Môi trường làm việc chung ở CoPLUS
“Muốn khởi nghiệp hãy gõ cửa vườn ươm”, đó là cách mà những người trẻ ở TP. Hồ Chí Minh thường nhắc nhau khi có dự án khởi nghiệp. Theo số liệu khảo sát, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp tự phát triển được không cần sự trợ sức của các nguồn lực và 20-40% doanh nghiệp thành công từ các dự án vườn ươm. Ở Việt Nam, khái niệm vườn ươm vẫn còn khá mới mẻ. Các vườn ươm trong nước hiện có chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ở Thừa Thiên Huế, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Cộng Hưởng mở ra vườn ươm đầu tiên với tên gọi Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp CoPLUS tại Không gian làm việc chung CoPLUS, 65 Bến Nghé, Phú Hội. Vì tiên phong nên trung tâm vẫn đang “vừa đi vừa dò đường” để tìm mô hình phù hợp với các nhà khởi nghiệp ở Huế.
Đồng sáng lập Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Cộng Hưởng, bà Nguyễn Thị Thu Trang có thế mạnh trong lĩnh vực tư vấn marketing, quản lý dự án, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Bà Trang cho biết, trong giai đoạn đầu cách mà công ty thực hiện ươm tạo là tập trung vào việc mở các lớp tập huấn ngắn hạn, hoặc tổ chức các chương trình hội thảo để giới thiệu những công cụ khởi nghiệp cơ bản nhất. Năm 2017, nhiều người vẫn còn bỡ ngỡ với khái niệm khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ tìm đến vườn ươm khi vừa mới có ý tưởng. Các hoạt động ban đầu của Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp chủ yếu ở việc giới thiệu những thông tin cơ bản về công cụ khởi nghiệp, như: khởi nghiệp là gì, cách thức huy động vốn, cách xây dựng một mô hình kinh doanh cơ bản… Năm 2018, những dự án khởi nghiệp được ươm tạo đã có sản phẩm mẫu và bắt đầu có những khách hàng đầu tiên, nên chương trình ươm tạo được thiết kế riêng cho từng dự án với lộ trình phù hợp.
Theo chuyên gia tư vấn Thu Trang, thời gian ươm tạo một dự án có thể là 3 tháng, 6 tháng hoặc dài hơn, hoàn toàn phụ thuộc vào điểm xuất phát của dự án khởi nghiệp tại thời điểm được chọn ươm tạo. Chẳng hạn, lộ trình ươm tạo một dự án mới chỉ có ý tưởng hoàn toàn khác với lộ trình của dự án đã có sản phẩm, cũng như khác với lộ trình của dự án mà sản phẩm đã có khách hàng. Lộ trình này sẽ do các chuyên gia và nhóm dự án khởi nghiệp cùng thiết kế với những mục tiêu rất cụ thể cùng những chỉ số đo lường hiệu quả. Để hạn chế rủi ro, các vườn ươm có xu hướng chọn những dự án ít nhất đã có sản phẩm mẫu để ươm tạo. Với những dự án đang ở giai đoạn ý tưởng, ý tưởng phải thật xuất sắc và độc đáo thì mới có nhiều cơ hội được chọn.
Để hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp, Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Cộng Hưởng đẩy mạnh hoạt động trên các lĩnh vực, gồm: đào tạo kỹ năng kinh doanh, tư vấn theo hình thức một dự án được tư vấn bởi nhiều chuyên gia trong lĩnh vực liên quan, tìm hiểu cơ hội và tiềm năng phát triển của dự án/doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động kết nối, xây dựng lộ trình phát triển sản phẩm/dịch vụ, tiếp cận các nguồn vốn… Bắt đầu từ tháng 9/2018, công ty tổ chức khóa học miễn phí dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh có tuổi đời dưới 5 năm, các nhà khởi nghiệp đã và đang triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, các dự án vào vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế qua các năm...
Ươm tạo khởi nghiệp. Ảnh: Internet
Đồng hành cùng các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Thừa Thiên Huế, bà Nguyễn Thị Thu Trang ghi nhận nhiều người đã dần quen với khái niệm khởi nghiệp và ngày càng tham gia, ủng hộ nhiều hơn. Trong quá trình khởi nghiệp, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp CoPLUS là địa chỉ tin cậy để các nhà khởi nghiệp kết nối. CoPLUS có thể giúp đánh giá ý tưởng, nếu dự án chỉ mới có ý tưởng. Hỗ trợ xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với những vấn đề về khách hàng, kênh phân phối, kết nối nhà đầu tư, tính toán chi phí, doanh thu. Đối với những dự án đã có sản phẩm mẫu, hỗ trợ tư vấn phát triển thị trường, cách xây dựng sản phẩm theo hướng thương mại hóa, marketing, huy động vốn… “Sứ mệnh của chúng tôi là xây dựng một đơn vị tư vấn quản lý thành công, có lợi nhuận nhưng đảm bảo tính đạo đức, sáng tạo và mang lại lợi ích trong hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp trẻ, người khởi nghiệp ở Huế và khu vực miền Trung trên cơ sở tạo ra môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp", chuyên gia tư vấn Thu Trang nói.
Chia sẻ với những nhà khởi nghiệp tương lai, Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh: “Thông điệp này tôi cũng đã nói ở rất nhiều diễn đàn gặp gỡ với các bạn trẻ, rằng hãy mạnh dạn tham gia các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Dù kết quả chưa thể đạt như mong muốn nhưng đó là cơ hội giúp các bạn tiếp cận với nhiều cơ hội khác, như: cơ hội trình bày ý tưởng, được các chuyên gia đánh giá ý tưởng, tiếp cận những người dày dặn kinh nghiệm và kết nối với người có cùng đam mê khởi nghiệp. Rất nhiều người đã tự tin hơn và kết nối được với nhiều mối quan hệ hơn sau mỗi lần tham gia các cuộc thi khởi nghiệp. Đây là những cơ hội thuận lợi để các bạn tìm được cộng sự phù hợp hoặc kết nối với nhà đầu tư”.
Bài, ảnh: Thu Thủy