Dù định hướng quy hoạch là thế, nhưng với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp (KCN), cụm CN còn chắp vá, thiếu đồng bộ, khi chưa tới 20% KCN, khu kinh tế có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn các cụm CN hoàn toàn "trắng" hệ thống này, nên để phát triển các ngành CN sạch, thân thiện môi trường (TTMT) đúng nghĩa là khó khả thi. Trừ khi mỗi nhà máy, cơ sở sản xuất tham gia vào KCN phải tự giảm gánh nặng cho môi trường bằng các giải pháp sản xuất sạch hơn, bao gồm ngăn ngừa ô nhiễm, sử dụng năng lượng hiệu quả, quản lý hợp lý nguồn thải, thu hồi tài nguyên, áp dụng các giải pháp công nghệ môi trường... để xây dựng thành một KCN TTMT.
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, lợi ích khi mỗi nhà máy tham gia KCN TTMT không chỉ về mặt môi trường mà còn đáp ứng về mặt kinh tế và xã hội. Những lợi ích mà từng nhà máy nhận được còn đóng góp cho lợi ích của công ty đầu tư phát triển hạ tầng KCN. Vì với mô hình phát triển KCN TTMT sẽ càng tạo ấn tượng tốt đối với các nhà đầu tư, tạo được tính cạnh tranh với những KCN đang xây dựng và chưa được lấp đầy. Đây còn là "chứng nhận môi trường" hay "nhãn sinh thái", tạo uy tín cho KCN và giúp các nhà máy mở rộng thị trường, nhất là trong xu hướng toàn thế giới đang "chuộng" và hướng đến nền CN bền vững, TTMT.
Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô theo quy hoạch đầu tư phát triển KCN và khu dịch vụ hậu cần cảng, khu công nghệ cao. Trong đó bố trí các nhà máy sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển các ngành CN sạch, CN kỹ thuật cao. KCN Phú Bài giai đoạn 1, 2, 3 và 4 đầu tư các ngành kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ thông tin, CN sạch, CN phụ trợ, cơ khí lắp ráp ô tô xe máy, nước giải khát; CN hỗ trợ, phụ trợ cho ngành dệt may...
KCN Tứ Hạ ưu tiên phát triển CN sạch, CN phụ trợ, CN điện, điện tử, dệt may, da giày, cơ khí; không phát triển thêm ngành CN sản xuất vật liệu xây dựng không phù hợp với khu vực lân cận đô thị và có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Các KCN khác như Phong Điền, La Sơn, Phú Đa ưu tiên thu hút đầu tư các ngành nghề và sản phẩm theo đúng chức năng chính của từng KCN.
Mặc dù KCN TTMT vẫn chưa được định hình trên địa bàn, song, lợi thế của địa phương trong việc xây dựng và phát triển mô hình KCN này là đã xác định rõ quan điểm chấp nhận đầu tư về chủ trương, chính sách, giải pháp để hỗ trợ DN; kêu gọi, khuyến khích DN đầu tư vào nhóm ngành CN sạch, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, ưu tiên các dự án chế biến sâu, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và TTMT, hạn chế cấp mới và giảm dần công suất các dự án chế biến, xuất khẩu thô nguồn nguyên liệu.
Công cụ quản lý cũng là "tấm bình phong" để xác định ranh giới cho việc hình thành KCN TTMT. Trong đó, lấy phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm làm nguyên tắc chủ đạo, không cấp phép đầu tư đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu; tăng cường kiểm tra, hậu kiểm sau khi cấp phép môi trường và kiên quyết không cho những cơ sở mới chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo quy định đi vào hoạt động; không cho phép các cơ sở chưa được xác nhận hoàn thành các công trình xử lý chất thải đi vào hoạt động...
Hoài Nguyên