ClockThứ Ba, 10/10/2023 06:25

Kinh tế đêm Huế cần sự kiên trì

TTH - Kinh tế đêm được định hướng là động lực phát triển kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế trong tương lai. Những bước triển khai ban đầu, nhiều phố đêm mang lại hiệu quả nhất định về kinh tế và hình ảnh mới của thành phố. Tuy nhiên, để kinh tế đêm “cất cánh”, Huế cần kiên trì nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm dịch vụ đêm ngày một tốt hơn.

Cơ hội mới cho du lịchMuốn phát triển kinh tế đêm, phải phát triển “kinh tế ngày”Phát triển kinh tế đêmKích cầu, tạo đà phát triển du lịch

Những gian hàng đầy màu sắc ở phố đêm vô cùng hấp dẫn du khách. Ảnh: Bảo Phước 

Những cảm nhận đầu tiên

Thời gian qua, ý kiến về hiệu quả triển khai kinh tế đêm Huế được trao đổi nhiều trong các hội nghị, hội thảo cấp thành phố. Một số chuyên gia lịch sử văn hóa thể hiện sự mong chờ các tuyến phố đêm được đánh thức, đặc biệt là tại các khu vực có giá trị lịch sử văn hóa cao như Hoàng thành, Gia Hội.

Thế nhưng, sau khi triển khai, các khu phố đêm vẫn chưa đạt được kỳ vọng của người dân, chính quyền và doanh nghiệp. Cụ thể, phố đêm chưa định hình được đặc trưng, bản sắc văn hóa địa phương; lượng người mua, người bán chưa nhiều; và định hướng tương lai chưa rõ ràng. Những câu hỏi được đặt ra là ý tưởng ban đầu nhận được ủng hộ cao như phố đêm Hoàng thành là khu vực trải nghiệm văn hóa, làng nghề, sự kiện cung đình Huế. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động thì hiện nay phố đêm tập trung nhiều là ăn uống, nhà hàng hơn là khu vực người dân được trải nghiệm giá trị văn hóa truyền thống.

Qua quá trình triển khai, lãnh đạo thành phố cũng có những nhận định mang tính thiết thực. Việc triển khai các tuyến phố đêm đều được nghiên cứu kỹ lưỡng thông qua đề án với sự tham gia của chuyên gia, người dân và nhiều vòng phản biện. Ý tưởng thực hiện của đề án được thống nhất cao. Thế nhưng, việc triển khai phố đêm vào thực tế chưa được như ý muốn đến từ điểm yếu của khâu tổ chức, chưa đồng bộ và chưa đủ nguồn lực về kinh tế và con người.

Chưa làm hài lòng du khách

Để nhận định khách quan kinh tế đêm Huế, chúng ta cần tham khảo tình hình chung của Việt Nam và ý kiến chuyên gia nhiều kinh nghiệm. Thực tế cho thấy rằng, không chỉ Huế mà Việt Nam cũng đang gặp khó khăn ban đầu định hình kinh tế đêm hoàn chỉnh. Trong tháng 8 năm 2023, ông Chattan Kunjara - chuyên gia phát triển kinh tế đêm Thái Lan cho rằng, Việt Nam chỉ mới chập chững bước những bước đầu tiên xây dựng nền kinh tế đêm, vẫn còn rất lâu nữa mới đạt được vị thế của Thái Lan. Thái Lan đã phát triển kinh tế đêm cách đây 50 năm và đã được tổ chức một cách chuyên nghiệp, bài bản từ sản phẩm dịch vụ, tổ chức khai thác, quảng bá.

Ông Chattan Kunjara cho rằng, Việt Nam chưa nắm bắt được nhu cầu khách hàng, chợ đêm còn ít, sản phẩm dịch vụ chưa thu hút, tổ chức còn chưa tốt từ giao thông công cộng, tính an toàn chưa cao, nạn chặt chém nhiều, các phố đêm na ná nhau. Ví dụ về tính tổ chức của Thái Lan, phố đêm chuyên về ăn uống đảm bảo được hệ thống xả thải đảm bảo thân thiện môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, có khu vực ngồi thưởng thức ẩm thực sạch sẽ, món ăn đa dạng, tha hồ khách lựa chọn. Phố đêm về mua sắm hàng hóa đa dạng, nhiều cửa hàng cạnh tranh với nhau, giá cả niêm yết rõ ràng, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ.

Những điểm yếu phố đêm Huế cũng có tính tương đồng với phố đêm Việt Nam. Hiện nay, doanh nghiệp còn tồn tại và sống khỏe tại các phố đêm chủ yếu kinh doanh nhà hàng, ăn nhậu. Các quầy hàng bán đồ lưu niệm, áo quần ngày càng ít đi, nhường chỗ cho khu vực ăn uống. Một số vấn đề khác nảy sinh trong phát triển kinh tế đêm là hệ thống thu gom rác, nhà vệ sinh, kiểm tra xuất xứ hàng hóa, sự đa dạng lựa chọn hàng hóa chưa đáp ứng được sự hài lòng của du khách.

