Với một nước nhiệt đới như nước ta, mùa nắng kéo dài, khai thác tốt nguồn năng lượng này sẽ đưa lại một nguồn lợi rất lớn. Tuy nhiên việc khai thác như thế nào hợp lý lại là chuyện khác.
Bộ Công thương đã có hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN). Chúng ta hiểu có các dạng sau: 1. ĐMTMN lắp trên mái nhà của các công trình có sẵn hoặc xây mới (như nhà ở, nhà làm việc của đơn vị, công xưởng…); 2. ĐMTMN ở các trang trại (áp các tấm năng lượng trên các công trình xây dựng ở trang trại) trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Tất cả hai dạng trên đều được khuyến khích phát triển.
Ví dụ như một hộ gia đình lắp các tấm năng lượng trên mái nhà của mình thì sẽ được đấu nối với lưới điện do điện lực tỉnh quản lý. Khi thiếu điện sẽ được điện lực tỉnh cấp để sử dụng. Khi hệ thống năng lượng điện này sản xuất mà sử dụng thừa sẽ điện điện lực mua (theo giá thỏa thuận từ trước). Đây là chuyện bình thường, khuyến khích phát triển.
Chuyện núp bóng thường xảy ra ở ĐMTMN ở các trang trại.
Vì sao chủ đầu tư phải núp? Là vì ĐMTMN được khuyến khích phát triển để một mặt nâng cao hiệu quả kinh tế (của sản xuất nông nghiệp), một mặt khai thác tốt nguồn năng lượng sạch tự nhiên. Chính vì được khuyến khích cho nên có sự ưu đãi (giá mua, được ưu tiên cấp đất). Nhưng “sự đời” không đơn giản vậy: đã có khuyến khích thì phải có mục đích rõ ràng. Đã ưu đãi thì phải có điều kiện. Điều kiện mà Nhà nước quy định ở đây là phải làm nông nghiệp kết hợp sản xuất ĐMTMN.
Để làm trang trại phải được chính quyền cấp quyền sử dụng đất. Muốn được cấp đất chủ đầu tư phải lập dự án (ví dụ như trồng trọt hay chăn nuôi). Rồi muốn làm ĐMTMN thì cũng phải xây dựng dự án (mô tả công suất – công suất bao nhiêu thì được cấp nào có thẩm quyền cấp theo theo quy định).
Thế là nhiều chủ đầu tư bắt đầu lách luật, núp bóng. Không muốn làm nông nghiệp nhưng vẽ ra dự án nông nghiệp. Khi được cấp đất rồi thì chỉ làm năng lượng mặt trời, không làm nông nghiệp. Để che mắt thì trồng vài cái cây, nuôi vài con gia súc gia cầm (theo dự án). Thật tình mà nói, cách núp bóng này hết sức thô thiển và “ngây ngô”, làm sao qua mắt được nhà quản lý, nếu như nhà quản lý không làm ngơ? Thế là nhiều nhà đầu tư bị “dính chấu”, bị chỉ mặt đặt tên. Vừa rồi một số trang trại ở Phong Điền, Quảng Điền bị phát hiện thực hiện không đúng mục đích. Như trang trại của ông Hòa (Nguyễn Đăng Hòa ở xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) theo mô tả của dự án là làm đến 86 nhà trại (không biết nuôi gì) và trồng 25.000 cây đinh lăng. Nhưng thực tế đến nay trang trại này mới chỉ làm điện mặt trời (không phải chính ông làm mà cho người khác thuê làm). Còn đinh lăng thì chưa thấy trồng cây nào!
Có lẽ cần nhắc lại mệnh đề này, các chủ đầu tư nên nhớ rằng, muốn được hưởng ưu đãi thì phải làm ăn nghiêm túc. Không làm nghiêm túc sẽ mất vốn như chơi, có khi còn vướng đến chuyện pháp lý. Không kết hợp với nông nghiệp thật sự thì làm gì có chuyện được hưởng ưu đãi. Hơn nữa, đã có quy định ràng buộc – ngành điện sẽ không đấu nối điện (nhiều trang trại ở Ninh Thuận, Đắc Lắc… đã vướng phải chuyện này rồi). Chủ trang trại không làm đúng mục đích sẽ bị thu hồi đất… Cái chuyện núp bóng làm trang trại để khai thác đất cũng đã từng xảy ra và cũng đã từng bị phát hiện.
Việc còn lại là cần sự quản lý chặt chẽ của chính quyền và ngành chức năng.
Ở Huế có một câu thành ngữ, nếu “ứng vào” xem ra phù hợp với tình trạng này – “Không dễ ăn của mạ”. Có thể hiểu, “mạ” yêu thương hết mực và giúp đỡ hết sức cho con cái đấy. Nhưng nếu lợi dụng để lấy của “mạ”, là không xong!
LÊ PHƯƠNG