ClockThứ Hai, 06/08/2018 12:45

Hãy bắt đầu bằng ưu thế của mình

TTH - Đó là chia sẻ của Nguyễn Thị Đoan Trang, CEO Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thêu may Đoan Trang trước những chọn lựa để khởi nghiệp. Nếu được bắt đầu từ những ưu thế riêng có, nhà khởi nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để theo đuổi ý tưởng và vượt qua những khó khăn muôn hình vạn trạng.

Giữ niềm đam mêKhởi nghiệp từ nghề đan bàn, ghế bằng dây nhựaNgười trẻ tiên phong

Cô chủ của DNTN Thêu May Đoan Trang

Sinh năm 1970, Đoan Trang có gương mặt và cách nói chuyện trẻ hơn nhiều so với tuổi. Với nghề thêu may, chị bén duyên từ khi còn là một sinh viên ngành sư phạm. Nhưng nếu tính thời điểm kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ đôi bàn tay của chính mình, thì đó là năm chị học lớp 6. Lúc bấy giờ, thứ chị bán được đều là những đồ chơi do chính chị tự làm để phục vụ cho chính mình, như kết đôi quang gióng từ đoạn dây điện cha bỏ đi, làm lồng đèn giấy, dựng nhà từ bánh tráng ép bột lọc…

Với khả năng sáng tạo vượt trội, ở độ tuổi đó, Đoan Trang đã có thể “hô biến” những chiếc bánh tráng ép dòn thơm đủ màu sắc thành nhà trệt, nhà tầng và cả nhà vườn. Đó cũng là sản phẩm đem về cho chị nhiều tiền nhất. Chẳng còn nhớ cụ thể số tiền có được là bao nhiêu, nhưng chị vẫn nhớ rõ niềm vui của mẹ và sự háo hức của mình mỗi khi đi học về, thấy “những ngôi nhà” đã được bán hết sạch. Tất cả đều được chị cho ra đời để phục vụ cho những trò chơi đồ hàng con trẻ của riêng mình, nhưng sau thì được các bạn hàng xóm đồng lứa “gạ” mua. Bạn này có bạn khác cũng muốn có, thế là Đoan Trang có tiền từ những món hàng nhỏ xíu ấy.

Lớn lên, năng khiếu của cô chủ Đoan Trang thiên hẳn về thêu may và trang trí trang phục. Khi còn là sinh viên, chị đã bắt đầu với những công việc nhỏ và đơn giản, như đan những chiếc vòng nhỏ xíu, làm chiếc móc khóa, thêu những bức tranh… Đó cũng là cái duyên để DNTN Thêu may Đoan Trang ra đời sau này. Trước là bạn học, sau là đồng nghiệp, rất nhiều người thấy trang phục của Đoan Trang có những chi tiết mới lạ, phá cách và rất đẹp nên đã “năn nỉ” chị làm cho mình những sản phẩm tương tự. Nắm bắt được thị hiếu khách hàng, Đoan Trang vừa theo việc trường của một giáo viên Anh ngữ, vừa quán xuyến đội thợ khoảng 10 người chuyên về thêu may. Công việc nào chị cũng yêu thích và cũng cho chị cảm hứng để vượt qua những khó khăn để làm nghề.

Sau 6 năm theo nghề giáo, cuối cùng chị đã rút hẳn về hoạt động trong nghề thêu may. Với chị, đó là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời và chị đã phải đắn đo cân nhắc rất nhiều. Đến nay, tuy vẫn còn nhớ nghề giáo rất nhiều nhưng thành công của DNTN Thêu may Đoan Trang đã cho chị rất nhiều năng lượng để tiếp tục tiến về phía trước. 10 năm sau khi chuyển nghề, tấm bảng hiệu Thêu may Đoan Trang mới được dựng lên. Và trong số những người thợ đồng hành cùng cô chủ Đoan Trang thủa đầu lập nghiệp, nay vẫn còn gắn bó làm nghề với chị. Tuy chỉ xuất phát với năng khiếu tự có cùng sự bền bỉ tìm tòi học hỏi, DNTN Thêu may Đoan Trang không những mở rộng được bạn hàng mà còn được rất nhiều người tìm đến học nghề.

Thành lập từ năm 2007, DNTN Thêu may Đoan Trang hiện chuyên về thêu tay, thêu máy, thêu vi tính, vẽ, in và đính cườm trên tất cả các trang phục, như: áo dài, áo cưới, trang phục thời trang, đồng phục học sinh, đồng phục cơ quan… Doanh nghiệp cũng sản xuất nhiều loại tranh thêu nghệ thuật và tranh thêu truyền thống về Huế, đồng quê, thư pháp, phong cảnh. Rất nhiều khách hàng thường xuyên và thân thiết là những nhà may áo dài nổi tiếng trong thành phố. Không chỉ đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, cô chủ Đoan Trang còn rất quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhân viên. Với chị, đó cũng là cách để kết nối và tạo sức mạnh bền vững cho doanh nghiệp.

CEO DNTN Thêu may Đoan Trang chia sẻ với người trẻ đang ấp ủ những ý tưởng khởi nghiệp: “Nếu chỉ riêng một người thì đơn giản, nhưng khi đã hình thành đội ngũ để khởi nghiệp thì hoàn toàn khác, luôn phải tính đến hiệu quả kinh tế. Hãy xác định thế mạnh của bản thân để khởi nghiệp và lấy niềm đam mê của chính mình để đáp ứng những gì xã hội đang cần. Nếu bắt đầu bằng công việc không phải là ưu thế của bản thân, hoặc chỉ là bắt chước những gì mình thích từ người khác thì con đường đó không bền vững”.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

Trong hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện A Lưới vươn lên phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã ra đời, mang lại sinh kế ổn định cho ĐVTN.

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả

TIN MỚI

Return to top