Còn rất lâu mới đuổi kịp các nước
Tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 7/8, Tổng cục Thống kê cho biết: Tính đến năm 2018, chỉ số năng suất lao động xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động theo giá hiện hành), tăng 6% so với năm 2017, cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011, tăng bình quân 4,88%/năm trong giai đoạn 2011 - 2018.
Năng suất lao động của Việt Nam ở mức thấp so với các nước. Đồ họa: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tính theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011), năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2018 tăng bình quân 4,8% năm. Với tốc độ tăng năng suất lao động như vậy, Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN (so với Singapore là 1,4%/năm; Malaysia là 2%/năm; Thái Lan là 3,2%/năm; Indonesia là 3,6%/năm; Phillipines là 4,4%/năm).
Tuy nhiên, xét giá trị tuyệt đối, năng suất lao động của nước ta vẫn ở mức thấp và khoảng cách chênh lệch với các nước ngày càng
Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian. Ở Việt Nam, năng suất lao động xã hội được tính bằng GDP bình quân trên một đơn vị lao động đang làm việc trong năm, phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay.
|
lớn.
Tính theo PPP 2011, năng suất lao động nước ta năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% năng suất lao động của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Phillipines; chỉ cao hơn Campuchia.
"Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp năng suất lao động của các nước. Việc cải thiện năng suất lao động có ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Giải thích về việc năng suất lao động đạt thấp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Việt Nam còn chậm và chưa hợp lý. Bộ trưởng dẫn chứng, ngành nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 16% GDP, nhưng lại chiếm hơn 42% tổng số lao động toàn xã hội. Những hạn chế về hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng thời gian lao động, bất cập về hạn điền, chuyển nhượng đất... cũng trở thành điểm nghẽn đối với việc gia tăng năng suất lao động của khu vực nông nghiệp.
Các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (yếu tố góp phần đáng kể để nâng cao năng suất lao động) ở nước ta còn hạn chế. Xếp hạng các chỉ số của nước ta so với các nước trên thế giới mới chỉ ở mức trung bình hoặc trung bình thấp. Ví dụ như năm 2018, năng lực cạnh tranh đứng thứ 77, đổi mới sáng tạo đứng thứ 82, số bằng phát minh, sáng chế đứng thứ 89, tăng trưởng của các công ty đổi mới sáng tạo đứng thứ 90...
Một nguyên nhân khác được đề cập là Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động đông đảo về số lượng nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đó, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp khu vực FDI có năng suất lao động cao nhưng chậm lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp nhà nước có lượng tài sản lớn nhưng hiệu quả sử dụng còn hạn chế. Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp song phần lớn có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, năng lực liên kết yếu.
Đề xuất thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia
Theo kinh nghiệm của các quốc gia, phát triển khoa học và công nghệ có tác động quan trọng tới nâng cao năng suất lao động. Sự phát triển thành công của các nước Đông Á đều dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc... đều là các quốc gia có đầu tư rất lớn vào vấn đề năng suất quốc gia.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng nhiều năm qua, Việt Nam cạnh tranh lại chủ yếu dựa trên giá lao động rẻ và chi phí nguyên liệu thấp - đây là yếu tố dẫn dắt năng lực cạnh tranh ít quan trọng nhất, trong khi Thái Lan và Malaysia tạo dựng lợi thế cạnh tranh bằng cách liên tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ, còn Singapore từ lâu cạnh tranh thông qua các sản phẩm, dịch vụ đặc thù với trình độ kỹ thuật rất cao.
"Việc dựa dẫm vào lợi thế lao động giá rẻ và chi phí thấp trong một thời gian dài đã khiến các doanh nghiệp lơ là áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện tay nghề lao động và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, dẫn đến kết cục là năng suất của lao động Việt Nam ngày càng thấp hơn so với các nước trong khu vực", ông Vũ Tiến Lộc nhận định.
Trong bối cảnh nước ta đã trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp, những lợi thế cạnh tranh truyền thống nói trên đang dần biến mất thì vấn đề năng suất thấp sẽ là một cản trở lớn đối với việc thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế và sẽ khiến chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, năng suất cần phải trở thành động lực chính thúc đẩy năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Năng suất lao động của Việt Nam thấp một phần do quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chỉ bằng Ấn Độ năm 1973, Trung Quốc năm 1978, Hàn Quốc năm 1992, Malaysia năm 2010. Đồ họa: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cần có sự vào cuộc và nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống chính trị, huy động tổng lực các cơ quan trung ương thuộc các ngành, lĩnh vực trong việc xây dựng và thực thi quyết liệt các giải pháp tăng năng suất lao động, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong việc thực hiện Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
"Việc sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia là rất cần thiết, trong đó, hình thành bộ máy, cơ quan chuyên sâu về năng suất lao động thực hiện nhiệm vụ điều phối các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh, ứng dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp tốt, hiện đại, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với người lao động, cần tăng cường trau dồi kiến thức, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, mỗi một người lao động cần phải trở thành hạt nhân của đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cần cù, chịu khó trong công việc, khẳng định năng lực cá nhân, tăng năng suất, tăng thu nhập.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để tăng năng suất lao động không đơn giản chỉ là ứng dụng khoa học công nghệ mà nó rộng hơn rất nhiều, còn liên quan đến GDP và phát triển bền vững.
"Muốn tăng năng suất lao động cần tất cả mọi ngành vào cuộc, từ chính sách vi mô đến vĩ mô, từ nhà nước đến các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân, bên cạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, do xuất phát điểm của Việt Nam thấp, GDP thấp nên năng suất lao động thấp, nhưng như vậy không có nghĩa là người lao động Việt Nam lười lao động, không chuyên cần, sản xuất ra cùng một sản phẩm lâu hơn so với người lao động nước khác.
Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phát động Phong trào Năng suất lao động quốc gia, tập trung vào việc tăng hiệu quả và năng suất cho các doanh nghiệp, các tổ chức thông qua cách tiếp cận toàn diện, kết hợp giữa con người, thiết bị và hệ thống quản lý. |
Theo Báo Tin tức