Một lần ở làng A Hưa, xã Nhâm, trò chuyện cùng các thợ dệt ở tổ dệt Dzèng, chị Kê Thị Thoại, tổ trưởng, tâm sự: “Để dệt được một tấm Dzèng, chị em phải đi mua sợi len ngoài chợ. Len nhiều màu, nhiều kích cỡ, rồi mua hạt cườm nhựa về để tạo hoa văn khi cần”
Ngày xưa, phụ nữ Tà Ôi lấy bông về xe thành sợi, rồi dùng các loại màu tự nhiên từ vỏ cây, nhựa cây… để nhuộm. Thế nhưng, ngày nay, đồng bào Tà Ôi gần như không còn trồng cây bông nên thợ dệt Dzèng Tà Ôi dần mất đi kỹ thuật xe sợi bông truyền thống. Kiến thức của đồng bào về trồng, chăm sóc, thu hái bông, xử lý bông, xe sợi cũng dần mai một.
Bảy năm trước, khi đến làng Pất-nghi ở xã A Ngo để tìm hiểu về sợi truyền thống, chị A Kiêng Thị Mai, một thợ dệt lành nghề ở làng, cho biết: “Mình được học nghề dệt Dzèng từ mẹ khi còn nhỏ, thế mà vẫn học dệt bằng sợi len thôi. Sợi bông truyền thống không có. Bây giờ, không có đất mà trồng bông nữa chứ lấy bông đâu mà xe thành sợi”.
Đi khắp các làng dệt Dzèng ở A Lưới, gần như đa số chị em không còn nhớ gì nhiều về kỹ thuật chế tạo sợ bông và nhuộm.
Chị Viên Thị Thanh Tâm, Giám đốc HTX dệt Dzèng A Đớt (xã A Đớt, huyện A Lưới), chia sẻ: “A Đớt có 100% chị em biết dệt Dzèng, tỷ lệ gần như cao nhất huyện A Lưới. Trong quá trình làm nghề, chị em rất mong muốn có được sợi truyền thống, rồi hạt cườm truyền thống bằng chì, bằng hạt cây, mã não nhưng mọi thứ dần khó khăn. Giống bông thì không còn, kỹ thuật làm hạt cườm thì chỉ còn 1-2 người già còn nhớ và cả HTX chỉ có một thợ làm hoa văn bằng hạt chì".
Hỏi vì sao vẫn còn dùng hạt chì làm hoa văn, người thợ duy nhất biết làm hoa văn bằng hạt chì của HTX dệt Dzèng A Đớt cho biết: "Có nhiều loại hạt cườm khác nhau cùng những kỹ thuật đi kèm. Nhưng cơ bản nhất là 2 loại hạt cườm, bằng kim loại chì và hạt cây. Đó là hai loại hạt cườm ngày trước được chị em thợ dệt Tà Ôi sử dụng phổ biến trên mỗi tấm Dzèng của mình. Hai loại hạt cườm này có thể không có màu sắc đẹp nhưng đó là truyền thống, giá trị cơ bản của một di sản văn hóa liên quan đến trang phục. Để làm được hạt cườm bằng chì, người phụ nữ Tà Ôi phải nấu chì cho chảy và dùng que gỗ hoặc gai nhọn của cây bồ kết, cây cam, chanh để tạo lỗ. Để có hạt cườm là hạt cây thì thợ dệt phải đi hái lượm các loại quả có hạt để làm hạt cườm. Quy trình làm hạt cườm đều thủ công là chính và nó góp phần tạo nên giá trị của Dzèng".
Trong xu thế cạnh tranh với sản phẩm dệt kim hiện đại, hiện nay, thợ dệt Dzèng ở A Lưới đã có nhiều cách để phổ biến sản phẩm. Từ cách sử dụng màu sắc, hoa văn mới cho đến cắt may theo mẫu mới, phù hợp hơn với cuộc sống, sinh hoạt. Điều này đáng ghi nhận, nhưng chỉ mới giúp chị em thu nhập tốt hơn chứ chưa tạo điều kiện để bảo tồn nghề theo đúng quy trình truyền thống. Thợ dệt Dzèng Viên Thị Hoa, ở xã A Roàng, tâm sự: “Người làm nghề này không có nhiều thời gian vì bận việc này việc kia của gia đình. Rồi nguyên liệu đúng như các bà, các mẹ dạy thì ngày càng khó. Cho nên chị em đành phải mua các nguyên liệu, như sợi len, hạt nhựa nhiều màu để dệt thôi...”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho hay: “Giá trị của Dzèng không chỉ là nghề mà còn là văn hóa truyền thống của địa phương. Vì vậy, huyện A Lưới đề ra các chương trình hỗ trợ các nghệ nhân dệt Dzèng có tay nghề cao. Địa phương cũng đang xem xét để thực hiện các hoạt động khôi phục các quy trình truyền thống của nghề”.
Đình Đính