Nhóm khởi nghiệp của ĐH Huế trình bày dự án trước nhà đầu tư hỗ trợ
Gọi được vốn
Sau 2 năm tập trung mạnh các hoạt động KN, hiện Đại học (ĐH) Huế có khoảng 10 dự án kêu gọi được vốn từ nhà đầu tư hoặc được doanh nghiệp (DN) cam kết đầu tư. Xét trong tổng số khoảng 100 dự án KN do ĐH Huế hỗ trợ hình thành ý tưởng và phát triển (trong 2 năm qua), số dự án gọi được vốn trên tạm gọi là thành công bởi thông thường, số dự án KN lọt vào “mắt xanh” của nhà đầu tư thường đếm trên đầu ngón tay.
Theo đại diện Trung tâm KN và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế, hiện nay, các dự án KN của giảng viên, SV ĐH Huế kêu gọi nhà đầu tư theo 4 cách, đó là hỗ trợ tiền mặt đổi lấy cổ phần; tài trợ tiền mặt; hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ dự án KN hay DN cam kết cho sản phẩm của dự án vào kênh phân phối, các chuỗi cửa hàng của họ. “Trung bình, các dự án gọi được vốn từ 200 – 500 triệu đồng. Điển hình như dự án “Home Art” kêu gọi với nguồn kinh phí 500 triệu đồng và đã mở thêm cửa hàng ở Đà Nẵng”, một cán bộ đảm trách công tác KN của ĐH Huế tiết lộ.
Gọi được vốn giúp tăng rất nhiều cơ hội "sống" cho dự án KN. Nguyễn Hoàng Nhật Quang, đại diện nhóm dự án KN “Save Blood” cho biết, với việc kêu gọi được nguồn đầu tư 200 triệu đồng từ DN, đã mở ra cho dự án sự thuận lợi trong việc xây dựng các lộ trình phát triển. Đồng thời, thông qua mối quan hệ của nhà đầu tư, cũng dễ dàng liên kết các đơn vị để tìm đầu ra cho dự án.
TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm KN và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế khẳng định, để gọi được vốn cho dự án KN, phải gắn kết thường xuyên với các nhà đầu tư. Trong các cuộc thi về KN, ĐH Huế kết nối thành phần giám khảo là các nhà đầu tư, để họ không chỉ là người chấm giải mà còn đại diện các DN sẵn sàng “chi tiền” đầu tư và giúp đỡ kinh nghiệm cho các nhóm dự án.
Vẫn còn trăn trở
Trở lại với con số dự án KN gọi vốn, dù tạm gọi thành công (khoảng 10% đã gọi được vốn), nhưng với 90% dự án KN còn lại bị nhà đầu tư từ chối hay thất bại từ khi mới hình thành ý tưởng cho thấy, vẫn còn đáng để trăn trở, dù đó là thực trạng chung trong KN.
Sinh viên ĐH Huế bày tỏ những thắc mắc về khởi nghiệp tại các diễn đàn liên quan
Theo đại diện Trung tâm KN và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế, phần lớn các dự án bị thất bại xuất phát từ lý do đội nhóm thiếu bền vững. Đặc thù khóa học của SV có thời gian 4 - 6 năm nên khi ra trường, nhiều em tìm công việc mới, tính gắn kết của các nhóm vì thế khó hiệu quả. Ngoài ra, do kinh nghiệm hạn chế, SV khó “trụ” vững với dự án của mình.
Giải quyết vấn đề trên quan trọng không kém chuyện thúc đẩy khả năng gọi vốn. Để làm được điều đó, cần tạo ra tính bền vững trong các đội, nhóm KN. Ngoài việc kết hợp thành viên từ nhiều đơn vị có chuyên môn khác nhau trong mỗi nhóm (chuyên môn lĩnh vực KN, marketing, truyền thông dự án…) để phân chia công việc phát triển dự án thì lựa chọn những người có khả năng điều hành nhóm cũng rất quan trọng. Hiện, ĐH Huế có các giảng viên được tham gia các khóa tập huấn để trở thành những người huấn luyện về KN. Điều quan trọng là phải tận dụng được đội ngũ này để cố vấn, dẫn dắt SV trong các dự án KN.
Chuyên gia KN Trương Thanh Hùng, người cố vấn và gắn bó với nhiều hoạt động KN trong cả nước cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng SV đến với các cuộc thi KN với tinh thần đi thi chứ chưa phải để kiểm chứng, hiện thực hóa ý tưởng, dự án KN. Điều này đòi hỏi phải ươm mầm tư duy, tinh thần KN cho các em trước khi vào sân chơi KN. Muốn làm được điều đó, một trung tâm KN của ĐH Huế thôi là chưa đủ mà các trường cần hình thành các trung tâm hay câu lạc bộ về KN để phát triển, lan tỏa phong trào.
Lĩnh vực KN khá rộng, song hầu hết các ý tưởng, dự án KN từ y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp… đều gắn với công nghệ. Đó là hướng đi phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0 nhưng cũng sẽ nảy sinh tính cạnh tranh khi hướng đi này dễ "đụng hàng" với các dự án khác. Thực tiễn một số dự án KN của SV tuy trình bày khá hay, nhưng khó ra được thị trường bởi thiếu tính thực tế, nhu cầu xã hội chưa cao. Nói cách khác, các dự án KN muốn thành công, bên cạnh đáp ứng nhu cầu của khách hàng, phải có tính mới lạ, độc đáo và điều này rất cần sự hỗ trợ tích cực từ những chuyên gia, cố vấn KN.
Với lợi thế từ nhiệm vụ đào tạo về đổi mới sáng tạo và KN cho các tập thể, cá nhân của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Trung tâm KN và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế có thể tận dụng mối quan hệ của mình để tăng khả năng kết nối các chuyên gia hơn nữa nhằm giúp đỡ các nhóm KN.
Bài, ảnh: HỮU PHÚC