ClockThứ Hai, 25/03/2024 06:27

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 1: Hiến kế cho quy hoạch

TTH - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định, quy hoạch là công cụ, nền tảng để phát triển. Điều đó càng trở nên ý nghĩa trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Và bây giờ, khi mà Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) lẫn quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thừa Thiên Huế đã có những cơ sở, định hướng vững chắc để hoàn thành các mục tiêu.

Đẩy nhanh tiến độ các chương trình mục tiêu quốc giaĐộng lực phát triển từ các “đại dự án”Hoàn thiện khung hạ tầng, thu hút đầu tư

Thuyết phục các cơ quan Trung ương thẩm định, rồi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh là cả một hành trình. Trước đó, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn nhiều ý kiến chuyên gia. Và, những hiến kế tâm huyết đã được tiếp thu, dự thảo các bản quy hoạch được chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần để đi đến hoàn thiện.

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá rất cao những tiềm năng của Huế

Xác định lợi thế đặc biệt

Với bề dày lịch sử hơn 700 năm hình thành và phát triển, Thừa Thiên Huế là địa phương hội đủ nhiều tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển nhanh và bền vững. Là Cố đô còn nguyên vẹn nhất tại Việt Nam hiện nay, Huế tự hào là nơi gìn giữ một “gia tài” văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và nhân loại với 7 di sản được UNESCO công nhận, gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa của cả nước; có hệ thống nhà vườn, nhà rường phong phú, đa dạng; có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ như sông Hương, núi Ngự, đầm phá Tam Giang, Vườn Quốc gia Bạch Mã, Lăng Cô vịnh đẹp thế giới... cùng với hệ thống đền đài, thành quách, chùa chiền, cung điện đã tạo nên nét đặc trưng riêng và là yếu tố nổi bật của đô thị Huế. Văn hóa Huế, con người Huế đang thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển của tỉnh. Ngoài ra, những lợi thế về kinh tế như, cảng nước sâu Chân Mây, phá Tam Giang… không phải nơi nào cũng có, giúp Huế mang tính riêng biệt.

“Thừa Thiên Huế là tỉnh có những đặc thù riêng, có diện tích lớn, bờ biển dài, biên giới giáp Lào, sân bay quốc tế, cảng nước sâu, đặc biệt, phá Tam Giang là tài sản thiên nhiên ban tặng. Ngoài ra, Huế cũng là địa phương có tất cả hạ tầng quốc gia đi qua… Rất ít địa phương trong cả nước có nhiều lợi thế như Huế”, KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá.

Còn nhớ, bên hành lang hội nghị hiến kế cho Quy hoạch tỉnh được tổ chức ở TP. Huế năm 2023, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng hai từ “đẳng cấp”. Ý ông Thiên muốn Huế trở nên khác biệt bằng đẳng cấp riêng có.

Di sản là lợi thế lớn của Huế 

Ông Trần Đình Thiên không phủ nhận trình độ phát triển của Huế còn thấp, song, căn cứ vào thực tiễn, lịch sử, trên nền tảng tài nguyên văn hóa, du lịch, Huế đủ sức xây dựng một đô thị đẳng cấp cao. Chỉ có điều, cần tiếp cận bằng cách xác định được các lợi thế đặc biệt, để xứng tầm với một đô thị trực thuộc Trung ương trong tương lai.

“Như đa số các địa phương vùng Duyên hải miền Trung, Huế vẫn nghèo dù giàu tiềm năng, lắm lợi thế. Huế không phải là đô thị công nghiệp lớn, quy mô dân số không cao nên phải xác định tiêu chuẩn cao bằng dịch vụ du lịch đẳng cấp; trung tâm giáo dục đào tạo, y tế chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ lớn của miền Trung. Phát triển tất cả những điều đó bằng tính liên kết, tránh xung đột”, ông Thiên nói.

Quá trình thẩm định Quy hoạch tỉnh, nhiều chuyên gia cho rằng, Huế đang nằm ở vị trí của chuỗi văn hóa di sản thế giới và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đánh giá rất cao những tiềm năng của Huế. Ông Phương cho rằng, từ những tiềm năng đó cùng với phương án phát triển và tổ chức không gian phù hợp, có tính đột phá, Thừa Thiên Huế sẽ tiến nhanh trong quá trình xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 

Đã đến lúc Huế khẳng định vai trò

Thừa Thiên Huế đã và đang từng ngày phát triển thành một cực phát triển năng động của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được cải thiện, nâng cấp, góp phần nâng cao tiềm lực kinh tế địa phương.

Có một điều dễ dàng nhận thấy, việc tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông đã tạo ra sự kết nối vùng, liên vùng, đặc biệt là hướng về phía biển. Hạ tầng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, hệ thống cảng biển, cảng cá, các tuyến đường, các khu du lịch ven biển, đầm phá... được quan tâm đầu tư, khai thác có hiệu quả.

Vùng lõi nội đô Huế ngày càng đẹp, sang trọng và hấp dẫn hơn với các công trình, dự án chỉnh trang đô thị, nhất là công viên dọc hai bờ sông Hương, hệ thống giao thông nội thị, vỉa hè, thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh được cải tạo, nâng cấp.

