực hiện tốt việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn mình quản lý.

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững

Huy động nhiều nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở TX. Hương Trà không ngừng giúp người nghèo cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững
Một mốc son tự hào của A Lưới

Chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện A Lưới đã bám sát thực tế, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn về giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt.

Một mốc son tự hào của A Lưới
Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tiến đến đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao, Quảng Điền đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp an sinh xã hội. Trong đó, việc ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mô hình giảm nghèo hiệu quả được ưu tiên triển khai đã góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền
Khi người dân có “điểm tựa”

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân Phú Vang đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Khi người dân có “điểm tựa”

TIN MỚI

Return to top