|
Tư vấn các chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng |
Các lĩnh vực ưu tiên vẫn tăng trưởng
Trái ngược với xu hướng tăng trưởng tín dụng của mọi năm, tăng trưởng tín dụng năm nay khá ảm đạm. Đến cuối tháng 6/2024, dư nợ tín dụng trên địa bàn mới chỉ đạt 79.345 tỷ đồng, tăng 2,04% so với đầu năm, đạt 17% kế hoạch đề ra. So với mức tăng trưởng toàn quốc 3,79%, mức tăng trưởng này vẫn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, nhìn vào từng bước đi của tăng trưởng dư nợ qua những tháng gần đây có thể khẳng định, tín dụng đang dần phục hồi.
Có thể lấy tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm làm cơ sở đối sánh. Bởi, tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm chỉ mới đạt mức 0,8%, trong khi đến cuối tháng 6 con số này là 2,04%, tương đương tăng 1,24%. Điều này cũng khá phù hợp với quy luật “mùa vụ” trong hoạt động tín dụng. Bởi thông thường vào những tháng đầu năm, tín dụng có dấu hiệu chững lại, tăng trưởng chậm và sẽ có xu hướng tăng dần bắt đầu từ quý III và dự báo sẽ liên tục tăng vào những tháng cuối năm.
Dù tăng trưởng tín dụng được đánh giá thấp và chưa đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, cụ thể theo kế hoạch đến cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng phải đạt từ 5-6% mới đảm bảo. Song điều đáng ghi nhận chính là dòng vốn đang được “nắn dòng” chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ khá hiệu quả. Bằng chứng là tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng trưởng tích cực, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Đơn cử, tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn đạt 16.288 tỷ đồng, tăng 10,39% so với đầu năm; tín dụng công nghiệp hỗ trợ đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 23,05% so với đầu năm...
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, dự án BOT.
Tăng trưởng an toàn
Trong những tháng đầu năm, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn không mấy khả quan đã tác động rất lớn đến chất lượng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã xử lý gần 462 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, trong đó 64% nợ xấu được thu hồi từ kênh khách hàng trả nợ, 15% nợ xấu xử lý bằng kênh sử dụng nguồn dự phòng rủi ro. Nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn ở mức 1.680 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,12%. Vì thế, bên cạnh bài toán tăng trưởng tín dụng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hướng vào các lĩnh vực ưu tiên thì các việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng cũng cần được quan tâm.
Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh chia sẻ, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cũng như chất lượng tín dụng, các tổ chức tín dụng phải bám sát các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm về công tác tín dụng và hoạt động ngân hàng. Đặc biệt là các chỉ đạo liên quan đến triển khai các chương trình tín dụng, giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn, không để xảy ra tình trạng khách hàng đủ điều kiện mà không được tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, quyết tâm thực hiện giải pháp phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý III/2024 ở mức 7-8%. Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng... Tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý, thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai, minh bạch lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp, phù hợp với yêu cầu vốn tín dụng. Đồng thời, chủ động thường xuyên tổ chức chương trình kết nối ngân hàng, doanh nghiệp theo hình thức đa dạng nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng một cách hiệu quả, thực chất.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng. Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu, tuân thủ nghiêm các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Tăng cường quản lý rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, khách hàng dư nợ lớn, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.