ClockThứ Sáu, 06/09/2024 13:18

Nguy cơ tác hại từ hàng ngàn m3 vật chất nạo vét

TTH - Với khoảng 26.000m3 vật chất nạo vét (bùn đất thải) tại công trình nạo vét cồn đất phía thượng lưu đập La Ỷ (TP. Huế) được đổ tại các địa phương, đang tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu không có giải pháp hiệu quả trong mùa mưa lũ.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặnPhân tích bùn nạo vét công trình khơi thông hói Phát Lát để xử lý ô nhiễm Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô

 Công trình nạo vét thượng lưu đập La Ỷ đang triển khai thi công

Bồi lấp mùa mưa lũ

Hơn một tuần nay, hàng nghìn khối vật chất nạo vét là bùn đất thải được đưa từ công trình thượng lưu đập La Ỷ về tập kết, san lấp tại một số vị trí thuộc địa bàn phường Phú Thượng, xã Phú Mậu (TP. Huế) đang tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, hàng ngày có hàng trăm lượt phương tiện xe tải trọng từ 5-7 tấn, vận chuyển bùn đất đến tập kết tại khu vực sân vận động Phú Thượng, Trường tiểu học Phú Thượng 1 và một số khu vực khác thuộc địa bàn 2 phường, xã này. Trong khi đó, phương án đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ vẫn chưa được tính đến.

Số lượng bùn đất thải trên được nạo vét từ công trình thượng lưu đập La Ỷ thuộc gói thầu số 22, bao gồm lắp đặt hệ thống thủy lực, cơ khí, thiết bị đóng mở cửa; xây dựng hàng rào nhà quản lý và nạo vét cồn đất thượng lưu đập La Ỷ (Dự án Sửa chữa, nâng cấp đập La Ỷ, huyện Phú Vang - nay là TP. Huế - gọi tắt là Dự án) do Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư và Xây dựng công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 51,8 tỷ đồng.

Theo quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 3 Dự án, nội dung quy mô điều chỉnh sẽ bổ sung nạo vét cồn đất phía thượng lưu đập La Ỷ với diện tích nạo vét khoảng 1,3ha, cao trình đáy nạo vét -2,0m, với khối lượng nạo vét khoảng 26.000m3.

Ghi nhận của PV, tại khu vực sân vận động Phú Thượng (phường Phú Thượng, TP. Huế), hàng nghìn m3 đất bùn nạo vét đã được đổ tại đây trong hơn tuần qua. Khối lượng đất đổ ùn cao, chiếm khoảng 1/2 mặt sân vận động. Những ngày trời nắng, khu vực này bốc mùi hôi khó chịu.

Người dân ở đây cho biết, hiện hệ thống thoát nước mặt sân vận động đã tắc nghẽn nhiều năm. Việc đổ đất ồ ạt với khối lượng lớn như hiện nay, trong mùa mưa lũ, gây nguy cơ tràn đất bùn xuống cống, gây tắc nghẽn dòng chảy, ngập úng trong khu dân cư và ô nhiễm môi trường.

Dư luận cũng cho rằng, việc vận chuyển vật chất nạo vét (thay vì đổ vào các bãi thải theo quy định), lại mang đi san lấp, nâng nền các công trình có đảm bảo các quy định hay không? Bên cạnh đó, vật chất nạo vét là bùn thải được đưa vào san lấp, nâng nền các công trình có đảm bảo yếu tố chất lượng kỹ thuật?!

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Chủ tịch UBND phường Phú Thượng cho biết, đây là đất nạo vét lòng sông có pha cát, được đổ để san lấp, nâng nền sân vận động. Trong khi đổ các loại đất khác sẽ lẫn nhiều đá gây nguy hiểm và cần phải có nguồn kinh phí lớn.

Tương tự, tại khu vực Trường tiểu học Phú Thượng 1, trong những ngày qua, hàng nghìn khối đất bùn nạo vét cũng được tập kết tại đây nhằm nâng mặt sân. Các phương tiện từ đập La Ỷ chạy vào phía khu dân cư tổ dân phố Tây Trì Nhơn bụi tung mịt mù. Đất đổ tại đây cũng đã un lên từng đống chưa được san gạt.

Cần đảm bảo môi trường

Ban QLDA thông tin, vị trí đổ thải trên do các địa phương tham mưu cho Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sau đó UBND TP. Huế có văn bản thống nhất các điểm đổ.

