ClockThứ Năm, 03/02/2022 07:00

Đồng hành & chắp cánh

TTH - Ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư sẵn sàng đồng hành cùng các DN khởi nghiệp, nhóm dự án (DA) khởi nghiệp từ tiền bạc, tư vấn mở rộng thị trường, quản lý, vận hành… chắp thêm đôi cánh để DA khởi nghiệp bay cao, bay xa.

Hỗ trợ doanh nghiệp: “Có bột mới gột nên hồ”Trao giải thưởng Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạoĐẩy mạnh hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo theo chiều sâu

Sản phẩm diều từ lá sen của Sen Thảo

“Bay” cùng khởi nghiệp

Vốn đam mê với nghiệp vẽ và có mối duyên nợ đặc biệt với sen, Nguyễn Thanh Thảo - CEO Công ty TNHH Sen Thảo thường lang thang đến các hồ sen vừa thưởng lãm, vừa lấy cảm hứng sáng tác. Nhìn những chiếc lá sen vàng vọt héo úa, ký ức tuổi thơ với chiếc lá sen xanh ngắt làm nón che mưa lại hiện về nhen nhóm trong anh nhiều ý tưởng.

Và từ những ký ức ban đầu ấy, anh bắt đầu mày mò sáng tạo rồi thiết kế nên những chiếc nón làm từ lá sen. Cũng từ đây, anh chính thức bắt tay vào con đường khởi nghiệp và thành tích đầu tiên được ghi nhận là giải A Cuộc thi Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018 với đề tài nón lá sen. Sau cuộc thi, anh tham gia nhiều hơn các chương trình đào tạo về phát triển tư duy kinh doanh, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, lấp đầy những khoảng trống mà một người làm kinh doanh cần có.

Sản phẩm nón lá sen của Thảo chỉ thực sự tạo được dấu ấn khi góp mặt tại gian hàng trưng bày sản phẩm nón lá sen tại Festival Nghề truyền thống Huế năm 2019. Từ đây, sản phẩm được khách du lịch biết đến nhiều hơn và trở thành món quà lưu niệm không thể thiếu của du khách khi đến Huế. Các đối tác trong và ngoài nước đặt vấn đề “bắt tay” cùng Thảo đưa sản phẩm nón lá sen “made in Huế” vươn xa ngày một nhiều.

Theo Thanh Thảo, sản phẩm làm ra lúc bấy giờ chưa thật sự đa dạng và không có khả năng sản xuất với số lượng lớn do thiếu các máy móc cần thiết. Vì thế, Thảo tham gia gọi vốn và được Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh (HSF) đầu tư 250 triệu đồng. Có được vốn, Thảo đầu tư mua thêm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Các đơn đặt hàng nhờ đó bắt đầu được đảm bảo, Thảo cũng xúc tiến thành lập Công ty TNHH Sen Thảo để thuận tiện hơn trong việc ký kết các hợp đồng cung ứng.

Tuy nhiên, 2 năm gần đây do ảnh hưởng của dịch, du lịch bị ảnh hưởng đầu ra cho các sản phẩm từ lá sen bị gián đoạn. Thay vì tập trung phát triển thị trường mới, Thanh Thảo dành nhiều thời gian hơn chăm sóc cho đại lý cũ, nghiên cứu, sáng tạo nhiều sản phẩm mới với độ tinh xảo cao. Từ chiếc nón lá sen ban đầu, Sen Thảo phát triển hơn 100 mặt hàng với nhiều mẫu mã khác biệt từ túi xách, ví, đèn... góp mặt tại nhiều triển lãm lớn.

Không riêng Sen Thảo, hiện nay có rất nhiều DA tham gia gọi vốn và được các quỹ, nhà đầu tư tư nhân rót vốn. Riêng quỹ tư nhân HSF đã tiếp cận và hỗ trợ cho 10 DA. Trong năm 2021, quỹ đã cam kết tài trợ và có quyết định đầu tư cho DA Hichagol của Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol với số vốn 1 tỷ đồng; DA Kem Kim Thành của Công ty TNHH Nông sản Sunfarm cũng được giải ngân 1 tỷ đồng cuối năm 2021.

Để được “chọn mặt gửi vàng”

Không phải là nơi hội tụ những nhà đầu tư lớn, quỹ đầu tư từ thiên thần, đến mạo hiểm hay các shark (nhà đầu tư cá mập) như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Trong 2 năm trở lại, các nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư tư nhân bắt đầu xuất hiện và các phiên pitching (gọi vốn) được tổ chức nhiều hơn, tạo hệ sinh thái hỗ trợ sâu cho khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Ngày càng nhiều DA đăng ký tham gia gọi vốn với sự chỉn chu từ hình thức trình bày đến nội dung gọi vốn.

