ClockThứ Tư, 17/08/2016 14:21

Kiếm “lộc” đầm phá

TTH - Sau nghề đánh bắt cá tôm, vào dịp hè, người dân ven phá Tam Giang lại mưu sinh bằng việc lặn vớt rau câu. Đây là nghề giúp người dân kiếm thêm nguồn thu nhập không nhỏ.

Đầu ra của rau câu đã có nhiều thương lái bao tiêu

Dầm nước, dang khô

Vầng đông ló dạng, những ngư dân ở thôn Kế Sung, xã Phú Diên (Phú Vang) í ới nhau xuống phá vớt rau câu. Chẳng dụng cụ xách mang kệ nệ như nghề đánh bắt cá, họ chỉ quan tâm cái dạ dày đủ no là chống thuyền rời bến. Mỗi người chọn một hướng, nhưng kinh nghiệm cứ tìm điểm nào có làn nước màu đen là dừng thuyền lặn vớt. Rau câu ở đó nằm từng mảng và dày. Chỉ cần tìm đến 3 đến 4 điểm như vậy là trong ngày đã có “lộc”. Bà Lê Thị Thu, 60 tuổi, xã Phú Diên chia sẻ: “Nghề ni là “lộc” đầm phá ban, không mất công nuôi trồng, đến mùa là đi lặn vớt. Trung bình một buổi vớt, phơi nắng, mỗi người thu được 40-50kg khô. Tính giá 3.000 đồng/kg như hiện nay cũng được khoảng hơn 150 nghìn đồng, đủ chi phí trong thời buổi gặp khó”.

Kinh nghiệm của bà Thu, rau câu thường xuất hiện nhiều ở phá Tam Giang vào tháng 3 đến tháng 8 (âm lịch). Những năm nắng nóng kéo dài, rau câu xuất hiện dày và nhiều hơn, nên bà con trong vùng tham gia đông. Tuy vậy, có những năm mưa đến sớm, rau câu ít xuất hiện. Nếu có, lại xen với các rong tảo khác. Những thời điểm như thế, để kiếm được rau câu, người dân phải dò dẫm, lặn ngụp xuống làn nước sâu. “Khi ở môi trường nước sâu, lặn rau câu, tay chân có cảm giác nhám, còn các thứ rong tảo khác thì cảm giác trơn hơn. Nói chung quen rồi, nên dễ nhận biết”- bà Thu mách kinh nghiệm.

Vợ chồng anh Lê Viết Thiện, người cùng thôn bà Thu theo nghề vớt rau câu ngót gần 20 năm. Bình quân mỗi ngày, vợ chồng anh vớt được 1 thuyền khoảng 4- 5 tạ. Có hôm đi thuyền lớn được hơn 6 tạ, nhưng phải ngâm mình giữa phá từ sáng sớm đến chiều tối. Có khi phải xuôi về tận cửa biển Tư Hiền. “Tính tạ nghe to rứa, chứ phơi khô 1 tạ tươi chỉ còn lại khoảng 0,5-0,6 tạ khô. Với giá thương lái mua tại chỗ 3.000 đồng/kg, tính ra mỗi ngày kiếm được 500- 600 ngàn đồng; bao gồm cả công nhặt sạch, phơi khô”, anh Thiện nhẩm tính. Theo lời anh Thiện, không phải ngày nào, cũng có “lộc”, không ít bữa, nhiều người phải trở về mặt mày giống như “bánh bao chiều”.

Chị Phan Thị Hiền, vợ anh Thiện cho biết, sau khi rau câu được tập kết vào bờ, để nhập cho thương lái, rau câu phải được làm sạch, phơi khô. Phơi rau câu giống như phơi lúa, không được để mắc mưa, nếu không rau câu rã ra thì xem như công dã tràng. Về đầu ra của rau câu, chị Hiền nói: “Bán tiền tươi. Mình chỉ lo có sản phẩm chứ hàng tuần ở địa phương luôn có thương lái đưa xe lớn về chở đi nhập các tỉnh trong nam, ngoài bắc...”

Giữ “lộc” cho đầm

Theo tìm hiểu, thời gian gần đây không chỉ các loại thủy sản có giá trị “hồi sinh” trên đầm phá nhờ có khu bảo vệ thủy sản hoạt động hiệu quả, sắp xếp lại nò sáo mà môi trường thủy sinh cũng được cải thiện, rau câu xuất hiện với mật độ nhiều hơn trước. Nhiều người dân đi vớt rau câu rất ý thức gìn giữ, tái tạo để rau câu phát triển, còn hái vào những mùa sau. Tuy nhiên, có nhiều ngư dân sau sự cố ảnh hưởng môi trường biển đã bắt đầu chuyển hướng “mạnh ai nấy làm”. Do đó việc giữ sạch đầm để rau câu phát triển ổn định đang trở thành nỗi âu lo, trăn trở của bà con bao năm gắn bó với nghề kiếm “lộc” trời cho.

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh cho biết, môi trường đầm phá Tam Giang hiện nay đã giao chi hội nghề cá ở từng địa phương quản lý mặt nước, nên việc khai thác rau câu đã được quản lý có trật tự, bài bản, không khai thác mang tính tận diệt mà phải khai thác có chọn vùng, chọn hộ có nhu cầu đăng ký. Từ những hoạt động tích cực đó, gần đây, rau câu xuất hiện trên đầm khá nhiều; trong đó có loại rau câu chỉ vàng. Tại thời điểm này, rau câu là mặt hàng có đầu ra ổn định, nhiều thương lái đã đến thu mua với số lượng lớn. Tuy nhiên để duy trì được nghề, các địa phương trong vùng cần chủ động tuyên truyền bà con khai thác đúng cách, không được dùng cào lớn vớt rau câu gây khuấy động tầng nước đáy trên phá; tuân thủ quy định của chi hội nghề cá về thời gian, địa điểm khai thác...

HOÀI NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi niềm con nước vùng lộng

Vùng biển bãi ngang - nơi có hàng ngàn ngư dân, gắn bó hàng trăm năm với nghề biển đang vật lộn với con sóng.

Nỗi niềm con nước vùng lộng
Đầm Cầu Hai

“Rất khó để lột tả hết vẻ đẹp của đầm Cầu Hai. Có thể nói đây như là một vật báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất Huế. Đây cũng là nơi mà ai đã đến thì cũng không muốn về…” – Đó là những lời “có cánh” của trang elephant travel (Công ty Du lịch Con Voi) dành cho đầm Cầu Hai, một địa danh du lịch nổi tiếng thuộc địa phận huyện Phú Lộc, cách TP. Huế khoảng 40km.

Đầm Cầu Hai
Thả lưới rùng quây cá ngát

Gần ba giờ đồng hồ sau khi thả, tấm lưới được những ngư dân lành nghề kéo lên thuyền. Theo nhịp sóng, thuyền tấp vào bờ, trong chiếc giỏ đựng lộc biển, những con cá ngát thu hút sự quan tâm của người mua.

Thả lưới rùng quây cá ngát
Ngày mới trên đầm Quảng Lợi

Đầm Quảng Lợi cách trung tâm TP. Huế không quá xa, chỉ độ 30km, thuộc xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền – vùng chiêm trũng giàu bản sắc văn hóa. Đầm rộng khoảng 800ha, nằm trong hệ đầm phá Tam Giang. Thuận theo những con nước, đời sống của người dân nơi đây gắn liền với mặt nước và làm nghề đánh bắt tôm, cá…, giản dị và thuần hậu.

Ngày mới trên đầm Quảng Lợi
Return to top