ClockThứ Hai, 12/11/2018 05:15

Gỡ vốn cho khởi nghiệp

TTH - Đối với một ý tưởng/dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), nhu cầu về vốn trở nên cấp bách, là điều kiện tiên quyết để tồn tại trong giai đoạn trứng nước.

Hỗ trợ nhà nông và bà nội trợKhởi nghiệp để giúp dân nhiều hơn“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra các hạt nhân là doanh nhân khởi nghiệp”

Đại diện Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho DNVVN Thừa Thiên Huế (bìa trái) trao tặng giải cho các tác giả đoạt giải KNĐMST 2018

 Chưa đáng kể

Tham gia hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn, Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai 3 hoạt động với tinh thần động viên là chính, gồm: Tài trợ và trao giải cuộc thi KNĐMST của tỉnh, hỗ trợ vốn mồi và cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vay vốn. Trong đó, Quỹ sẽ hỗ trợ vốn mồi theo hình thức không lãi theo nội dung Quỹ đang đề xuất UBND tỉnh, nguồn vốn mồi sẽ được hỗ trợ theo hình thức đầu tư không lãi cho các nhóm khởi nghiệp đã lọt vào vòng chung kết các kỳ thi KNĐMST của tỉnh, hoạt động trên địa bàn tỉnh. Mỗi dự án được mồi tối đa ở mức 25 triệu đồng, trong 3 năm và mỗi năm không quá 3 dự án nhận được nguồn vốn này.

Nguyễn Văn Huân là tác giả dự án KNĐMST Bản đồ đặc sản Việt Nam. Dự án đang ở giai đoạn thực hiện mô hình mẫu và đang rất cần nguồn lực để hoàn chỉnh dự án. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ nguồn vay 25 triệu đồng/dự án của tỉnh hiện nay, theo Huân đó là mức quá thấp, không thể giải quyết được vấn đề gì. Huân đề xuất: Giai đoạn đầu do chưa đủ khả năng tiếp cận ngân hàng nên các nhóm/cá nhân KNĐMST cần có những hỗ trợ ươm tạo về không gian làm việc, chuyên gia cố vấn và có thể được cho một ít tiền để xây dựng sản phẩm mẫu… Đổi lại, sự hỗ trợ ấy có thể chuyển thành cổ phần khi dự án khởi nghiệp thành công, thành lập được doanh nghiệp với mức 5-10%. Với hình thức vay vốn, nhiều người ngại rủi ro nên chưa mạnh dạn vay vốn.

Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, cô chủ của Công ty TNHH MTV SX Thương mại và Dịch vụ Xưa, tác giả của hai giải nhất cuộc thi KNĐMST tỉnh và khu vực duyên hải miền Trung – Tây Nguyên, cũng cho rằng: Khó khăn cốt lõi của các nhà khởi nghiệp là vốn. Tuy nhiên, với mức đề xuất hỗ trợ 25 triệu đồng/dự án chỉ phù hợp với những ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Với doanh nghiệp như Xưa, nhu cầu vốn lớn hơn rất nhiều. Hơn nữa, ngoài nguồn tiền trước mắt, Xưa còn cần đến nhà đầu tư tiềm năng có thể đồng hành cả trong quá trình phát triển thương hiệu.

Đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp

Hiểu hành trình gọi vốn gian nan của các nhóm/cá nhân KNĐMST, Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh đang đề xuất với UBND tỉnh thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh. Nếu được thành lập, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp hoạt động với tính chất mạo hiểm. Mỗi dự án được hỗ trợ có vòng đời 5 năm. Trong 5 năm đầu hoạt động, vốn điều lệ cần khoảng 5 - 6 tỷ đồng.

“Chính quá trình khởi nghiệp khó khăn và đầy rủi ro là rào cản khiến các nhóm/cá nhân KNĐMST không thể tiếp cận các kênh huy động vốn truyền thống. Ngay cả những ý tưởng/dự án KNĐMST được đánh giá là xuất sắc trong các cuộc thi trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng rất khó được phát triển thành những dự án thành công. Do đó, nhu cầu về quỹ hỗ trợ KNĐMST là quan trọng và rất cần thiết. Nếu được thành lập, quỹ có vai trò như “bà đỡ” cho doanh nghiệp mới, đồng thời là vốn mồi, là chất xúc tác của Nhà nước phát động và lan tỏa đến nguồn lực tư nhân, thêm cơ hội gọi vốn trong hệ sinh thái KNĐMST”- ông Lê Quang Minh, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh nêu quan điểm.

Tại buổi lễ tổng kết và trao giải cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã nhấn mạnh: Giao Sở Tài chính phối hợp với các tổ chức liên quan nghiên cứu cơ chế tài chính, nhất là vấn đề tín dụng cho các nhóm/cá nhân có ý tưởng/dự án KNĐMST. Hướng tới lãi suất cho vay phải ngang bằng với lãi suất huy động và giảm thiểu thủ tục hành chính. Mặt khác, nghiên cứu tiến tới thành lập quỹ mạo hiểm hỗ trợ doanh nghiệp KNĐMST trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng: Ở giai đoạn hình thành ý tưởng, các nhóm/cá nhân KNĐMST rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng vấn đề bất cập là do xác suất thất bại trong khởi nghiệp rất lớn, nên nếu lấy tiền Nhà nước hỗ trợ thì khi gặp rủi ro, thất thoát ngân sách ai sẽ chịu trách nhiệm. Theo tôi, nếu có thể, chúng ta nên hỗ trợ hoàn toàn cho các nhóm/cá nhân có ý tưởng KNĐMST đã được thẩm định bằng một mức tiền cụ thể nào đó. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện theo khuynh hướng này. Khi ý tưởng đã được hoàn chỉnh, phát triển thành dự án và có thể thành lập được doanh nghiệp thì lúc đó các nhà khởi nghiệp có thể huy động vốn từ các doanh nghiệp lớn mạnh và cộng đồng xã hội.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

Trong hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện A Lưới vươn lên phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã ra đời, mang lại sinh kế ổn định cho ĐVTN.

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao
Khởi nghiệp trên đất biên cương

Từng bôn ba vài năm ở TP. Hồ Chí Minh để lập nghiệp, nhưng Hồ Viết Ái Duy (27 tuổi) đã quyết định trở về khởi nghiệp trên chính mảnh đất biên giới A Lưới quê hương, với mô hình nuôi heo hữu cơ.

Khởi nghiệp trên đất biên cương
Sôi nổi cuộc thi khởi nghiệp YES! Camp x Huế 2024

Tối 24/11, chương trình YES! Camp x Huế 2024 với chủ đề "NetZero", do Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo - Đại học Huế tổ chức đã chính thức khép lại sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, hấp dẫn.

Sôi nổi cuộc thi khởi nghiệp YES Camp x Huế 2024
Return to top