ClockThứ Sáu, 16/06/2023 16:55

Ngành Công Thương các tỉnh Bắc Trung Bộ: Kết quả chưa như kỳ vọng

TTH.VN - Hội nghị hoạt động ngành Công thương các tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra chiều 16/6 tại Thừa Thiên Huế. Các ông: Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương); Phan Quý Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự.

Kết nối giao thương, xúc tiến thương mại 6 tỉnh Bắc Trung BộHợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ

Chịu nhiều tác động

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội nghị

Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của các tỉnh Bắc Trung Bộ phát triển không đồng đều. Cụ thể, năm 2022, chỉ số IIP các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa tăng so với cùng kỳ, riêng tỉnh Hà Tĩnh giảm 16,39%.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, IIP của Thừa Thiên Huế đạt 1,56%; Quảng Trị đạt 11,68%; Quảng Bình đạt 8,7%; Hà Tĩnh đạt 1,5%; Nghệ An đạt 7% và Thanh Hóa 8,5% (IIP của cả nước 5 tháng đầu năm 2023 giảm 2% so với cùng kỳ).

Về tình hình xuất, nhập khẩu, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt 11.112,46 triệu USD, ước tính 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5.674,25 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 15.077,23 triệu USD, ước tính 6 tháng đầu năm 2023 đạt 6.854,18 triệu USD.

Riêng về xuất khẩu, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn, cơ cấu ngành hàng xuất khẩu mỗi tỉnh không tương đồng, đa số kim ngạch các tỉnh trong vùng đều giảm, riêng Quảng Trị, Hà Tĩnh vẫn duy trì được đà phát triển so với cùng kỳ 6 tháng năm 2022 lần lượt 10,68% và 27,45%.

Nguyên nhân được xác định do ảnh hưởng của nền kinh tế và bất ổn về chính trị thế giới, thiếu hụt các đơn hàng cùng với việc các thị trường EU, Mỹ đưa ra quy định yêu cầu sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường này phải đảm bảo “đơn hàng sản xuất xanh” mới đáp ứng được điều kiện nhập khẩu. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Về hoạt động thương mại, tuy có thời điểm giá một số loại hàng hóa tăng so với bình thường do ảnh hưởng từ các đợt tăng giá xăng, dầu nhưng nhờ COVID-19 được kiểm soát, hoạt động giao thương ổn định, thị trường hàng hoá cung ứng được đảm bảo, giá cả ổn định. Bên cạnh đó, công tác kết nối cung cầu thực hiện hiệu quả gắn với hoạt động phát động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng được các tỉnh Bắc Trung Bộ đẩy mạnh triển khai, góp phần nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.

Cụ thể, năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của các tỉnh các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa đều có mức tăng khá so với năm trước (lần lượt 20,1%, 15,74%, 12%, 26,09%, 30,39% 26,5%) và tiếp tục duy trì đà tăng trong 6 tháng đầu năm 2023 (lần lượt 17,6%, 18,0%, 14%, 20,5%, 54,8% và 7,3%). 

Khó khăn được dự báo 

leftcenterrightdel
 Sở Công thương 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đề ra một số kế hoạch, chỉ tiêu để hoàn thành trong năm 2023

Tại hội nghị, đại diện Sở Công thương các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, như: nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm, không đáp ứng về số lượng hàng hoá… để đảm bảo đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị; một số sản phẩm chưa có nhãn hiệu, thương hiệu và chưa tạo được lòng tin ở người tiêu dùng; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa chú trọng nhiều đến đổi mới công nghệ - kỹ thuật và nâng cao năng lực quản trị...

Hội nghị cũng chỉ ra số lượng, quy mô dự án triển khai hoàn thành và đưa vào hoạt động tạo năng lực mới ngành công nghiệp còn hạn chế, chưa có nhân tố mới đột phá góp phần tăng trưởng cho ngành công nghiệp; công tác thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; hạ tầng thương mại còn hạn chế, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, biên giới; việc liên kết tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, thiếu nhà đầu tư lớn…

Dự báo 6 tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất tiếp tục khó khăn do thiếu hụt đơn hàng cùng với việc tiếp cận nguồn vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao; các nước phát triển ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và hình thành các hàng rào kỹ thuật mới, những tiêu chuẩn mới đối với sản phẩm nhập khẩu…

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển công nghiệp – thương mại trong 6 tháng cuối năm 2023 gặp nhiều khó khăn.   

Chia sẻ khó khăn và ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của toàn thể ngành Công thương nói chung và Sở Công thương 6 tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng, ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận, hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng của ngành Công thương khu vực nhằm đánh giá kết quả sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại của toàn ngành; tạo điều kiện để Sở Công thương các tỉnh có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, đề xuất các giải pháp phối hợp, liên kết khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, từ đó đề xuất, tham mưu cho Bộ Công thương, cho UBND các tỉnh giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, tìm ra hướng đi để toàn vùng phát triển, từng địa phương phát triển.

Với phương châm "Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt; đổi mới sáng tạo; kịp thời hiệu quả”, bám sát chỉ đạo của Bộ Công thương, tại hội nghị, Sở Công thương các tỉnh Bắc Trung Bộ đã đề ra các kế hoạch, chỉ tiêu để hoàn thành trong năm 2023.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng phấn đấu đạt 496.160 tỷ đồng (các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa phấn đấu đạt lần lượt là: 44.300 tỷ đồng, 17.000 tỷ đồng, 16.860 tỷ đồng, 86.000 tỷ đồng, 102.000 tỷ đồng và 230.000 tỷ đồng (vượt 1,07% kế hoạch giao). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng toàn vùng phấn đấu đạt 495.199,12 tỷ đồng (các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa phấn đấu lần lượt là: 57.300 tỷ đồng, 32.575,12 tỷ đồng, 62.074 tỷ đồng, 58.000 tỷ đồng, 110.250 tỷ đồng và 175.000 tỷ đồng).

Riêng về IIP, chỉ tiêu tỉnh Thừa Thiên Huế là 9,5%; Quảng Trị 10%; Quảng Bình 11,5%; Hà Tĩnh 11%; Nghệ An 8% và Thanh Hóa 15% (lần lượt tăng so với năm 2022).

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top