ClockThứ Ba, 04/09/2018 13:58

“Khơi thông” Hộ thành hào

TTH - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trích kinh phí gần 500 triệu đồng thực hiện việc nạo vét tạm thời đoạn Hộ thành hào, dài khoảng 2km đi qua phường Phú Hòa. Việc này đáp ứng sự mong chờ của hàng ngàn người dân địa phương và được dư luận quan tâm, đồng thuận.

Nạo vét, khơi thông Hộ thành hào

Nạo vét Hộ thành hào

Hộ thành hào là tuyến phòng thủ bằng đường thủy dài khoảng 12km bao quanh vòng ngoài Kinh thành Huế, được đào từ năm 1805. Nhờ có Hộ thành hào mà Kinh thành Huế “biệt lập” cả 4 mặt. Lực lượng bộ binh nào muốn tiếp cận Kinh thành thì việc vượt qua được tuyến phòng thủ này là cả vấn đề không đơn giản. Sau hơn 200 năm tồn tại cùng Kinh thành Huế, dòng chảy của Hộ thành hào ngày nay chịu nhiều tác động tiêu cực, từ phù sa lũ lụt bồi lắng đến áp lực rác thải của hàng ngàn cư dân tại chỗ.

Bảo vệ và gìn giữ Hộ thành hào gắn liền với kiến trúc Kinh thành Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và chính quyền TP. Huế thực hiện nhiều giải pháp tạm thời, như khơi thông dòng chảy, vớt rác và xử lý bèo tây… Những nỗ lực đó vẫn chưa đủ, nhiều đoạn Hộ thành hào bị bồi lấp nghiêm trọng, nếu đoạn mặt tiền Kinh thành được chăm sóc tốt, không có cư dân sinh sống rộng đến 50m mặt nước, thì nhiều khu vực khác bị lấp cạn, chỉ còn là lạch nước nhỏ, thậm chí bị bồi lắng đến mức có thể đi qua được. Có đoạn, Hộ thành hào còn được người dân che chắn làm vườn trồng rau, trồng chuối…

Gần trọn cuộc đời gắn với Hộ thành hào, bà Đỗ Thị Sinh (85 tuổi, bán hàng nước ở kiệt nối đường Trần Hưng Đạo – đường Trần Huy Liệu), rất phấn khởi khi con nước này được nạo vét, khơi thông. Bà nói, ngày trước kinh khủng lắm. Bèo cỏ lút mặt, không phân biệt được đất với nước. Lâu chừ dân sống ở đây toàn đổ rác về đó. Thậm chí, người ở nơi khác xách theo rác, đi ngang đây vứt xuống. Nhưng sau thì đỡ nhiều. Phường nhắc, tổ trưởng tổ dân phố nhắc, nghe hoài người dân cũng thay đổi thói quen gom và đổ rác đúng nơi đúng chỗ. “Căn bản là ai cũng biết xả thải là bẩn, nhưng tiện là xả, thành quen. Lén lút thì không biết, còn thấy là tui nhắc, dọa kêu công an, kêu môi trường là họ thôi. Mỗi người cùng gìn giữ một ít thì mới sạch bền được”, bà Sinh cười móm mém.