Cần thêm thời gian và điều chỉnh

Từ những kinh nghiệm được chia sẻ trên, có thể nhận định rằng, chủ trương phát triển kinh tế đêm thông qua phố đêm của Huế là đúng đắn. Những hạn chế ban đầu được ghi nhận là tín hiệu tích cực để Huế tiếp tục cải thiện sản phẩm dịch vụ và cách thức tổ chức hướng đến sự hoàn thiện.

Thứ nhất, phố đêm, chợ đêm, đường đi bộ vẫn thiếu về chất lượng và số lượng để tạo trải nghiệm đa dạng cho khách địa phương và du lịch. Các khu vực cần được hình thành có bản sắc và quy định chặt chẽ đảm bảo duy trì được hoạt động lâu dài. Để làm được điều đó thì công tác nắm bắt nhu cầu thị trường khách hàng đủ sâu. Ví dụ, khách du lịch cần một khu mua sắm quà tặng hoặc quà lưu niệm thì có khu thương mại đầy đủ các loại hàng hóa, thủ công mỹ nghệ; giá cả niêm yết rõ ràng; nguồn gốc xuất xứ; câu chuyện hấp dẫn về sự thình thành của sản phẩm; sản phẩm mang tính sáng tạo độc đáo riêng; người bán giao tiếp vui vẻ, giỏi ngoại ngữ. Khi khách hàng được “chiều” với sự chuyên nghiệp, am hiểu và phục vụ hết mình, họ khó từ chối sự nhiệt thành đó.

Thứ hai, công tác tổ chức cần có sự liên kết thống nhất giữa người dân và chính quyền, giữa các cơ quan nhà nước để tạo điều kiện cho người kinh doanh và đảm bảo an toàn cho du khách. Phố đêm cần đảm bảo không xảy ra nạn chặt chém, móc túi, lừa đảo, buôn bán cạnh tranh không lành mạnh,… Hệ thống thu gom rác, nhà vệ sinh cần được đầu tư đạt chất lượng cao. Các quy định chung về sử dụng vỉa hè, bảng hiệu, văn hóa kinh doanh cũng cần được đồng bộ.

Thứ ba, công tác quảng bá các khu vực kinh doanh về đêm cần được nâng cao và có tính liên kết bằng nhiều hình thức. Quảng bá bằng hình thức internet, tạp chí, tờ rơi được phát tại sân bay, khách sạn, siêu thị, bến xe công cộng,…

Thứ tư, phát triển hệ thống giao thông thuận lợi phục vụ du khách di chuyển giữa các điểm kinh doanh về đêm thông qua hệ thống xe bus, xe giao thông điện, xe xích lô,…

Huế đang đi đúng hướng của một thành phố du lịch là phát triển thêm nhiều phố đêm, đường đi bộ, chợ đêm. Với tầm nhìn xa và sự kiên trì của lãnh đạo tỉnh và thành phố, các phố đêm hiện vẫn được duy trì với lượng khách hàng ổn định, dần hoàn thiện về chất lượng sản phẩm dịch vụ hơn. Chúng ta, những người dân Huế cần tin tưởng và kiên nhẫn với quá trình hoàn thiện của từng khu phố. Với quyết tâm điều chỉnh, hình ảnh phố đêm Hoàng thành phủ màu sắc cổ kính trong bầu không khí hiện đại; khu phố ẩm thực với hàng trăm món ăn cung đình Huế; khu phố thương mại với hàng trăm tiệm áo dài cũng là ước mơ chung của người dân Huế.

NGUYỄN QUỐC ANH
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

An toàn cho du khách mùa mưa bão

Những tháng cuối năm, Huế bước vào mùa cao điểm khách quốc tế cũng là thời điểm thời tiết miền Trung thường xảy ra mưa lớn, bão và ngập lụt. Song hành với phục vụ du khách, phát triển du lịch là yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách.

An toàn cho du khách mùa mưa bão
Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế
Chuyện “hoa hồng”

Cuối tháng 10 vừa rồi, cảng Chân Mây đón tàu du lịch Celeberity Millennium của hãng Royal Caribbean với hơn 3.000 du khách và thuyền viên. Đây được biết là chuyến tàu du lịch quốc tế thứ 30 cập cảng Chân Mây tính từ đầu năm 2024. Sau khi cập cảng, một nửa du khách và thuyền viên đã chọn tham quan Huế, nửa còn lại tham quan Đà Nẵng, Hội An.

Chuyện “hoa hồng”
80% du khách APAC tiếp tục ưu tiên du lịch và chi tiêu cho du lịch trong năm 2025

Nền tảng tìm kiếm thông tin du lịch Skyscanner vừa công bố một báo cáo mới tiết lộ xu hướng du lịch năm 2025 tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC), trong đó nổi bật là các vấn đề về xu hướng du lịch, chi tiêu cho du lịch, sở thích về điểm đến, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong du lịch và du lịch bền vững.

80 du khách APAC tiếp tục ưu tiên du lịch và chi tiêu cho du lịch trong năm 2025

TIN MỚI

Return to top