ClockThứ Năm, 18/08/2022 14:48

Cước vận tải đang hạ nhiệt sau 5 lần hạ giá xăng dầu liên tiếp

Cước vận tải đang hạ nhiệt sau khi giá xăng dầu giảm 5 lần liên tiếp. Theo các cơ quan chức năng, cước vận tải đường bộ, đường sắt và đường biển cũng đã bắt đầu có xu hướng giảm.

Cước phí vận tải & giá xăng, dầuBộ GTVT yêu cầu rà soát, kê khai và điều chỉnh giá cước vận tảiViệt Nam và Lào trân trọng mối quan hệ đồng chí anh em truyền thống

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực hiện giảm giá cước vẫn còn khiêm tốn, không ít doanh nghiệp vẫn có tâm lý nghe ngóng chờ đợi các đợt điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo. Do đó, cần sự vào cuộc hơn nữa của cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và bình ổn giá cả thị trường.

Đường sắt giảm cước từ 8-10%

Cước vận tải đường sắt đã bắt đầu có xu hướng giảm. Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN

Đánh giá về tình hình giảm giá cước trong lĩnh vực vận tải đường bộ, theo ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), đến thời điểm này đã có khoảng 30% các đơn vị vận tải trên địa bàn đã kê khai giảm giá cước, mức giảm trung bình từ 5-10%. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã đề nghị các quận, huyện yêu cầu các đơn vị tính toán giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu, đặc biệt là những đơn vị từng tăng giá trước đó. Đặc biệt, sẽ tập trung kiểm tra những đơn vị tăng giá cước vận tải khi giá nhiên liệu tăng, song khi giá nhiên liệu giảm lại không giảm giá cước.

Đại diện lãnh đạo một công ty vận tải có trụ sở tại Hà Nội cho hay, hiện đơn vị có 60 đầu xe khách chạy các tuyến cố định từ Hà Nội đi một số tỉnh phía Bắc sau khi giá xăng dầu giảm giá doanh nghiệp đã gửi hồ sơ kê khai giảm hơn 8% giá vé, dự kiến sẽ áp dụng từ ngày 20/8 tới.

Trong lĩnh vực vận tải đường sắt, ông Dương Văn Hùng, Giám đốc Công ty Dịch vụ vận tải đường sắt Hải Phòng phản ánh, công ty là khách hàng truyền thống của đường sắt nhiều năm qua chuyên thuê vận chuyển hàng quá cảnh giữa cảng Hải Phòng và Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu biến động liên tục nên đường sắt cũng tăng, giảm giá cước vận tải hàng hóa đường sắt nhiều đợt. Tuy nhiên, gần đây tổng tỷ lệ tăng là 5% và tổng tỷ lệ giảm cũng 5%, nên giá cước đã trở về như trước.

Ông Dương Văn Hùng chia sẻ thêm, việc tăng, giảm giá cước đường sắt không cao nên ít ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tất nhiên, việc tăng giá cước dù ít, dù nhiều cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sóng Thần cho biết, khi giá dầu tăng cao, cước vận tải hàng hóa đường sắt đến ngày 17/6/2022 đã tăng đến 5%. Khi giá dầu giảm, đến ngày 5/8/2022 cước đường sắt cũng giảm đến 5%.

“Đến nay việc tăng, giảm cước đường sắt không ảnh hưởng nhiều đến các chủ hàng. Tất nhiên, không ai muốn cước tăng cả nhưng do khách quan. Hơn nữa, khi giá nhiên liệu tăng, đường sắt đã giữ giá cũ trong thời gian tương đối, khi giá nhiên liệu giảm, đường sắt kịp thời giảm giá cước nên chủ hàng cũng thông cảm”, bà Yến cho hay.

Trong khi đó đại diện Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) cho hay, riêng từ đầu tháng 8 đến nay, công ty đã giảm giá cước hàng hóa trên đường sắt 8-10%. Còn tính cả giai đoạn, giá nhiên liệu bắt đầu hạ nhiệt và đến nay giá cước sau nhiều lần giảm đã giảm sâu đến từ 19-20%.

Tuy nhiên, đại diện Ratraco cho hay, đối với vận tải đường sắt, nếu chỉ tính giá cước hàng chạy trên đường sắt từ ga đến ga không cao, giá vận tải còn bao gồm nhiều chi phí dịch vụ, hậu cần khác như chi phí bốc xếp, lưu kho, vận tải đường ngắn bằng ô tô hai đầu... Do đó, để việc thực hiện hợp đồng vận tải, dịch vụ trọn gói được thuận lợi, ngay trong điều khoản hợp đồng, công ty và khách hàng đã thống nhất chi phí nhiên liệu chiếm tỷ lệ 35% giá dịch vụ.

Vì thế, khi giá nhiên liệu tăng, giảm tỷ lệ bao nhiêu thì chi phí này sẽ tự động tăng, giảm với tỷ lệ tương ứng. Chẳng hạn, giá nhiên liệu trên thị trường giảm 3% thì chi phí nhiêu liệu trong giá dịch vụ giảm 3%.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) Đỗ Văn Hoan, cho biết, đường sắt bám sát biến động giá xăng dầu để điều chỉnh giá cước phù hợp, linh hoạt để hài hòa lợi ích khách hàng. Từ 15/7/2022 đến nay, công ty đã giảm tổng cộng 5% giá cước vận tải hàng hóa trên các tuyến đường sắt.

Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, Tổng công ty đã chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải đường sắt trực thuộc chủ động điều chỉnh giá cước vận tải hàng hóa đường sắt theo biến động giá nhiên liệu và yêu cầu sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, phải thông báo trước, công khai, rõ ràng với khách hàng...