Theo ông Tôn Thất Thái, Chủ tịch UBND phường Phú Hòa, việc nạo vét khơi thông một đoạn của Hộ thành hào đang được thực hiện đáp ứng nguyện vọng tha thiết và chính đáng của hàng ngàn người dân, trong đó ít nhất gần 1.000 hộ gia đình được hưởng lợi trực tiếp. Áp lực trước tình trạng ô nhiễm  và nguy cơ bệnh tật, UBND phường kiến nghị lên các cấp nhu cầu nạo vét từ rất lâu, nhưng chưa vẫn thể triển khai. Vừa qua, người dân tiếp tục kiến nghị thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri nên đã được các cơ quan chức năng quan tâm, đôn đốc thực hiện. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu nạo vét như thế này, lâu lắm là “giữ” được 3 năm. Lụt lên, đất cát lại bồi như cũ, chưa kể đến việc xả thải của cư dân tại chỗ. Giải tỏa được những áp lực khi phải sống chung với gần 2km “ổ bệnh” Hộ thành hào, chính quyền và người dân Phú Hòa đều ý thức sâu sắc giá trị của sự chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường. Để góp sức kéo dài tuổi thọ cho đoạn hào vừa được khơi thông, Phú Hòa tiếp tục vận động người dân gìn giữ vệ sinh môi trường, hạn chế xả thải trực tiếp xuống Hộ thành hào, thu gom rác thải trong gia đình và đổ đúng giờ theo quy định. Đồng thời, kiến nghị đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện việc thu gom đúng giờ và cho xe vào càng gần hộ dân càng tốt.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng nhấn mạnh việc nạo vét khơi thông Hộ thành hào chỉ là giải pháp tạm thời. Trung tâm đang tích cực phối hợp với các ban ngành liên quan xây dựng và triển khai dự án di dời giải tỏa dân cư trong khu vực I Kinh thành Huế, nạo vét, tu bổ bờ kè toàn bộ Hộ thành hào. Trước mắt, ưu tiên đoạn đông và đông nam. “UBND TP. Huế sớm di dời dân theo kế hoạch, đồng thời chỉ đạo các phường thực hiện tích cực việc vận động người dân không xả rác, chất thải xuống hào và chỉ đạo đơn vị vệ sinh môi trường đặt thêm thùng rác và thu gom rác kịp thời”, ông Hải nói thêm.

Những nỗ lực của các cơ quan trong việc khơi thông Hộ thành hào là đáng ghi nhận, song về lâu dài cần có giải pháp căn cơ hơn. Xin mượn lời nhắn của một con người yêu Huế nói về vấn đề này: “Việc nạo vét rất hay. Nhưng quan trọng vẫn là ý thức của người dân về bảo vệ môi trường cho chính cuộc sống của họ và cho sự sinh tồn của thành phố họ đang sống. Cần có giải pháp giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường gắn với bảo vệ di sản văn hóa Huế bắt đầu từ độ tuổi mẫu giáo và cần thiết cũng phải có sự chế tài cụ thể đối với những hành vi cố tình vi phạm về vệ sinh môi trường”. Lời nhắn có giá trị với người dân trực tiếp sống bên Hộ thành hào, với cư dân Thừa Thiên Huế và cả du khách chọn Huế là điểm đến.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khơi thông luồng lạch, hoàn thiện hạ tầng nghề cá

Việc đầu tư xây dựng các dự án (DA) nâng cao năng lực hạ tầng nghề cá kết hợp với việc neo đậu, tránh trú bão trên địa bàn nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và phòng, chống thiên tai. Sau khi hoàn thành, các công trình sẽ góp phần khôi phục hoạt động của cảng cá, âu thuyền và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của ngư dân trong vùng DA.

Khơi thông luồng lạch, hoàn thiện hạ tầng nghề cá
Nguy cơ tác hại từ hàng ngàn m3 vật chất nạo vét

Với khoảng 26.000m3 vật chất nạo vét (bùn đất thải) tại công trình nạo vét cồn đất phía thượng lưu đập La Ỷ (TP. Huế) được đổ tại các địa phương, đang tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu không có giải pháp hiệu quả trong mùa mưa lũ.

Nguy cơ tác hại từ hàng ngàn m3 vật chất nạo vét
Sớm nạo vét, khơi thông luồng cửa Lạch Giang

Sau các đợt mưa lũ, cửa Lạch Giang (Lộc Vĩnh, Phú Lộc) tiếp tục bị bồi lấp, gây khó khăn, nguy hiểm cho tàu thuyền của ngư dân. Các địa phương đề xuất xem xét bổ sung kinh phí hằng năm để duy trì nạo vét, khơi thông luồng lạch cửa Lạch Giang, cho tàu thuyền ra vào an toàn.

Sớm nạo vét, khơi thông luồng cửa Lạch Giang
Khơi thông dòng tiền

Chưa bao giờ các “nhà băng” thừa tiền như năm nay dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không dưới 4 lần giảm lãi suất, đồng thời tạo dư địa, thanh khoản cho các ngân hàng thương mại (NHTM) có giá vốn rẻ để có thể cho vay lãi suất thấp.

Khơi thông dòng tiền
Return to top