Hiện, giá xăng, dầu đã về mức tương đương cuối tháng 1 sau 5 lần giảm liên tiếp
Xăng, dầu tăng giá, nhiều mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm tăng theo. Nhưng, từ tháng 7 đến nay, khi giá xăng, dầu hạ nhiệt, đưa về mức giá tương đương cuối tháng 1 sau 5 lần giảm liên tiếp, thì giá một số mặt hàng, như: thịt heo, cá, gà, trứng, mì gói, dầu ăn… vẫn neo ở mức cao khiến những người thu nhập thấp luôn chật vật theo từng bữa chợ.
Thực tế này đã gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà cả nước khiến cuối tháng 7, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên có công điện yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Trong khi chờ đợi các mặt hàng thiết yếu hạ giá, đồng nghĩa, người tiêu dùng thu nhập thấp vẫn phải tiếp tục “giật gấu vá vai” thì ở chiều khác, nhiều đơn vị cung ứng xăng, dầu và các đại lý, DN bán lẻ trên địa bàn tỉnh cũng đang trong tình cảnh “loay hoay” không kém.
Nhiều DN bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, chiết khấu trên mỗi lít xăng dầu ở mức rất thấp, nhất là ở những lần giảm giá liên tiếp vừa qua, các chủ cây xăng chỉ được hưởng mức chiết khấu từ 70 – 100 đồng/lít. Trong khi để có lời, phải khoảng từ 1.000 – 1.500 đồng/lít trở lên.
Điều này khiến trong khoảng thời gian trên, Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế (XDTTH) đã phải hỗ trợ chi phí vận chuyển về đến kho cho các DN trong hệ thống thay vì đóng tiền thêm ngoài giá bán như trước. Dẫu vậy, động thái này chỉ hạn chế lỗ một phần rất nhỏ, nên nhiều DN chỉ bán ở mức cầm chừng.
Nhưng dù sao, “muỗi nhỏ vẫn có thịt”, bởi có không ít DN ngoài hệ thống Petrolimex thậm chí còn lỗ nặng hơn do không được hỗ trợ chi phí vận chuyển, nên càng bán càng lỗ.
Nhưng “bức tranh” xăng, dầu không phải hoàn toàn xám xịt.
Hiện toàn quốc còn có gần 30 đầu mối nhập khẩu xăng, dầu. Và ở Huế, có một số DN bán lẻ nhập hàng từ Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOil), Tổng Công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ… Chỉ thuần túy kinh doanh, nên việc nhập vào, bán ra của những đầu mối này do họ tự cân đối khi giá xăng, dầu thế giới lên hay xuống, miễn sao có lời. Và như vậy, các đại lý, DN bán lẻ trong hệ thống của họ cũng theo guồng quay này.
Vậy nên, gần đây rộ lên chuyện các đầu mối, đại lý, DN bán lẻ than thở càng bán càng lỗ là có, nhưng không hoàn toàn chính xác. Ở chiều ngược lại, tình hình xăng, dầu những năm trước giá ổn định, hoặc tăng liên tiếp giúp nhiều DN lãi to, lại không nghe nhắc đến.
Trở lại câu chuyện của Công ty XD TTH, từ việc hỗ trợ chi phí vận chuyển, cộng thêm một số yếu tố phát sinh khác, nên, như chia sẻ của ông Nguyễn Khoa Phong Điền – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty XDTTH, thì tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 vượt kế hoạch, nhưng “lãi có được đều “đập” hết vào tháng 7, tháng 8 nên hiện đơn vị trở về “mo”.
Cũng theo ông Nguyễn Khoa Phong Điền, có nhiều thời điểm nguồn cung sụt giảm, nhập về chưa bán đã xác định lỗ và càng bán càng lỗ, nhưng công ty vẫn đảm bảo lượng xăng, dầu bán ra đáp ứng nhu cầu thị trường trên địa bàn tỉnh.
Nguyên do, là DN nhà nước trực thuộc Tập đoàn Petrolimex, ngoài kinh doanh, Công ty XDTTH (và các đơn vị tương tự cùng tập đoàn) còn có chức năng bình ổn thị trường về mặt hàng này. Hiểu nôm na, dù khi giá nhập cao, nhưng Nhà nước quy định bán chừng nào thì bán chừng đó. “Như năm 1999, giá dầu ở Singapore hạ liên tục, có thời điểm 1 thùng chỉ hơn 40 USD, không thể bắt đáy khiến chúng tôi lỗ nguyên cả năm, nhưng vẫn bán”, ông Điền chia sẻ.
Liên quan đến thị trường xăng, dầu, ông Phan Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, đơn vị luôn tiến hành giám sát 100% các cửa hàng bán lẻ xăng dầu (134 cửa hàng) trên địa bàn tỉnh để ngăn chặn tình trạng treo bảng nghỉ bán, bán không đúng giá niêm yết, găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung…, góp phần giảm bớt áp lực cho thị trường.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Công thương thông tin, tới đây, đơn vị cùng với các đầu mối phân phối, đại lý, DN bán lẻ xăng dầu lớn trên địa bàn tỉnh có buổi làm việc, qua đó, ký cam kết đảm bảo cung cấp xăng, dầu đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trên địa bàn. “Kể cả khi chiết khấu 0 đồng cũng bán”, lãnh đạo Sở Công thương nói.
Ngày 8/8, Chính phủ đồng ý giảm một nửa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% về còn 10%. Hiện, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu Việt Nam khoảng 19,39% đối với xăng E5 RON 92; 21,95% đối với xăng RON 95 và khoảng 11,05% đối với dầu diesel.
Bài, ảnh: Hàn Đăng