Sắc màu văn hóa trong chiếc bánh bột nếp
Từ sáng tạo trong sản phẩm
Đổi mới, sáng tạo là 2 từ được nhắc đến khá nhiều trong 2 năm gần đây, khi dịch COVID-19 bùng phát và làm đảo lộn những lối mòn trong kinh doanh buộc DN phải thay đổi để thích nghi.
Theo ông Cao Quốc Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, đổi mới sáng tạo được hiểu là ứng dụng công nghệ, đưa công nghệ số để tự động hóa, thông minh hóa toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh, quản trị và bán hàng. Hay đơn giản thay đổi những lối mòn trong sản xuất, làm mới sản phẩm, xây dựng thương hiệu hay thị trường. Chính sự đổi mới sáng tạo này sẽ quyết định năng lực cạnh tranh, tăng trưởng, lợi nhuận và tạo ra các giá trị bền vững cho DN.
Trong sản xuất, sáng tạo không ngừng trong sản phẩm trở thành yêu cầu bắt buộc bởi nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và sự phát triển đến ngưỡng “bão hòa”, mất dần tính mới trong các sản phẩm dịch vụ. Những sản phẩm na ná nhau xuất hiện ngày càng nhiều và không còn tạo được sự khác biệt, khơi mở tính tò mò khám phá của khách hàng.
Được xướng tên trong Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021, dự án Marie’s - Nhà là xưởng lấy cảm hứng từ các sản phẩm từ cỏ bàng mang đến một cách nhìn mới mẽ về sự kết hợp nghề truyền thống với thời trang hiện đại. Sự sáng tạo không chỉ nằm ở những túi xách, ví, mũ đan tay rất thời trang từ cỏ bàng đảm bảo tiêu chuẩn về thẩm mỹ, tính hiện đại, ứng dụng cao trong đời sống.
Sự sáng tạo của Hồ Thị Sương Lan và các cộng sự còn nằm ở khát khao biến những ngôi nhà của người phụ nữ làng nghề đệm bàng Phò Trạch thành nơi làm việc, nơi giữ gìn nghề truyền thống của ông cha, tạo kế sinh nhai bền vững cho người dân làng nghề. Đồng thời thổi hồn câu chuyện khôi phục nghề đệm bàng làng Phò Trạch vào từng sản phẩm thủ công, khoác lên cho sản phẩm một thương hiệu cao với sứ mệnh nuôi dưỡng và nâng cao giá trị của nghề truyền thống Huế.
Theo cách nói của TS. Trần Đình Hằng là nâng tầm những sản phẩm truyền thống lên tầm “thượng phẩm” mang hàm lượng văn hóa, tinh hoa văn hóa cao phục vụ cho cộng đồng. Và cách làm mới sản phẩm truyền thống bằng cách đưa những chất liệu mang đậm văn hóa xứ Huế vào bao bì sản phẩm đặc sản làm quà tặng của Phạm Thị Diệu Huyền là một cách làm như vậy.
Ngoài thổi hồn họa tiết tranh làng Sình vào những hộp quà nhỏ xinh, Diệu Huyền còn “gói ân tình xứ Huế” vào những chiếc bánh màu Pháp Lam. Đồng thời cách điệu, tạo thêm yếu tố mới dựa trên quy luật ngũ sắc, từ đó đồng nhất trong- ngoài hộp, nâng tầm cho những chiếc bánh làm bằng bột nếp dân dã. Từ đó, mỗi sản phẩm sẽ là một câu chuyện rất riêng kể về văn hóa Huế, con người và nét đặc trưng xứ Huế, tạo nên sự khác biệt không thể trộn lẫn với các sản phẩm quà tặng khác của Huế
Đến đổi mới trong tư duy số
Nếu như sự sáng tạo trong từng sản phẩm sẽ tạo nên dấu ấn, sự khác biệt, không mang tính rập khuôn trong sản phẩm, giúp duy trì lợi thế cạnh tranh bền vững, khiến cho đối thủ cạnh tranh không thể bắt chước. Đổi mới hình thức kinh doanh từ truyền thống sang hiện đại nhờ tận dụng công nghệ số sẽ tạo nên những bước tiến mới cho DN.
Take away (bán mang đi) là một ví dụ cho sự phá vỡ lối mòn này. Khác với không gian hiện đại và rộng lớn được trang trí, thiết kế kỳ công của các cửa hàng truyền thống, kinh doanh theo hình thức take away được trang trí khá đơn giản, không tốn nhiều chi phí. Khách hàng sẽ tự chọn đồ uống của mình và mang đi. Các cửa hàng take away hiện nay còn liên kết với các ứng dụng giao đồ ăn và trở thành một “chiếc phao cứu sinh” mang lại doanh thu không nhỏ trong thời điểm bùng dịch hiện nay.
Ngoài ra, thay vì bán hàng theo kiểu truyền thống nhiều DN đã và đang tận dụng được lợi thế từ các trang thương mại điện tử (TMĐT), truyền thông số để phát triển thương mại, thị trường, xuất khẩu xuyên biên giới.
Câu chuyện của X10 Digital với việc đưa 8 thương hiệu lớn góp mặt trên thị trường thông qua các sàn TMĐT và thu về doanh thu khủng đã khiến cho nhiều DN phải thay đổi hoàn toàn về cách nhìn nhận TMĐT nói riêng và truyền thông số nói chung.
Theo Nguyễn Đức Tùng, CEO của Công ty TNHH X10 Digital, sự phổ biến rộng rãi của TMĐT đã thúc đẩy tốc độ chuyển đổi kinh tế và xã hội, làm cho nền kinh tế - xã hội chuyển từ dựa vào hậu cần trung gian, sang kết nối trực tiếp thông qua kết nối mạng. Nhờ TMĐT, nhiều sản phẩm “made in Huế” được các đối tác nước ngoài biết đến nhiều hơn, sức tiêu thụ ngoài biên giới chấp cánh cho nhiều thương hiệu bay cao, bay xa hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN không thể phân biệt được giữa TMĐT, bán hàng trên mạng, marketing online và quảng cáo trực tuyến. DN vẫn cho rằng TMĐT đơn giản là tạo một website và đăng bán hàng hóa trên đó.
Nguyễn Đức Tùng chia sẻ, điều đầu tiên mà người mới kinh doanh TMĐT cần làm là thay đổi về tư duy bán hàng vì mỗi nền tảng và phương thức kinh doanh đều đòi hỏi những đặc trưng riêng. Tiếp đó, DN phải tự làm mới mình bằng cách đầu tư nhiều hơn để chuẩn hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm tốt sẽ giúp xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin và tăng tỷ lệ quay trở lại gian hàng và là yếu tố thu hút lượng đánh giá sản phẩm và gian hàng tốt hơn. Ngoài ra, đầu tư cho đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp sẽ tạo nên bước đi vững vàng trong phát triển TMĐT.
Ngoài ra, DN có thể đăng bán trực tiếp trên trang TMĐT quốc tế hay thuê một đơn vị trung gian thực hiện nhiệm vụ này như một trong những cách thức nhanh chóng kết nối sản phẩm với khách hàng xuyên biên giới. Đây cũng là cơ hội để các DN vừa và nhỏ tiến vào các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu... nơi tồn tại rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống.
Bài, ảnh: Hoàng Loan