Đua ghe câu - một trong những lễ hội đã được xã Thủy Thanh phục dựng và duy trì
Được thành lập vào năm 1558, với bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời, hiện Thủy Thanh đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, những công trình kiến trúc truyền thống tiêu biểu của Việt Nam, như: cầu ngói Thanh Toàn; phủ thờ Tôn Thất Thuyết; đình làng Vân Thê; đình làng Thủy Thanh Chánh… cùng nhiều lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống được phục dựng, phát triển, như: bài chòi, "Chợ quê ngày hội", đua trải...
Với vị trí nằm trong vùng động lực phát triển đô thị (tiếp giáp với TP. Huế và gần trung tâm TX. Hương Thủy), Thủy Thanh có đủ điều kiện để phát triển nhanh, mạnh dịch vụ du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, vui chơi giải trí kết hợp với trải nghiệm, tham quan…
Từ tiềm năng, lợi thế trên, bên cạnh đánh giá hiện trạng tổ chức khai thác, dịch vụ “Chợ quê cầu ngói Thanh Toàn”; NHCN “Chợ quê cầu ngói Thanh Toàn” được đăng ký bảo hộ, sử dụng, quản lý và khai thác có hiệu quả trên thực tế; hệ thống tổ chức, công cụ, phương tiện, điều kiện để quản lý, khai thác và phát triển sản phẩm, dịch vụ mang NHCN được thiết lập và triển khai vận hành…, hội thảo còn nhằm tranh thủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu liên quan đến hoàn thiện danh mục sản phẩm, dịch vụ; thống nhất về bộ tiêu chí chứng nhận, phương pháp chứng nhận đối với sản phẩm, dịch vụ; quy chế sử dụng; giới thiệu bản đồ khu vực địa lý và mẫu logo NHCN…
Theo bà Ngô Thị Ái Hương - Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy, việc hoàn thiện các nội dung đăng ký bảo hộ NHCN “Chợ quê cầu ngói Thanh Toàn” nhằm phát huy giá trị của điểm du lịch này thông qua tạo lập, quản lý và phát triển NHCN, góp phần đẩy mạnh quảng bá và nâng tầm điểm đến, nâng cao đời sống cộng đồng cư dân trong khu vực, góp phần phát triển KT - XH địa phương.
“Khai thác, phát triển các giá trị sản phẩm, dịch vụ gắn với du lịch thông qua công cụ sở hữu trí tuệ, cụ thể với hình thức bảo hộ NHCN là cần thiết, bởi, từ NHCN, cơ quan quản lý điểm đến du lịch có thể tiến hành chứng nhận cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ phù hợp với các tiêu chí đưa ra, nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thiện một hệ sinh thái du lịch đồng bộ, chuyên nghiệp. Mặt khác, từ NHCN, khách du lịch sẽ dễ dàng xác định được đâu là các dịch vụ đạt tiêu chuẩn để yên tâm sử dụng, qua đó, tạo ấn tượng tốt với du khách, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu của điểm đến du lịch”, bà Hương cho hay.
Du lịch và sở hữu trí tuệ thoạt tiên có vẻ không liên quan với nhau, nhưng thực chất lại có mối liên hệ khăng khít. Một sản phẩm du lịch hay một địa điểm du lịch muốn phát triển trước hết phải được thị trường biết đến. Nhưng quan trọng hơn cả là phải được thị trường tín nhiệm. Để được tín nhiệm thì phải chứng minh được “danh tiếng, chất lượng” cùng khả năng gìn giữ, bảo đảm về danh tiếng, chất lượng đó. Và NHCN là giải pháp phù hợp để có thể hỗ trợ cho thương hiệu “Chợ quê cầu ngói Thanh Toàn”.
“Chúng tôi cũng đã tổ chức cuộc thi thiết kế biểu trưng (logo) NHCN cho điểm du lịch “Chợ quê cầu ngói Thanh Toàn” để đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Một mặt, thông qua logo, NHCN sẽ thể hiện trực quan về một thương hiệu du lịch, bao gồm chất lượng của thương hiệu, mặt khác, có thể giúp thương hiệu du lịch được thị trường nhớ đến và tín nhiệm; góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, hấp dẫn và gia tăng giá trị các sản phẩm du lịch trên địa bàn xã Thủy Thanh gắn liền với điểm đến du lịch “Chợ quê cầu ngói Thanh Toàn”, bà Ngô Thị Ái Hương cho hay.
Bài, ảnh: Thanh Đoàn