Dự án Hichagol gọi vốn thành công 1 tỷ đồng

Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Quỹ AIO chia sẻ, trong tất cả khó khăn khi khởi nghiệp thì vốn là khó khăn lớn nhất, khiến DN dễ dàng chùn chân. Vì thế, ngoài kêu gọi vốn từ người thân bạn bè, thì nguồn vốn từ các quỹ, các nhà đầu tư sẽ mang lại hiệu quả cao trong phát triển. Bởi, các nhà đầu tư là người có kinh nghiệm “thực chiến” trong kinh doanh nên khi sẵn sàng rót vốn tức là họ đã sẵn sàng làm bạn đồng hành hỗ trợ DA từ A chí Z, từ tư vấn phát triển đội ngũ nhân sự, thị trường đến xây dựng thương hiệu - điều mà các DN, DA khởi nghiệp thiếu từ kinh nghiệm lẫn kỹ năng.

Nói như vậy không có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ luôn sẵn sàng rót vốn cho tất cả các DA khởi nghiệp mà không quan tâm đến hiệu quả DA sẽ mang lại. Bởi, “Quỹ đầu tư không phải là tổ chức từ thiện, mà quỹ được tạo thành từ tiền của các nhà đầu tư. Vì thế trước hết, chúng tôi phải đặt mục tiêu có lợi nhuận lên hàng đầu, sau đó mới tiếp sức cho các bạn trẻ”, ông Hưng khẳng định.

Ngoài ra, không dễ để tiếp cận các quỹ đầu tư vì mỗi quỹ sẽ có một tôn chỉ, một mục đích riêng và những lợi thế trong một mã, ngành kinh doanh nhất định. Vì thế, DN khi gọi vốn cũng phải cân nhắc đến thế mạnh từng quỹ để vừa lựa chọn được đơn vị tài trợ vốn, vừa có thêm bạn đồng hành.

Nói như nhà đầu tư cá nhân Hoàng Trọng Vân Kiều: “Hiểu nhà đầu tư để gọi vốn, để thành công”.

Theo bà Lê Thị Hồng Nga, Thư ký ban đại diện HSF, DA muốn nhận hỗ trợ từ HSF cần mang tính sáng tạo, có tính chất lan tỏa và tạo sự kế thừa cho các thế hệ khởi nghiệp sau này. Ngoài ra, HSF cũng ưu tiên các ngành nằm trong lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh và không loại trừ cơ hội đầu tư vào các DA có lợi thế lôi kéo các nguồn lực đổi mới sáng tạo từ bên ngoài vào tỉnh.

Trong khi đó, Quỹ AIO lại khuyến khích đầu tư vào các DA nghiên cứu và làm mới các sản phẩm đã cũ. Vấn đề là làm sao từ sản phẩm cũ, DA gọi vốn phải sáng tạo, nâng cao chất lượng và nhất là giải quyết được “nỗi đau của khách hàng”.

Chuyện nhà đầu tư hướng dẫn, chia sẻ cho các DA, các DN cách để “rút” tiền từ túi mình trông có vẻ nghịch lý. Nhưng theo cách lý giải của người khởi xướng hoạt động xây dựng kết nối mạng lưới nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thì điều này có lý nhiều hơn.

Chia sẻ về điều này,  Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế lý giải, việc ra đời thành công các quỹ đầu tư tư nhân tại địa phương nhằm hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, DN khởi nghiệp là bệ đỡ quan trọng minh chứng cho sự trưởng thành của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo địa phương. Tuy nhiên, không phải DA nào cũng có được những kỹ năng cơ bản để gọi vốn vì thế dù rất nhiều nhà đầu tư rủng rỉnh tiền nhưng lại chưa chọn được “mặt gửi vàng”. Những hoạt động xây dựng kết nối mạng lưới nhà đầu tư hay những phiên pitching sẽ tạo nên những cầu nối cho các nhà đầu tư với các DA khởi nghiệp.

Khi hoạt động kết nối mạng lưới hiệu quả, sẽ thu hút các nhà đầu tư từ các nơi khác tới đầu tư cho địa phương, thu hút các DA khởi nghiệp có chất lượng từ những địa phương khác dịch chuyển về phía địa phương có quỹ, nâng cao cơ hội thu hút nguồn lực và cơ hội tổng thể cho phát triển kinh tế, xã hội, công nghệ tại địa phương.

Bài: Hoàng Loan

Ảnh: Sen Thảo - Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp
Return to top