Hiện có gần 20 chiếc sà lan đang hoạt động trên sông Hương
Khai thác cát sỏi lòng sông gây sạt lở, đe dọa mất đất sản xuất, nhà cửa, các công trình xây dựng... dọc đôi bờ là vấn nạn từ lâu. Để tăng cường quản lý, giải tỏa nỗi lo lắng của dân chúng, UBND tỉnh đã ban hành rất nhiều văn bản liên quan đến vấn đề này; trong đó quy định cụ thể vị trí mỏ; công suất máy hút; khoảng cách khai thác cách bờ, cách cầu cống; khối lượng mỗi thuyền được khai thác; công suất máy hút; thời gian được phép khai thác hàng ngày; độ sâu được phép và trách nhiệm san gạt lòng sông sau khai thác v.v... Tuy vậy, dường như vấn nạn vẫn tiếp tục là vấn nạn. Tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông bừa bãi vẫn diễn ra một cách lộng hành khiến cộng đồng cư dân sống ở đôi bờ mất ăn mất ngủ. Có địa phương như Dương Hòa (TX Hương Thủy), người dân phải dựng lán trại ngay cạnh bờ sông, đêm đêm tập trung lực lượng đủ mạnh ra ngủ để canh giữ, sẵn sàng xua đuổi "bọn trộm cát"...
Trong một vài lần đi thuyền dọc sông Hương gần đây vào buổi sáng sớm, chúng tôi đã bắt gặp cảnh tượng khai thác cát sạn của nhiều chủ thuyền, chủ sà lan mà chỉ cần mắt thường nhìn qua đã biết chắc họ xem những quy định của chính quyền không có gram nào cả. Thuyền, sà lan rất lớn, hút rất sâu và gần bờ, hoạt động xuyên đêm, còn có san gạt lòng sông không thì chỉ có trời biết (!??).... Vậy nhưng số lượng phương tiện vi phạm bị phát hiện, bắt giữ, xử lý gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thật khó hiểu! Ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Thừa Thiên Huế trong một cuộc giao ban báo chí gần đây đã cho hay, trước bức xúc của người dân và dư luận, đoàn liên ngành đã ra quân kiểm tra, xử lý. Nhưng kết quả chỉ bắt, xử lý được một số ít phương tiện vi phạm ở vài ngày đầu. Còn sau đó, tất cả đều yên ắng, đoàn không phát hiện thêm một trường hợp nào vi phạm. Điều mà có lẽ ngay chính bản thân ông Trường cũng "thấy lạ"!
Sà lan hút cát trên sông Hương
Tình trạng đoàn liên ngành ra quân kiểm tra vi phạm ở lĩnh vực này, lĩnh vực khác thường thu được kết quả rất khiêm tốn là điều khá phổ biến. Nguyên nhân có thể do "lộ lọt" thông tin, do bị "cảnh báo từ xa" hoặc A,B,C...Z gì đó. Riêng với khai thác cát sỏi lòng sông, đặc biệt là với sông Hương- con sông cảnh quan, con sông tâm thức, con sông di sản không riêng của Huế- liệu có "phương thuốc" nào hiệu nghiệm? Theo thiển ý của chúng tôi: Có đấy! Xin thử đề xuất mấy ý.
Trước hết cần cho tóm tắt thật gọn, thật dễ hiểu, dễ nhớ những quy định, chỉ thị... (vốn rất nhiều và khá dài) của chính quyền tỉnh liên quan đến việc khai thác cát sỏi lòng sông. Sau đó để cả đối tượng hành nghề, người dân và cán bộ các địa phương... biết rất rõ vị trí nào, ở đoạn sông thuộc địa phương nào thì được khai thác; giờ giấc, khối lượng, độ sâu, khoảng cách so với bờ, với công trình...được phép khai thác; nếu vi phạm thì bị xử lý ra sao?... "Cẩm nang" ấy vừa để tuyên truyền, vừa để chính quyền cơ sở và mỗi một người dân nắm rất chắc vấn đề nhằm tăng cường vai trò quản lý, giám sát của mình. Mỗi khi đã nắm được cẩm nang này rồi, mỗi một người dân đều có thể biết chiếc thuyền ấy đang khai thác cát sỏi trên khúc sông của thôn/xã họ có đúng vị trí mỏ được cấp hay không; có vi phạm khoảng cách, độ sâu, công suất, thời gian được phép khai thác hay không để có phản ứng, thái độ hợp lý và cần thiết.
Thứ hai, bên cạnh tăng cường hoạt động của trạm chốt chặn, quản lý của CSGT đường thủy, cần có đường dây nóng và lực lượng chuyên trách "phản ứng nhanh". Đường dây nóng này hoạt động 24/24, sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và cử lực lượng kiểm tra, xử lý ngay, bất kể thời gian nào.
Thứ ba, để tránh trường hợp phi tang, cần có chế tài phạt "nguội". Smart phone bây giờ đã phổ biến; việc ghi lại một đoạn clip, chụp lại một vài hình ảnh để chứng minh sự vi phạm của các phương tiện khai thác bừa bãi là điều không quá khó khăn. Cơ quan chức năng có thể căn cứ vào đó để xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
Và cuối cùng là cần phải xem xét, tăng mức chế tài sao cho đủ sức răn đe. Mức xử phạt vi phạm phải đạt mức "thu không đủ bù chi", loại được tâm lý chấp nhận nộp phạt, sau đó khai thác vài chuyến là bù lại. Đối với những trường hợp cố tình tái phạm nhiều lần thì tịch thu, thậm chí tiêu hủy phương tiện... Các mức chế tài này cần được công khai, phổ biến và phát đến tận tay những người hành nghề khai thác cát sỏi để vừa đánh động, răn đe, vừa để họ phải "tâm phục khẩu phục" khi bị xử lý; không còn "than nghèo kể khổ" xin tha bởi "học hành hạn chế nên không biết, không hiểu luật"...
Những con sông trên địa bàn tỉnh đều không rộng, dọc hai bên đều có các cộng đồng dân cư sinh sống, nạn khai thác cát sỏi lộng hành vốn đã và đang là nỗi bức xúc của nhiều người; do vậy, phát động một phong trào toàn dân quản lý và tố giác vi phạm, theo chúng tôi, chắc hẳn sẽ nhận được hưởng ứng rộng rãi. Điều quan trọng là sự tố giác đó phải được tiếp nhận và xử lý nhanh chóng, nghiêm túc. Được vậy, hiệu quả thu lại sẽ tích cực, đó là điều chắc chắn.
Bài, ảnh: Hiền An