|
Nguyễn Duy Lanh (bìa trái) tư vấn cho khách hàng lựa chọn chuột lang |
Tốt nghiệp Trường đại học Nông Lâm, với thế mạnh kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, sau khi ra trường, Nguyễn Duy Lanh đã có công việc ổn định tại miền Nam. Thế nhưng với Lanh, sâu thẳm trong trái tim, những ước mong của chàng trai trẻ vẫn luôn hướng về quê hương.
Lanh cho biết: “Từ nhỏ mình đã lớn lên với ruộng đồng, bởi thế, những ước mơ của mình đều gắn bó với các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi ngay trên mảnh đất quê hương. Khi mới ra trường, kinh nghiệm, kinh tế mình đều chưa có nhiều, những dự định ấp ủ đành gác lại để khi đúng lúc, mình sẽ trở về”.
Thời cơ của chàng trai trẻ đam mê nông nghiệp đến vào đầu năm 2022. Một phần vì sức khỏe không đáp ứng được yêu cầu khắc nghiệt của công việc, phần vì thấy những yếu tố thuận lợi và con đường mình đi đã sáng rõ.
Chọn mô hình nuôi chuột lang nhà, nuôi thỏ để khởi nghiệp, tuy không phải là đối tượng vật nuôi mới, thế nhưng thỏ và chuột lang nhà lại mang những lợi thế lớn. Duy Lanh phân tích: “Thỏ và chuột lang nhà có rất nhiều ưu điểm. Trước hết, chúng đều có thể ăn các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp như rơm, ngô, các loại rau màu. Tiếp đến, trong quá trình chăm sóc, người nuôi có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để chăm. Hơn nữa, với xu thế của đời sống hiện đại, nhu cầu ăn uống và giải trí tăng cao, các động vật cảnh cũng được yêu chuộng. Bởi thế, thị trường của thỏ và chuột lang nhà vẫn còn rất rộng mở cho những ai biết nắm bắt cơ hội”.
Lợi thế rất lớn, nhưng đi kèm với đó là những rủi ro lớn không kém. Trong đó, điều kiện thời tiết khắc nghiệt là trở ngại đầu tiên Lanh gặp phải khi muốn nuôi thuần thỏ và chuột lang nhà trên mảnh đất quê hương.
Chàng trai trẻ kể: “Vào đợt lạnh sâu năm 2023, mình đã rất bất ngờ khi nhiệt độ chuồng nuôi hạ xuống ngưỡng 12 độ C. Là loài nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, khi quá nóng hay quá lạnh, chuột lang nhà đều sẽ dễ sốc nhiệt. Ngoài ra, nguồn thức ăn và cách quảng bá để nhiều người biết đến các sản phẩm mà mình làm ra cũng gặp nhiều khó khăn”.
Bởi thế, khi ngoài trời mưa rét, nhiều hôm Duy Lanh đã thức trắng đêm để canh nhiệt độ, ủ ấm cho chuồng nuôi. Với nguồn thức ăn, vừa chủ động tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, Lanh còn trồng thêm cỏ để duy trì chế độ ăn hợp lý, đảm bảo cho thỏ và chuột lang nhà phát triển tốt.
Trung bình mỗi năm, một chuột lang mẹ có thể sinh từ 4,5 – 5 lứa, mỗi lứa từ 1 – 5 con. Tùy vào các loại chuột lang khác nhau như chuột lang Việt, chuột Aby xù, chuột lang California hay Ame mà giá thành sẽ dao động từ 110 – 600 nghìn đồng/con.
Với cách tiếp thị kết hợp, vừa qua kênh bán hàng rong, bán trên mạng xã hội, vừa bỏ mối sỉ cho các cửa hàng thú cưng, với hơn 100 chuột mẹ sinh sản và giá thành thỏ, chuột hợp lý, cạnh tranh, trại nuôi thỏ và chuột lang nhà của Nguyễn Duy Lanh ngày càng được biết đến. Số lượng thỏ thịt, chuột lang cung không đủ cầu.
Nhận định về mô hình nuôi kết hợp thỏ và chuột lang nhà của Nguyễn Duy Lanh, chị Nguyễn Thị Thịnh, Bí thư Đoàn phường Hương Xuân cho biết: “Là mô hình chăn nuôi kết hợp mới mẻ trên địa bàn phường, trại thỏ và chuột lang nhà của Nguyễn Duy Lanh cho thu nhập khá, vừa tận dụng phế phẩm nông nghiệp tại địa phương, vừa tạo ra hướng đi mới để phát triển kinh tế. Cùng với hoạt động đồng hành, hỗ trợ, Đoàn phường sẽ hướng dẫn để tạo điều kiện giúp anh Lanh vay vốn, mở rộng mô hình khởi nghiệp”.