|
Chị Mai Thị Thùy Vân đưa sản phẩm của HTX Dầu tràm Lộc Thủy đi quảng bá, giới thiệu |
Năng động, sáng tạo
Chị Trần Thị Ngọ (sinh năm 1990) quê ở xã Bình Tiến, TX. Hương Trà làm dâu ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền. Từ những bữa cơm thường ngày, chị Ngọ rất mê khám phá, tìm hiểu ẩm thực Huế. Chị Ngọ nhận ra, món cá kho tộ đúng chuẩn vị Huế được nhiều người và cả khách du lịch rất thích. Để nấu được món đó không phải ai cũng làm được, vì nó cần nhiều gia vị. Sống ở vùng nguyên liệu với những nông sản chủ lực như ném, ớt, riềng..., chị Ngọ đã có ý tưởng nghiên cứu để biến những nông sản có sẵn đó thành một thương hiệu mới bằng cách điều chế hạt ném thành gia vị nấu ăn cho món kho tộ chuẩn vị Huế. Cốt ném Hương Nịu ra đời từ đó.
Cốt ném Hương Nịu tiện lợi “5 trong 1”, với nguyên liệu ném là chủ yếu được chị Ngọ đem đi “so tài” tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2024 và giành giải Khuyến khích.
Mùi ném rất thơm, hương thơm đặc trưng và không bị nồng, đó là những nhận xét khách quan của những ai đã được trải nghiệm sản phẩm cốt ném Hương Nịu. “Đối với tôi, đây không đơn thuần chỉ là sản phẩm khởi nghiệp, mà nó còn là tình yêu đối với quê hương thứ hai của tôi, đối với dòng sông Nịu và nông dân Quảng Thái. Tôi muốn chính từ sản phẩm của mình, nông sản quê hương sẽ bước thêm một bước tiến mới, có thương hiệu, được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến”, chị Ngọ bộc bạch.
Trong khi đó, chị Mai Thị Thùy Vân (sinh năm 1991, Lộc Thủy, Phú Lộc) chọn mô hình kinh tế tập thể để khởi nghiệp. Gặp chị và những sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) Dầu tràm Lộc Thủy tại cuộc thi “Phụ nữ tự tin ứng dụng công nghệ số - sẵn sàng để thành công” năm 2024 mới thấy được sự năng động, nắm bắt thời đại của những phụ nữ trẻ, hiện đại. Các sản phẩm của HTX được chị Vân và các đồng nghiệp giới thiệu rất ngắn gọn, dễ nghe nhưng làm nổi bật được công dụng của từng sản phẩm. Cùng với đó là những cam kết về chất lượng và các ưu đãi khiến khách hàng khó lòng từ chối.
|
Cốt ném Hương Nịu của chị Trần Thị Ngọ |
Sau khi được kiện toàn năm 2023, HTX Dầu tràm Lộc Thủy bắt đầu xây dựng thương hiệu, đổi mới mẫu mã và cho ra đời nhiều sản phẩm mới. Ngoài sản phẩm chủ lực là tinh dầu tràm được nấu, chưng cất từ cây tràm gió bản địa, chị Vân và các thành viên HTX đã nghiên cứu, cho ra đời những sản phẩm khác, như: Phân bón vi sinh từ bã tràm, nụ tràm (để xông), tinh dầu mát xa... Những sản phẩm này không những giúp tận dụng tối đa nguồn nhiên liệu bản địa, mà còn tạo được sự đa dạng sản phẩm của HTX, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Chị Mai Thị Thùy Vân, Giám đốc HTX Dầu tràm Lộc Thủy cho hay: “Hiện HTX có 30 thành viên, phần lớn là những hội viên phụ nữ có sẵn nghề nấu dầu tràm. Trước đây, chúng tôi chủ yếu nấu và bỏ sỉ theo lít bằng chai, can nhựa. Nay, HTX đã đăng ký thương hiệu, mẫu mã và làm kiểm định chất lượng. HTX cũng có cửa hàng để trưng bày, bán sản phẩm. Ngoài những mối sỉ có sẵn, chúng tôi đang đẩy mạnh bán hàng trên các nền tảng số, trên các sàn thương mại điện tử”.
Thêm trợ lực khởi nghiệp
Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025 đã tạo được sức lan tỏa và cổ động mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hội viên, phụ nữ, nhất là những phụ nữ trẻ, năng động, dám nghĩ, dám dấn thân. Đến nay, trên toàn tỉnh (*) đã có 991 phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; tổ chức hội đã đồng hành, hỗ trợ thành lập mới 14 doanh nghiệp nữ và 4 HTX do phụ nữ đứng đầu... Bên cạnh việc hỗ trợ kết nối, giới thiệu sản phẩm, hội LHPN các cấp đồng hành, giúp đỡ để hội viên dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Nhờ đó, hội viên, phụ nữ có thêm trợ lực để mạnh dạn khởi nghiệp.
Nhằm trang bị nhiều kiến thức và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng công nghệ số vào các mô hình kinh doanh khởi nghiệp của hội viên phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc thi, buổi tập huấn, hội thảo, hội chợ trưng bày sản phẩm... để hội viên phụ nữ có cơ hội giao lưu, trao đổi, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trên không gian mạng. Đây cũng là môi trường tốt giúp kết nối, tăng nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư cho các sản phẩm khởi nghiệp có tiềm năng phát triển nhanh, bền vững.
Bà Trần Thị Kim Loan, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Mạng lưới phụ nữ khởi nghiệp tỉnh được xây dựng góp phần tạo được sự đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Và trên con đường khởi nghiệp đó, các hội viên, phụ nữ luôn nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ những chuyên gia, đại diện các cơ quan, sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điều đó góp phần giúp các mô hình sản xuất, kinh doanh của phụ nữ được tăng cơ hội kết nối, hợp tác, đầu tư. Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới phụ nữ khởi nghiệp tỉnh nhằm thu hút nhiều hội viên phụ nữ đã và đang có các ý tưởng khởi nghiệp cùng nhau trao đổi, chia sẻ, cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng giúp phụ nữ khởi nghiệp ngày càng tự tin và thành công.
(*) Nay là thành phố Huế