Tại phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh vào tháng 10/2023, ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, tỉnh đã bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển của Quy hoạch tổng thể Quốc gia; các quy hoạch ngành Quốc gia, Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt là Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để lập quy hoạch đảm bảo việc tích hợp các quy hoạch có liên quan.

Quy hoạch hướng đến phát huy giá trị hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai   

Theo TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn, định hướng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là xu hướng tất yếu và đã đến lúc cùng với Đà Nẵng, Huế khẳng định vai trò là trung tâm của vùng trọng điểm miền Trung.

“Hiện nay, cảng biển lẫn sân bay của Đà Nẵng đang quá tải tạo ra cơ hội cho Huế. Do vậy, Huế cần có những kế hoạch cụ thể cho những đô thị trong tương lai như, đô thị Chân Mây - Lăng Cô, đô thị sân bay Phú Bài. Đây sẽ là 2 trung tâm kinh tế lớn, có dư địa phát triển cao cho thế hệ trẻ trong tương lai”, ông Sơn nhìn nhận.

Có một thực tế cần phải thừa nhận, Thừa Thiên Huế là tỉnh nghèo, để hiện thực hóa khát vọng vươn tầm, Huế cần tận dụng lợi thế phát triển hiện đại, cộng hưởng lợi thế phát triển cùng các địa phương khác.

Ông Trần Đình Thiên bảo rằng, Huế nên kết hai phía cánh gà, với phía Bắc và Nam, từ đó “nối” Cố đô Huế vào chuỗi liên kết để tạo nên tầm cạnh tranh quốc tế. Như thế, vai trò của Huế càng được khẳng định. “Bản thân Huế không nhất thiết phải cạnh tranh với các tỉnh trong nước mà với tính khác biệt riêng có, Huế sẽ cạnh tranh ở tầm quốc tế. Và dĩ nhiên bây giờ, Huế rất cần sự hỗ trợ về nguồn lực”, ông Thiên nhấn mạnh.

Từ những hiến kế của các chuyên gia, Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở ra cho Thừa Thiên Huế những cơ hội tuy cũ mà mới. Quy hoạch tỉnh cũng thể hiện tâm huyết của toàn bộ hệ thống chính trị và các cấp chính quyền, Nhân dân toàn tỉnh, là nỗ lực của các chuyên gia tư vấn với mục tiêu xây dựng bản quy hoạch phù hợp nhất, hiệu quả nhất. Với mục tiêu xuyên suốt của quy hoạch đó là, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Kỳ 2: Quy hoạch gắn với tiềm năng, thế mạnh

Bài, ảnh: LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
LN
Lương Mộng Ngọc - 25/03/2024 15:33
Du lịch là thế mạnh của Tp Huế, Cồn Hến là hòn ngọc chưa khai thác, các cấp lãnh đạo cứ chờ các nhà đầu tư, trong khi đó nếu từ lâu bỏ quy hoạch cho dân tự làm du lịch thì Cồn Hến bây giờ không thua gì phố Tây - Phạm Ngũ Lão. Nhân dân được lợi, nhà nước được thu thuế. Cả Tỉnh lên Trung ương thì hãy thương Cồn Hến, Cồn Hến sáng ngời bởi một bờ kè bao quanh như sông như ý thì đẹp thôi rồi. Hàng ngàn người dân đều mong chờ. Mong các cấp lãnh đạo Trung ương, Tỉnh, Thành phố quan tâm đến Cồn Hến, phường Vỹ Dạ, Tp Huế vì thời gian quy hoạch treo hàng mấy chục năm đã kìm hãm sự phát triển của Cồn Hến, hạ tầng thiếu thốn mọi bề, mong sao có sự đầu tư, nâng cấp Cồn Hến, xây cho Cồn Hến bờ kè, giao thông đường kiệt tối thiểu 4mét, trên thực tế đường kiệt 7 Ưng Bình hiện tại khoảng 3 mét. Cho người dân tự làm du lịch, mở khách sạn, homestay, khu lưu trú...

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo vệ “lá phổi xanh”

Dù gặp nhiều thiệt thòi nhưng cán bộ bảo vệ rừng, kiểm lâm vẫn chấp nhận gian nan, bám rừng để bảo vệ “lá phổi xanh”, các loài động vật hoang dã trong những ngày nghỉ lễ.

Bảo vệ “lá phổi xanh”
Quảng bá hình ảnh, tiềm năng địa phương tại Hoa Kỳ và Canada

Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada được kỳ vọng sẽ góp phần giới thiệu hình ảnh, tiềm năng của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đến với bạn bè quốc tế; đồng thời thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại của các đối tác Mỹ và Canada vào Thừa Thiên Huế.

Quảng bá hình ảnh, tiềm năng địa phương tại Hoa Kỳ và Canada
Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

Thành phố Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế bắt đầu từ những dự án (DA) chỉnh trang vỉa hè, hạ lề các tuyến đường ở khu vực trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè
Bảo mật dữ liệu trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Sau khi xảy ra liên tiếp các vụ tấn công mã hóa dữ liệu, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước đã quan tâm đầu tư hơn vào an toàn thông tin. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã ráo riết chỉ đạo công tác này.

Bảo mật dữ liệu trong dịp nghỉ lễ 30 4 - 1 5
Return to top