Giờ lãi suất ngân hàng ở Việt Nam đã tăng. Có ngân hàng đã tiệm cận 10%.
Có bao nhiêu công ty ở Việt Nam hoạt động được mà không nhờ vốn ngân hàng? Vốn là yếu tố đầu vào. Lãi suất tăng làm đồng tiền trở nên đắt đỏ. Không dễ gì nâng được giá bán ra sản phẩm và dịch vụ, mặt khác trong điều kiện lãi suất đắt đỏ, người dân cũng thắt chặt chi tiêu. Chỉ còn một cách là giảm biên lợi nhuận đến một mức và một lúc nào đó có thể. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn là điều có thể nhìn thấy được.
Lãi suất tăng mạnh, khách hàng tranh thủ gửi tiết kiệm. Ảnh: MC
Lãi suất cao, chẳng những doanh nghiệp khó khăn mà người dân cũng gặp phải những khó khăn. Chỉ có những người có nguồn tiền đi gửi là thấy lợi, còn tất cả đều bị tác động theo hướng bất lợi. Cảm nhận đầu tiên là đồng tiền mất một phần giá trị. Tức là cũng một mức lương, mức thu nhập như vậy nhưng giờ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn. Chính vì điều này phần lớn người tiêu dùng sẽ đắn đo trong việc chi tiêu. Nó như một phản ứng dây chuyền. Nếu tình hình quá khó khăn, người dân sẽ chỉ xem xét và ưu tiên những mặt hàng thiết yếu. Đến lúc này nó sẽ tác động ngược lên tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoạt động. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm việc làm. Hiện nay nhiều doanh nghiệp, nhiều vùng trong nước đã và đang gặp phải.
Lãi suất tăng hay giảm là nghiệp vụ hoạt động của ngân hàng, nhưng nó cũng là một thước đo của sức khỏe nền kinh tế. Chính vì vậy mà Nhà nước theo dõi hết sức sát sao diễn biến hoạt động của ngân hàng và diễn biến lãi suất. Nhà nước cũng lo nhưng ở tầm vĩ mô hơn, đó là, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, nguồn thu ngân sách và nhiều tác động. Nói chung, một khi lãi suất tăng thì ai cũng… sợ.
Có nhiều người đặt ra câu hỏi thắc mắc, cũng là ngân hàng nhưng có ngân hàng lãi suất huy động cao, có ngân hàng lãi suất huy động thấp hơn, thế thì ngân hàng có lãi suất thấp làm sao huy động được. Chớ lo điều này. Những ngân hàng có mức huy động thấp hơn thường là những ngân hàng lớn, có nguồn vốn dồi dào, có bạn hàng ổn định. Và ngược lại, một khi sợ căng thẳng thanh khoản thì những ngân hàng nhỏ thường là tăng lãi suất trước để huy động vốn. Vốn nó cũng như mọi mặt hàng, giá cao hay thấp là tùy chất lượng của mặt hàng đó, xét về nhiều yếu tố.
Lãi suất ngân hàng tăng, không trước thì sau thế nào cũng tác động đến giá cả. Nhưng có vẻ như, người nghèo, người thu nhập thấp là cảm nhận rõ nhất về sự tác động đến đời sống. Cho nên hơn lúc nào hết, cần chuẩn bị một tinh thần để kích hoạt những công cụ về lưới an sinh xã hội.
Nguyên Lê