|
Thu giữ phương tiện và thiết bị vi phạm |
Ông Phan Văn Ty, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá (CHNC) Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) thông tin, vào ngày 20/12/2023 có khoảng 6 đò gắn 2 máy của Điền Hải và Điền Hòa về đánh bắt thủy sản bằng dụng cụ hủy diệt trên địa bàn xã Quảng Lợi và Quảng Công. Ngư dân địa phương đã phát hiện và tổ chức rượt đuổi, khi đến gần bờ họ nhảy xuống đầm phá bơi dẫn đến một người tử vong. Vụ việc đã được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Hiện nay, CHNC Ngư Mỹ Thạnh đang tạm giữ chiếc đò gắn 2 máy vi phạm nói trên. Khi xảy ra vụ việc chết người thì các đối tượng dừng hoạt động khoảng 5 ngày, đến nay lại hoạt động bình thường. Cơ quan chức năng cần có biện pháp giải quyết triệt để tình trạng đánh bắt thủy sản bằng phương tiện hủy diệt.
Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, nghề khai thác huỷ diệt thuỷ sản lại tái diễn và diễn biến phức tạp khiến ngư dân và các địa phương lo ngại. Các CHNC tại các địa phương đã có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng với mong muốn sớm có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để.
Ông Phan Văn Ty và đại diện các CHNC ở xã Quảng Lợi (Quảng Điền), Điền Hoà, Điền Hải (Phong Điền) phản ánh, hiện nay trên đầm Phá Tam Giang đang phát triển các nghề hủy diệt môi trường như nghề cào trìa, cào lươn, giã cào, xung điện... Các nghề này đã phát triển trên đầm phá cách đây 20 năm, các CHNC nhiều lần đề xuất trong các buổi họp tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý một cách hiệu quả.
|
Phương tiện tuần tra thô sơ của ngư dân Ngư Mỹ Thạnh |
Với nghề cào lươn, cào hến, các đối tượng vi phạm thường dùng thanh sắt tạo thành hình tam giác, phía sau có một “đụt lươn”, buộc vào cán cào rồi đè sâu vào mặt đất khoảng 15cm; dùng đò gắn 2 máy ngày đêm nạo vét, tàn phá những thảm thực vật trên mặt đất, làm ô nhiểm môi trường trầm trọng. Điều này làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con ngư dân dựa vào nghề khai thác thuỷ sản trên đầm phá Tam Giang.
Một chiếc đò trọng tải khoảng 7 tạ, nhưng các đối tượng đặt 2 máy với vận tốc lên đến 30km/giờ, nếu bị các lực lượng tuần tra phát hiện sẽ nhanh chóng tẩu thoát, tránh sự rượt đuổi. Nguy hiểm hơn, họ tổ chức thành một tổ hợp nghề huỷ diệt, cùng nhau chống lại các lực lượng tuần tra. Nhiều lần xảy ra xô xát hai bên gây nguy hiểm đến tính mạng, hơn nữa trong khi hành nghề họ còn phá hoại tài sản của ngư dân như lưới, lừ, nò sáo, khiến ngư dân bức xúc.
Hiện nay, trên đầm phá từ xã Điền Hòa đến xã Quảng Công có khoảng hơn 60 chiếc đò máy có công suất từ 35 mã lực trở lên phục vụ công tác tuần tra, xử lý vi phạm trong đánh bắt thuỷ sản huỷ diệt. Đa số những đò máy của các CHNC dùng để tuần tra đều phụ thuộc vào nguồn đóng góp của người dân để mua nhiên liệu. Tính riêng 3 năm qua, các CHNC tổ chức tuần tra khoảng 150 đợt và bắt được 12 đò, trong đó có đò gắn 2 máy và đò một máy. Các CHNC chuyển giao đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, số tiền xử phạt lên đến 300 triệu đồng và đã nộp vào Kho bạc Nhà nước.
Cuộc sống của bà con ngư dân dựa vào nghề đánh bắt trên đầm phá, bây giờ các nghề tận diệt đến cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản, ảnh hưởng đến đời sống, nuôi con ăn học. Các CHNC kiến nghị, các cấp có thẩm quyền cần sớm ngăn chặn triệt để nghề khai thác huỷ diệt, đò gắn 2 máy; trích phần trăm tiền xử phạt vi phạm hành chính để mua nhiên liệu phục vụ công tác tuần tra, xử lý vi phạm và sửa chữa phương tiện.