Cước vận tải biển có xu hướng giảm

Giá cước vận tải biển được dư luận quan tâm vì ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Thành Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải biển và thuê tàu Đà Nẵng (Vietfracht DaNang), cước vận tải biển đang có xu hướng giảm trên cả tuyến nội địa lẫn tuyến quốc tế. Tuy nhiên, giá cước nội địa không giảm nhiều do chủ yếu là các tuyến ngắn.

Ông Nguyễn Thành Cường dẫn chứng vào khoảng cuối năm 2021, cước vận tải từ Việt Nam đi Mỹ sẽ khoảng 15.000 USD - 17.000 USD/container 40 feet, nhưng hiện nay chỉ khoảng 11.000 USD. Đối với các chặng đi Ấn Độ, lúc cao điểm lên tới 4000 USD/container 40 feet thì nay còn khoảng 3000 - 3100 USD/container tùy từng chặng.

Theo khảo sát giá cước vận tải niêm yết mới nhất của một số doanh nghiệp vận tải biển, tuyến vận tải Hải Phòng – Tp. Hồ Chí Minh có giá dao động khoảng 9,2 - 10,5 triệu đồng/container 20 feet và 12,4 triệu - 15,7 triệu đồng/container 40 feet (tùy loại). Chiều Tp. Hồ Chí Minh - Hải Phòng thấp hơn, khoảng 6 - 10 triệu đồng/container 20 feet và 9 - 15,4 triệu đồng/container 40 feet.

Một doanh nghiệp vận tải biển cho hay, thực tế chiều Tp. Hồ Chí Minh ra Hải Phòng đang giảm 15% so với thời điểm lập đỉnh. Ở chiều ngược lại, giá cước đã giảm khoảng 5%. Tuy nhiên, nguyên nhân giảm ở thị trường vận tải nội địa không hẳn do ảnh hưởng của giá nhiên liệu mà “do nhu cầu nội địa đang ở mức rất thấp”.

Nhiều doanh nghiệp vận tải biển phản ánh, giá dầu cũng đang có xu hướng giảm 2 tháng qua. Tuy nhiên, giá nhiên liệu không chi phối quá nhiều tới cước vận tải biển. Minh chứng cho điều này, là thời điểm năm 2021, giá nhiên liệu có thời điểm ở mức thấp hơn hiện tại nhưng giá cước vận tải biển vẫn tăng cao. Đồng thời cách đây khoảng hơn 1 tháng, dù nhiên liệu có giá “lập đỉnh” song cước vận tải biển vẫn có xu hướng giảm.

Về tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại, ông Nguyễn Thành Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải biển và thuê tàu Đà Nẵng (Vietfracht DaNang) chia sẻ, khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 là giai đoạn thấp điểm về thời gian giao hàng. Lúc này, các hãng tàu dư vỏ container, dư chỗ trên tàu nên cũng giảm giá cước để cạnh tranh nguồn hàng.

“Các doanh nghiệp lớn thường có kế hoạch xuất hợp đồng theo năm, nhưng trong giai đoạn thấp điểm, việc sản xuất kinh doanh bị trùng lại, nhu cầu vận chuyển sẽ thấp hơn. Đó cũng là một trong những yếu tố khiến cước vận tải giảm thời điểm hiện tại”, ông  Nguyễn Thành Cường chia sẻ.

Nhìn nhận chung về giá cước vận tải trong các lĩnh vực, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho thông tin, trong lĩnh vực đường bộ theo cáo nhanh của một số địa phương hiện một số hãng taxi đang kê khai giảm giá cước từ 6-12%, các tuyến vận tải khách cố định cũng đã và đang giảm từ 5-14%. Các lĩnh vực đường sắt, đường biển, hàng không giá cước cũng đang bắt đầu hạ nhiệt. Riêng với đường thủy nội địa từ đầu năm đến nay chưa tăng giá nên không kê khai giảm đợt này.

Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc nhấn mạnh, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại các văn bản quy định liên quan đến công tác quản lý giá và điều hành giá. Đồng thời chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải tham mưu cho UBND cấp tỉnh một mặt hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc kê khai giá để đảm bảo tình hình xăng dầu giảm giá; một mặt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, mặc dù thị trường đã ghi nhận dấu hiệu giảm giá cước vận tải nhưng số lượng doanh nghiệp thực hiện vẫn còn khiêm tốn. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý nghe ngóng chờ đợi các đợt điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo. Do đó, cần có sự vào cuộc hơn nữa của các cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và bình ổn giá cả thị trường.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá xăng tiếp tục giảm nhẹ

Giá xăng dầu trong nước (trừ mazut) tiếp tục giảm nhẹ sau phiên điều hành bắt đầu từ 15h ngày 24/10. Đây là thông tin vừa được Liên bộ Công Thương- Tài chính thông báo.

Giá xăng tiếp tục giảm nhẹ
Giá xăng dầu giảm mạnh sau 2 kỳ tăng liên tiếp

Sau hai lần gần đây giá xăng dầu trong nước tăng liên tiếp thì bắt đầu từ 15h ngày 3/10 đã quay đầu giảm mạnh.Trong đó, giá xăng RON 95 về dưới 20.000 đồng/lít. Mức giảm này được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 26/9 của Liên Bộ Tài chính- Bộ Công thương.

Giá xăng dầu giảm mạnh sau 2 kỳ tăng liên tiếp

TIN MỚI

Return to top