|
Kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây lúa |
Tuy nhiên, vào thời điểm này, nhiều loại sâu bệnh, chuột đồng loạt gây hại nhiều diện tích lúa và đang có xu hướng, nguy cơ lây lan trên diện rộng tại nhiều xứ đồng của các địa phương. Các loại sâu bệnh đang gây hại với mật độ khá cao như sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn, chuột. Các đối tượng sinh vật gây hại khác như rầy, nhện gié, bệnh đốm nâu, gạch nâu… gây hại rải rác, mật độ và tỷ lệ hại thấp.
Trong số các loại sâu bệnh gây hại nặng hiện nay, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá là bệnh nguy hiểm đối với cây lúa. Trong điều kiện gây hại nặng kéo dài từ đầu đến cuối vụ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, thậm chí vụ mùa mất trắng. Đến ngày 26/3, có gần 400ha bệnh đạo ôn lá gây hại lúa với tỷ lệ phổ biến 5-10%, chủ yếu trên các giống J02, nếp. Diện tích bệnh đạo ôn lá tập trung tại nhiều hợp tác xã của các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc, Phong Điền.
Cùng thời điểm, bệnh khô vằn đang gây hại trên diện tích gần 600ha với tỷ lệ 5-10%. Đây cũng là một trong số loại sâu bệnh nguy hiểm đối với lúa trong giai đoạn làm đòng, trổ. Trong điều kiện bệnh gây hại nặng sẽ làm cây lúa sinh trưởng kém, có thể dẫn đến chết cục bộ, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Bệnh khô vằn đang gây hại tại nhiều hợp tác xã thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, TP. Huế, TX. Hương Thủy.
Chuột cũng đang gây hại khoảng 370ha với tỷ lệ 3-5%, nơi cao 10-20%, tăng 135ha so với tuần trước (tăng 235ha so với cùng kỳ năm trước). Diện tích chuột đang gây hại nặng tập trung chủ yếu ở TP. Huế, TX. Hương Trà, các huyện Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền. Các địa phương đã sử dụng 586,5kg thuốc diệt chuột, thu khoảng 15.500 đuôi, tăng 650 đuôi so với tuần trước.
Khó khăn lớn nhất đối với nông dân hiện nay là nhiều loại sâu bệnh gây hại cục bộ trên nhiều đồng ruộng khác nhau. Người dân phun thuốc phòng trừ loại sâu bệnh này thì loại sâu bệnh khác ở các đồng ruộng khác lại lây nhiễm. Hơn nữa, nhiều nông dân không tuân thủ quy định, không thống nhất phun các loại thuốc của cơ quan chuyên môn; mỗi nhóm hộ sử dụng loại thuốc khác nhau nên hiệu quả phòng trừ sâu bệnh rất thấp, thậm chí không hiệu quả.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh, ông Hồ Đính nhận định, thời gian đến sâu bệnh, chuột tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng lây lan trên nhiều diện tích. Theo đó, sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục gây hại trên lúa đại trà đang giai đoạn làm đòng. Bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt phát sinh gây hại trên diện tích lúa giai đoạn trổ - chín. Bệnh khô vằn phát sinh gây hại trên các chân ruộng gieo sạ dày, bón phân không cân đối.
Đây là lúc nông dân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp khoa học theo quy định của cơ quan chức năng trong tổ chức phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Cán bộ BVTV về tận đồng ruộng, phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng đúng các loại thuốc, liều lượng, thời điểm phun phòng trừ tương ứng với mỗi loại bệnh khác nhau nhằm đạt hiệu quả nhất định.
Theo quy định của Chi cục TT&BVTV, nông dân phải tăng cường theo dõi chặt chẽ sâu cuốn lá nhỏ nở trên đồng ruộng để phun trừ những nơi có mật độ cao. Trong điều kiện sâu cuốn lá nhỏ gây hại giai đoạn lúa làm đòng - trổ với mật độ 20 con/m2 thì phải phun các loại thuốc có hoạt chất Isocycloseram, Indoxacarb, Chlorantraniliprole, Lufenuron... với liều lượng theo quy định, khuyến cáo của cán bộ BVTV.
Cán bộ BVTV hướng dẫn nông dân phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa trổ vè thưa khoảng 3-5% và sau khi lúa trổ xong (cách lần 1 là 7 ngày) bằng các loại thuốc có hoạt chất như Tricyclazole, Fenoxanil..., kết hợp với các loại thuốc phòng lem lép hạt có hoạt chất như Hexaconazole, Azoxystrobin, Difenoconazole, Propiconazole...
Bà con cần tăng cường kiểm tra và phun phòng trừ bệnh khô vằn khi bệnh mới chớm phát sinh gây hại, nhất là trên các chân ruộng gieo sạ dày, thấp trũng, tù đọng nước... bằng các loại thuốc có hoạt chất Validamycin, Hexaconazole, Chlorothalonil… Đồng thời, tiếp tục diệt chuột để hạn chế thiệt hại vào giai đoạn lúa làm đòng - trổ; theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời.