ClockThứ Tư, 01/01/2020 05:48

Khởi nghiệp tuổi 50

TTH - Sau 6 năm khởi nghiệp, giờ đây ở tuổi 56, chị Nguyễn Thị Kim Anh (thôn Thanh Vinh, xã Phú Mậu, Phú Vang) làm chủ một xưởng may bề thế với doanh thu hơn 30 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 250 lao động.

Xây lầu cho lanGiữ chí khởi nghiệp

Bằng sự nỗ lực không ngừng, chị Nguyễn Thị Kim Anh đã khởi nghiệp thành công ở tuổi 50

Không ngại thử thách

Mở đầu câu chuyện với tôi, người phụ nữ từng trải rùng mình khi nhớ lại những khó khăn đã qua. 25 năm rong ruổi, thử sức với nhiều công việc khác nhau từ làm thuê đến làm chủ với khát vọng đổi đời nhưng đều thất bại. Năm 2012, chị ngậm ngùi trở về quê với hai bàn tay trắng. Từng phải đẩy bộ xe từ Huế về Phú Mậu vì không có tiền đổ xăng, chồng lại bỏ rơi… chị không nản chí. Gom nhặt tất cả mở nhà hàng ăn uống mong được đủ đầy bù đắp cho con, nhưng lại thua lỗ. Thất bại đó khiến người làm mẹ như chị không đành lòng. “Làm gì để nuôi con cứ ảm ảnh tôi hàng đêm”, chị tâm sự.

Một lần ra chợ, chị nghe các tiểu thương tìm nguồn hàng thảm chà chân bán trong dịp tết. Lân la tìm hiểu, chị được mọi người động viên và hướng dẫn cách may. Trước đó chưa từng làm quen nghề may, nhưng không hiểu sao, chị vẫn có niềm tin nên xin nhận may. Chạy vạy khắp nơi, chị cũng mượn được 5 triệu đồng để mua máy may. Thợ bình thường mỗi ngày hoàn thành 10 sản phẩm, nhưng với chị ngày đêm chăm chỉ mới may được một. Sản phẩm làm ra có mối hàng nhận nên “lấy công làm lời”, chị bảo.

Xưởng may của chị Kim Anh tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động

Tiếp đó, chị chọn mua những quần jean nam “second hand” về cắt may thành quần lửng rồi bán lại. “Mua cái 8 ngàn về cắt sửa lại, tôi bán cái 15 ngàn cũng nhiều người mua. Hàng bán khá đều tay, tôi mạnh dạn mở rộng thêm các sản phẩm quần áo khác”, người phụ nữ lớn tuổi nói về bước đường khởi nghiệp với nghề may mặc. Tiếp đó, chị mua vải, tự thiết kế những mẫu khác nhau rồi đặt may nhằm tăng số lượng mặt hàng. Sản phẩm chị ký gửi tại các chợ tiêu thụ khá nhanh.

Thấy “mua may, bán đắt”, chị Anh quyết định dùng toàn bộ tiền mình tích cóp đầu tư mua máy và tuyển thợ sản xuất quần áo trẻ em các loại, hướng đến thị trường phục vụ mặt hàng trẻ em bình dân. “Năm đó, tôi tròn 52 tuổi, tên gọi “Xưởng may dì Anh” ra đời vì hầu hết công nhân may đều bằng tuổi con, cháu tôi”, chị Anh kể.

Giá thành rẻ, chất lượng tốt nên ngay khi tung ra lô hàng đầu tiên, sản phẩm của chị đã tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Vừa mối truyền thống vừa tận dụng mạng xã hội để kinh doanh online, sản phẩm nhanh chóng lan tỏa khắp các tỉnh, thành trong nước. Nhiều chủ cửa hàng người Việt tại các nước Nga, Lào, Campuchia,… kết nối đặt hàng. Bình quân mỗi ngày, Xưởng may dì Anh xuất kho khoảng một vạn sản phẩm.

Sẻ chia

Chị Anh nhận ra rằng, muốn thành công phải nhiều người hợp sức lại, cùng nhau hướng về một mục đích cùng nhau có lợi. Chị sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận, nhiều vị trí như thợ cắt và thợ may chính được trả mức lương bình quân 16 triệu đồng/tháng. Thấp nhất là công việc phân loại và đóng gói sản phẩm: 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Công nhân tăng ca được chị trả lương cao hơn so với Luật Lao động. “Bất cứ ai cần việc làm và chịu khó, tôi đều nhận dạy nghề miễn phí và trả lương theo sản phẩm. Những phụ nữ lớn tuổi tôi bố trí làm ở những bộ phận phân loại sản phẩm và đóng hàng”, chị Anh cho biết.

“Được trọng dụng, có đầy đủ máy móc để thể hiện tay nghề, hưởng lương đúng với năng lực bản thân lại ở gần nhà nên không có lý do gì tôi không cống hiến hết mình cho xưởng may”, anh Huỳnh Phong, một thợ cắt tại xưởng may dì Anh, bộc bạch.

Đối với các chủ phân xưởng khác, chị sẵn sàng bỏ vốn đầu tư cơ sở vật chất và cho họ trả dần. Đền đáp tấm lòng của bà chủ tốt bụng, toàn bộ công nhân xưởng may đều hết lòng vì công việc. Xưởng may chị ngày càng phát triển, từ đầu năm đến nay doanh thu xưởng may đạt 3 tỷ đồng/tháng. Chị đang làm thủ tục thành lập công ty và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; đồng thời, đăng ký thương hiệu để cạnh tranh thị trường.

Khi xưởng may vừa đi vào ổn đinh, chị Kim Anh chủ động tìm đến Hội LHPN xã Phú Mậu đăng ký đảm nhận giúp đỡ 10 gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Thanh Vinh, mỗi gia đình 200 ngàn đồng/tháng. Chị còn ủng hộ thôn 20 triệu đồng để nâng cấp tuyến đường kiệt và hưởng ứng mọi hoạt động địa phương. Cứ mỗi dịp tết đến, chị lại đích thân lên Bệnh viện Trung ương Huế tặng quà cho các bệnh nhân.

Ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, cho biết: “Chị Anh đã vượt lên tuổi tác, không chỉ là người đặt nền móng phát triển mới cho người dân xã Phú Mậu mà còn là người truyền cảm hứng, giúp các bạn trẻ mạnh dạn đeo đuổi ước mơ, thực hiện khát vọng làm giàu chính đáng. Không chỉ đóng góp rất nhiều cho hoạt động xã hội của xã, đáng quý hơn, chị Anh đã tạo việc làm cho nhiều lao động có thu nhập ổn định”.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

Trong hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện A Lưới vươn lên phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã ra đời, mang lại sinh kế ổn định cho ĐVTN.

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao
Khởi nghiệp trên đất biên cương

Từng bôn ba vài năm ở TP. Hồ Chí Minh để lập nghiệp, nhưng Hồ Viết Ái Duy (27 tuổi) đã quyết định trở về khởi nghiệp trên chính mảnh đất biên giới A Lưới quê hương, với mô hình nuôi heo hữu cơ.

Khởi nghiệp trên đất biên cương
Kết nối thông tin, tạo việc làm cho người lao động

Hàng năm, có gần 10.000 lao động là sinh viên, học sinh ra trường, bộ đội xuất ngũ, một bộ phận lao động mất việc do sắp xếp lại doanh nghiệp... bổ sung vào lực lượng lao động của tỉnh. Để giải quyết việc làm cho số lao động trên cũng như lao động đang dôi dư, thất nghiệp, nhiều giải pháp về giải quyết việc làm, đào tạo nghề, tăng khả năng tiếp cận thị trường lao động được đẩy mạnh thực hiện.

Kết nối thông tin, tạo việc làm cho người lao động

TIN MỚI

Return to top