Theo đó, vị trí tập kết vật chất nạo vét được chọn gồm: Trường tiểu học Phú Thượng 1 và khu đất gần đó thuộc tổ dân phố Tây Trì Nhơn; Trường THCS Phú Thượng; sân vận động phường Phú Thượng; khu đất dọc Quốc lộ 49 thuộc tổ dân phố Trung Đông và vườn hoa tập trung Tiên Nộn thuộc xã Phú Mậu.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Huế, Phòng TN&MT phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu vị trí tập kết vật chất nạo vét phát sinh trong quá trình triển khai công trình nạo vét cồn đất phía thượng lưu đập La Ỷ.

Ngày 12/8/2024, Phòng TN&MT tổ chức buổi làm việc với các đơn vị có liên quan. Sau khi làm việc, các đơn vị thống nhất, điểm tập kết vật chất nạo vét ở các địa điểm trên và yêu cầu UBND phường Phú Thượng và UBND xã Phú Mậu chịu trách nhiệm giám sát quá trình vận chuyển và sử dụng đúng quy định của pháp luật.

Ông Đặng Ngọc Quốc An, Trưởng phòng Kỹ thuật Ban QLDA cho biết, việc vận chuyển vật chất nạo vét thực hiện theo Quyết định 12/2023/QĐ-UBND ngày 7/3/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về Quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Kinh phí nạo vét và vận chuyển nằm trong gói thầu. Nhà thầu có nhiệm vụ nạo vét, vận chuyển ra bãi đổ theo đúng quy định, sau đó bàn giao cho địa phương tiếp nhận và quản lý.

Theo ông Đặng Ngọc Quốc An, chủ đầu tư cùng UBND TP. Huế yêu cầu chuyển giao khối lượng vật chất nạo vét với các địa phương tiếp nhận phải đảm bảo giao thông, vệ sinh môi trường đúng quy định của pháp luật. Sau khi hoàn thành việc đổ thải, tiến hành bàn giao khối lượng đất phát sinh nêu trên cho các địa phương để quản lý đúng quy định.

UBND TP. Huế cũng yêu cầu Ban QLDA chịu trách nhiệm về pháp lý liên quan đến việc tổ chức nạo vét, khơi thông bãi đất tại thượng lưu đập La Ỷ và chịu trách nhiệm vận chuyển đến các điểm tập kết đảm bảo giao thông và vệ sinh môi trường.

UBND phường Phú Thượng và UBND xã Phú Mậu chịu trách nhiệm giám sát quá trình vận chuyển và sử dụng đúng quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ sạt lở bờ sông ở Nam Đông

Nằm ở thượng lưu lòng hồ Tả Trạch, xã Hương Sơn (Nam Đông) đối diện với tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng do dòng nước chảy xiết. Giải pháp công trình ứng phó sạt lở được xem là cần thiết hiện nay.

Nguy cơ sạt lở bờ sông ở Nam Đông
Báo động nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Trong khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp ở Hòa Vang (Đà Nẵng) - địa phương giáp ranh địa bàn tỉnh, thì hoạt động vận chuyển lợn đi qua địa bàn đôi lúc vẫn còn thiếu sự giám sát, khiến nguy cơ dịch lây lan, tái bùng phát rất cao.

Báo động nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi
Ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ

Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, thời gian gần đây, nhiều khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Huế hình thành và mở rộng quy mô, nhưng nhiều cơ sở chưa chú trọng đầu tư trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, chập điện.

Ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ
Tuyến Phú Mỹ - Thuận An: Nguy cơ hình thành điểm đen giao thông

Cuối năm 2023, tuyến đường Phú Mỹ - Thuận An được đưa vào sử dụng, tạo huyết mạch kết nối TP. Huế gần hơn về phía biển, người dân rất phấn khởi vì đi lại thông thương, thuận lợi... Tuy nhiên, tại khu vực cách điểm đầu tuyến (TL10A tại Km 19+500) khoảng hơn 100m, không hiểu vì lý do gì nhiều người dân, thậm chí cả ô tô, xe máy tự ý mở lối băng lên vỉa hè nối với tuyến đường về xã Phú An (Phú Vang) một cách tùy tiện, gây nguy cơ hình thành điểm đen giao thông tại đây.

Tuyến Phú Mỹ - Thuận An Nguy cơ hình thành điểm đen giao thông
Return to top