Chị Thắm bên buồng chuối Thanh tiên sản phẩm trong vườn
Sự chân chất trong lối trình bày xuất phát từ kinh nghiệm bản thân khiến đề án của chị lọt vào chung kết một cách thuyết phục và khiến người nghe, người xem tò mò tìm hiểu về những trái chuối Thanh tiên, dứa Nam Đông mà chị giới thiệu.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, ba mẹ bám nương rẫy để nuôi con, nhưng chị Thắm may mắn hơn nhiều trẻ cùng trang lứa ở bản định cư Ta Rung - nơi có 100% người Cơ Tu sinh sống, bởi ba mẹ chị rất quan tâm đến việc học hành của các con.
Sớm xa gia đình về Huế học trung học phổ thông rồi cao đẳng, ra trường, chị Thắm về xã làm nhân viên văn thư, lấy chồng, sinh con và vừa làm vừa tranh thủ học để có bằng đại học. Tháng 7 này, khi chị được thông báo vào chung kết cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” 2020, cũng là lúc gia đình lớn của chị tự hào chào đón hai người em út tốt nghiệp đại học ngành y. Trước đó, hai em kế của chị đã ra trường, một người là dược sĩ, một người là kế toán. Cả 5 chị em đều có tâm nguyện về huyện nhà phục vụ.
Noi gương lao động của bố mẹ, ngay khi lập gia đình, vừa đi làm ở xã, nuôi con, chăm sóc gia đình, chị Thắm còn chăm chỉ lao động thêm. Khu vườn, rẫy của gia đình chị cứ ngày càng rộng ra với diện tích các loại cây quen thuộc như chuối, dứa đặc sản, tràm… Chị còn nuôi gần 20 con bò. Khu vườn chuối với diện tích 2 ha của gia đình chị hiện nay cho thu hoạch đều đặn.
Chị Thắm cho biết, so với thời kỳ cao điểm, một buồng chuối Thanh tiên có thể bán với giá 200 nghìn đồng thì nay mỗi buồng chuối bán với giá trung bình 90 nghìn đồng, vẫn cho thu nhập cao so với các loại cây trái khác. Riêng cây dứa Hương Sơn có được sự ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên nên vừa to vừa ngọt, mọng nước với giá mỗi quả loại 1 lên đến 80 - 90 nghìn đồng và có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.
Nếu chuối Thanh tiên cho thu hoạch thường xuyên, thì dứa Hương Sơn thu hoạch trong vòng hai tháng từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7. Với 3 sào dứa, nguồn thu nhập mỗi năm của gia đình chị Thắm vào loại cây này cũng trên 20 triệu đồng/năm. Ngoài ra, mấy ha rừng tràm cũng là nguồn thu có giá trị của vợ chồng chị (trung bình thu nhập 10 triệu đồng/ha/năm).
Từ trái dứa, buồng chuối, bầy bò và khu rừng tràm, gia đình chị Thắm đã có mức sống cao, đầy đủ tiện nghi, con cái ăn học đàng hoàng và có tích lũy. Chị Thắm cho biết, trồng dứa chỉ khó nhọc trong năm đầu sau đó chỉ chăm gốc, bón phân hai lần trong năm là có thu hoạch. Dứa Hương Sơn càng nắng nóng càng ngọt và cho thu nhập cao hơn 10 lần so với trồng tràm nên gia đình chị đã quyết định chuyển đổi diện tích trồng tràm sang trồng dứa theo sự khuyến khích của huyện.
Nói về vai trò cán bộ Hội, chị Thắm còn là một nhân tố tích cực trong hoạt động phong trào của xã và được chị em phụ nữ trong xã tín nhiệm. Nhờ sâu sát với người dân nên chị và phụ nữ trong thôn đã liên kết trồng và tiêu thụ những cây trái đặc sản của Hương Sơn.
Bài, ảnh: Sương Lam