ClockThứ Bảy, 05/12/2020 14:45

Nam Đông: Khai thác thế mạnh nông sản

TTH - Tập trung phát triển các sản phẩm cây ăn quả giá trị cao là hướng đi của Nam Đông trong việc triển khai và phát huy chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đặc sản nội vùng

Mật ong ruồi Nam Đông là sản phẩm OCOP được khách hàng ưa chuộng

Bước đi ban đầu

Ông Bùi Quang Tý, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Đông là một trong những người tiên phong sản xuất mật ong tại Nam Đông. Theo ông Tý, gia đình đã có nghề truyền thống nuôi ong, nhận thấy các điều kiện thuận lợi ở Nam Đông ông quyết định nối nghiệp cha từ năm 1997.

Đến năm 2007, ông Tý bắt đầu truyền nghề cho một số người thân, bà con trong huyện để mở rộng nghề nuôi ong. Sản phẩm mật ong từ Nam Đông dần được người tiêu dùng biết đến và tạo dựng được chỗ đứng nhất định. Năm 2017, nhận thấy ở miền Trung chưa có đơn vị nào tạo dựng được thương hiệu mật ong chính thức, có uy tín nên ông cùng 3 gia đình khác phối hợp xây dựng thương hiệu “Mật ong ruồi Nam Đông” để mở rộng thị trường.

Hiện nay, mật ong ruồi Nam Đông là một trong hai sản phẩm được chọn xây dựng thương hiệu theo chương trình OCOP cùng với rượu Tà Rương Mão và được hội đồng cấp tỉnh đánh giá 3 sao.

Ông Tý chia sẻ, 1 chai 500ml mật ong bán với giá 220 nghìn đồng, được người dân địa phương và trong tỉnh đón nhận. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn; sản phẩm chỉ mới được quảng bá ở một số hội chợ, sự kiện chứ chưa thể mở rộng thị trường. Với sự hỗ trợ của huyện và Sở Công thương, ông đã làm việc với một số đơn vị bán lẻ để mở rộng đối tượng khách hàng. Hiện Siêu thị Big C Huế chấp nhận nhưng vẫn cần quá trình kiểm tra, khảo sát chất lượng sản phẩm.

Với sản phẩm rượu Tà Rương Mão, đại diện UBND huyện Nam Đông chia sẻ, tuy được khách hàng đánh giá cao nhưng vẫn khó để mở rộng quy mô do năng lực sản xuất còn hạn chế. Thực tế cho thấy, loại men rượu là công thức gia truyền của nội bộ gia đình, cộng thêm nguồn nguyên liệu lấy từ tự nhiên nên khó sản xuất đại trà.

Phải thực chất

Theo ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, địa phương còn nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm theo chương trình OCOP, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, quy mô sản xuất các sản phẩm nhỏ lẻ, khó trong việc phát triển sản phẩm về sau là một trong những rào cản lớn.

Để khắc phục tình trạng trên, vừa qua huyện Nam Đông đã thẩm định thêm 2 sản phẩm là chuối đặc sản và cam Nam Đông của Hợp tác xã nông nghiệp Hương Hòa (được đánh giá 4 sao) và đang trong quá trình chuyển lên hội đồng thẩm định của tỉnh. Với nền tảng được người tiêu dùng ưa chuộng, cam Nam Đông cũng đã được công bố nhãn hiệu tập thể nên hai sản phẩm trên hoàn toàn có đủ khả năng để phát triển quy mô lớn, bền vững.

Ồng Nguyễn Đức Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hương Hòa (xã Hương Xuân) cho biết, tham gia chương trình OCOP là cơ hội để các sản phẩm nông nghiệp của đơn vị có cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao giá trị. Thực tế cho thấy, sản lượng cam và chuối hằng năm của huyện là khá lớn nên có thể yên tâm hoàn toàn về nguồn cung ứng; hợp tác xã sẽ đảm nhận khâu thu mua, kiểm tra chất lượng và quảng bá sản phẩm để thu hút các hộ dân tham gia. Đây cũng là cách để giải bài toán đầu ra cho nông sản Nam Đông trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Lê Thanh Hồ chia sẻ, quan điểm của huyện là không áp đặt mà đề nghị các xã xác định được các sản phẩm phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương, tập trung đi vào hiệu quả thực tiễn và tránh hô hào. Huyện cũng đang hỗ trợ một đề tài khuyến công về làm nhang với 100% nguyên vật liệu tại chỗ ở xã Hương Phú, là sản phẩm có tiềm năng tham gia OCOP. Về lâu dài, huyện tập trung phát triển các sản phẩm nông sản lợi thế của địa phương, gắn với mở rộng đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân.

Bài, ảnh: MINH NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”
Return to top