Có rất nhiều ý kiến bàn về vấn đề này tại diễn đàn “Huế - sáng tạo để phát triển”. Nhiều ý kiến cũng chỉ ra những điểm yếu để khởi nghiệp ở Huế có sự bứt phá trong thời gian tới.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ: Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả
Khởi nghiệp sáng tạo có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế như tăng số lượng doanh nghiệp, tạo ra việc làm, nâng cao chất lượng tăng trưởng, gia tăng năng suất. Ngoài ra, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể tạo ra những đột phá giúp giải quyết các vấn đề tồn tại trong nền kinh tế xã hội, hình thành những doanh nghiệp lớn có giá trị, thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sự tập trung và trao đổi kiến thức tại địa phương.
Triển khai Quyết định 844 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”, trong những năm qua Thừa Thiên Huế đã từng bước hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bắt đầu từ các dự án của Sở Kế hoạch – Đầu tư phối hợp với Trường CĐ Công nghiệp Huế từ năm 2016. Đến nay hệ sinh thái đã phát triển đến các trường ĐH, CĐ và các doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh hoàn chỉnh hệ thống thể chế, các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Mặc dù có một số kết quả nhất định trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo cũng như phát triển các doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên nhìn chung vẫn chưa có một sự đột phá. Do đó, việc đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững, cải thiện môi trường đầu tư, áp dụng các hình thức thu hút đầu tư hấp dẫn để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghệ thông tin, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao… là nhu cầu cấp thiết của tỉnh.
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học – Công nghệ): Kêu gọi những người yêu Huế, gốc Huế trở về quê hương
Với nguồn lực ngân sách ít ỏi, chúng tôi luôn cố gắng triển khai, ưu ái dành cho Huế những điều có thể nhất. Đề án 844 muốn thay đổi được hệ thống thì đầu tiên phải thay đổi được tư duy, đó là điều khó khăn nhất. Nhưng một khi lãnh đạo tỉnh đã quyết tâm, các sở ban ngành và các trường ĐH, CĐ, doanh nghiệp đã ngồi cùng với nhau, chúng ta sẽ làm được những điều tưởng như không thể, những điều mà các nước khác hiện nay cũng đang làm. Tại sao ta không làm được, vấn đề ở đây vẫn là trở ngại ở tư duy, vấn đề có quyết tâm làm hay không.
Tôi được biết những cuộc thi khởi nghiệp cấp vùng thì Huế gần như “ẵm” hết các giải thưởng. Chừng đó cho thấy giới trẻ Huế vô cùng sáng tạo. Vì thế hãy làm gì đó, khai thác ngay thủ công mỹ nghệ, làng nghề trở thành một giá trị lớn hơn rất nhiều. Có thể gọi vốn hàng trăm tỷ, hàng triệu USD.
IT là phương tiện không thể thiếu, nền tảng quan trọng để chúng ta thay đổi mô hình kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là du lịch. Trong khi đó nhân lực Huế rất tuyệt vời, nhưng chúng ta đào tạo xong lại không có môi trường sử dụng như đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nói, thì họ buộc phải tìm kiếm đến thị trường khác. Vấn đề đặt ra là làm sao thu hút thị trường chất xám tại chỗ, có thể mời gọi những người yêu Huế, gốc Huế trở về quê hương thì chúng ta không khác gì Singapore, Israel. Hai nước này không có gì khác ngoài tài nguyên duy nhất là chất xám và lòng yêu quê hương đất nước.
Ông Nguyễn Thế Trung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ DTT: Huế cần có sự khác biệt
Theo tôi Huế cần có sự khác biệt. Ở đó Huế không chỉ làm như Chính phủ mà có những cơ chế còn làm tốt hơn. Cụ thể là cơ chế hợp tác với liên minh, với doanh nghiệp, huy động người dân… đã minh chứng với chương trình Huế xanh thì hoàn toàn có thể là “Huế thông minh”, “Huế sáng tạo”.
Nhắc đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tôi nghĩ, Huế cần trả lời được ba câu hỏi: Tại sao một công ty đổi mới sáng tạo muốn đầu tư vào Huế, lợi ích kinh doanh là gì? Có cách nào để những người yêu Huế, muốn đóng góp cho Huế, có thể đóng góp mà không phải về Huế nhưng vẫn tin tưởng để đóng góp? Làm thế nào để khởi nghiệp thành công lâu dài ở Huế? Nếu trả lời được những câu hỏi đó, Huế sẽ thành một trung tâm đổi mới sáng tạo.
P. Thành (thực hiện)