Thường xuyên hút bụi, đất nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Bài
Khi các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được đầu tư về quy mô cũng như số lượng và thu hút nhiều dự án (DA) tham gia sản xuất, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) càng trở nên bức thiết và cần được chú trọng, phải theo phương châm “lấy phòng ngừa là chính” để phát triển bền vững.
Việc phát triển KKT, KCN, CCN bên cạnh các mặt tích cực như thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động… đồng thời vẫn tồn tại mặt trái liên quan đến vấn đề môi trường. Hầu như qua các kỳ kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng hay thông qua phản ánh hiện trạng thực tế từ phía người dân, vẫn còn khá nhiều cơ sở sản xuất kể cả nằm trong và ngoài KCN, CCN còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường (ONMT) về nước thải, chất thải, khí thải, tiếng ồn...
Những năm qua, cứ đến mùa sản xuất cao điểm tháng 8, 9, các cơ quan chức năng đều nhận được phản ánh của người dân việc Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế (đóng tại Phong An, Phong Điền) xả nước thải sản xuất làm cá chết hàng loạt ở nhiều ao nuôi xung quanh khu vực nhà máy. Hoặc một số cơ sở sản xuất giấy, vật liệu xây dựng ở CCN Thủy Phương, Tứ Hạ... vẫn để phát sinh khói, bụi gây ONMT, nhất là về mùa hè.
Trước thực trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, tăng cường kiểm soát nguồn ô nhiễm, kiểm tra, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ONMT nghiêm trọng, cũng như tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Để chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, cơ quan môi trường còn chú trọng nâng cao năng lực quản lý, thẩm định đánh giá tác động môi trường, quan trắc, giám sát chất lượng môi trường... Kinh nghiệm cho thấy, quá trình phát triển kinh tế mà không quan tâm tới các vấn đề môi trường sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế thấp, chi phí cho các hoạt động xử lý ô nhiễm sẽ cao hơn chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc thực hiện các công trình cải tạo, phục hồi môi trường sớm sẽ tiết kiệm chi phí và giảm thiểu ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, sản xuất của người dân.
Việc còn tồn tại những bất cập trong công tác BVMT ở các KCN, CCN là do thời gian qua, hầu hết các khu, CCN được hình thành do nhu cầu cấp thiết về mặt bằng và giải quyết ONMT trong khu vực dân cư, khu đô thị, thành thị, nên việc phát triển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch phát triển chung và quy hoạch chi tiết để làm cơ sở đầu tư xây dựng phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Để đảm bảo phát triển công nghiệp theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường, không chỉ các cơ sở sản xuất kinh doanh phải nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT, tự đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải như nước thải, khí thải đảm bảo, mà cần có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch không gian hợp lý tại các KCN, CCN.
Tuy tỉnh rất có thiện chí “rộng cửa” mời gọi, thu hút DA đầu tư vào các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh, song quan điểm của tỉnh vẫn có sự chọn lọc, không vì mục tiêu thu hút nhiều DA mà đánh đổi môi trường. Nhất là xem xét kỹ lưỡng đối với những DA có nguy cơ ô nhiễm, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế không cao... Đối với những DA đã đi vào hoạt động, tỉnh sẽ khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận những giải pháp kỹ thuật, công nghệ sản xuất sạch hơn nhằm phòng ngừa phát sinh chất thải và biện pháp xử lý chất thải, góp phần đưa các khu, CCN thực sự phát triển hiệu quả và bền vững.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN