ClockThứ Hai, 24/12/2018 14:45

Thay đổi thái độ để khởi nghiệp

TTH - Thừa Thiên Huế đã có nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐM). Tuy nhiên, tinh thần khởi nghiệp của nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế.

Tìm nhà đầu tư “thiên thần”Khởi nghiệp từ đam mê túi xách thời trang“Thanh niên khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo”

Nguồn chưa mạnh

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (2016), khái niệm KNĐMST ở Thừa Thiên Huế dần được chú ý nhiều hơn. Ở Thừa Thiên Huế, qua hai năm 2016-2017, sau khi tỉnh bước đầu trang bị những thông tin cơ bản về hệ sinh thái, KNĐMST thực sự đã trở thành làn sóng mới, nhất là trong giới trẻ. Các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn với lợi thế về nguồn nhân lực, đã là những đơn vị đi đầu trong phong trào KNĐMST. Năm 2018, hệ sinh thái KNĐMST của Thừa Thiên Huế đánh dấu thêm bước phát triển với sự ra đời của nhiều vườn ươm trong các trường đại học, cao đẳng, trung tâm khởi nghiệp, câu lạc bộ khởi nghiệp, các không gian làm việc chung, cùng các hoạt động kết nối, liên kết địa phương…

Người trẻ Huế khởi nghiệp với sản phẩm thủ công lấy cảm hứng từ sen

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, hệ sinh thái KNĐMST Thừa Thiên Huế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Lý do quan trọng là nguồn lực đầu tư cho các hoạt động khởi nghiệp còn hạn chế. Nhà nước chưa có những cơ chế đặc thù để hỗ trợ riêng cho hệ sinh thái KNĐMST. Những chính sách hiện có chưa có sự đầu tư khác biệt lớn giữa doanh nghiệp KNĐMST với doanh nghiệp truyền thống, nhất là chính sách về thuế và tín dụng. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế có hơn 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng lại chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Thừa Thiên Huế chưa có những doanh nghiệp lớn đủ mạnh, đủ tâm huyết để dẫn dắt, hỗ trợ và phát triển cộng đồng khởi nghiệp.

Theo bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chương trình đào tạo hoạt động KNĐMST trong môi trường đại học và cao đẳng ở Huế mới chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích. Mức độ này chưa thực sự tạo ra động lực mạnh mẽ, chưa đủ đến khiến cho lực lượng sinh viên Huế mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn” để theo đuổi các ý tưởng khởi nghiệp.

Thay đổi thái độ

Liên quan đến khởi nghiệp, có hai khái niệm gần giống nhau, gồm: khởi sự kinh doanh (lifestyle business) và KNĐMST (start up). Cả hai đều chỉ về mô hình kinh doanh nhưng có chút khác biệt. Khởi sự kinh doanh là mô hình kinh doanh truyền thống. Sau khởi nghiệp doanh nghiệp vẫn “sống”, nhưng chỉ thuộc sở hữu cá nhân/nhỏ lẻ, giới hạn ở một địa phương hay khu vực nào đó, không có nhiều phát kiến, khó tăng quy mô và tăng trưởng theo mức tuyến tính ổn định. Trong khi đó, doanh nghiệp KNĐMST lại khác. Họ có ước mơ thay đổi cả thế giới nên cũng có nhiều sáng chế, sáng tạo bùng nổ. Mô hình kinh doanh gồm nhiều nhà đầu tư đồng sở hữu, có nhiều cơ hội tăng quy mô và quy mô ấy hoạt động không có giới hạn vùng miền, biên giới. Nhờ những yếu tố đó, họ có tăng trưởng “phi mã”.

Nói chuyện với sinh viên Đại học Huế, ông Nguyễn Việt Đức (Cố vấn cao cấp Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam; Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam), nhấn mạnh: Những sinh viên đang ngồi trên ghế các trường đại học, cao đẳng và những người trẻ đang làm việc ở các trung tâm nghiên cứu, viện hàn lâm chính là những thành tố quan trọng của hệ sinh thái KNĐMST. Đây cũng là những thành tố được các quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm hàng đầu. Do ở đó đã có sẵn hàm lượng kiến thức để có thể triển khai các dự án cũng như thuận lợi trong các bước thử nghiệm sản phẩm. “Tôi dám chắc là trong chúng ta ai cũng có thể KNĐMST. Vấn đề là bạn có dám bước ra khỏi “vùng an toàn” của chính mình để khởi nghiệp và dũng cảm đương đầu với những việc khó khăn như tìm cộng sự, kêu gọi vốn, cụ thể hóa ý tưởng và tìm kiếm ý tưởng mới”, ông Đức nói thêm.

Minh chứng cho sự “dám chắc”, chuyên gia Nguyễn Việt Đức dẫn câu chuyện có thật về con đường KNĐMST của một người, từ khi anh ta chỉ là nông dân “ròng” đến ông chủ sáng chế và xuất khẩu máy gặt lúa. Ông nhắn nhủ: Tất cả mọi người, dù xuất phát điểm ở đâu đều có cơ hội để khởi nghiệp. Quan trọng là chúng ta có đủ đam mê, đủ quyết tâm thay đổi cuộc sống bằng những cải tiến, cũng như sẵn sàng chia sẻ cơ hội cho nhiều người. Với những ai đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp, tôi có lời khuyên nhỏ: Trước tiên, các bạn hãy thay đổi thái độ quan sát của mình, từ người nhìn thấy vấn đề ngoài xã hội sang thái độ của người giải quyết vấn đề. Thứ hai, hãy tìm kiếm và thuyết phục những người khác đi cùng với mình. Nếu một mình thì chỉ cần một chiếc thuyền thúng để quẩn quanh gần bờ là đủ, còn đi xa thì phải có thuyền lớn, có thuyền trưởng và thủy thủ. Cuối cùng, hãy liên tục nói chuyện với mọi người. Đó là cách duy nhất để giới thiệu mình với người khác và để người khác hiểu được giá trị của chính mình.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng phụ nữ khởi nghiệp

Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Tứ Hạ (TX. Hương Trà) đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến thử thách thành cơ hội...

Cùng phụ nữ khởi nghiệp
Khởi nghiệp từ nông sản địa phương

Tự tin, năng động và sáng tạo, cô gái 9X Trần Thị Ngọ để lại dấu ấn tích cực với các sản phẩm khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy nông sản địa phương và mở ra con đường khởi nghiệp bền vững cho phụ nữ nông thôn.

Khởi nghiệp từ nông sản địa phương
Diễn đàn kết nối trí thức trẻ khởi nghiệp

Ngày 9/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức diễn đàn "Trí thức trẻ khởi nghiệp" với chủ đề "Nơi hội tụ ý tưởng và cơ hội mới". Hơn 100 đoàn viên thanh niên, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia diễn đàn.

Diễn đàn kết nối trí thức trẻ khởi nghiệp
Return to top