Nợ xấu hiện nay “không bình thường”
Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ
“Nguyên tắc quan trọng là không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
|
sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng, nợ xấu bình thường phải dưới 3% tổng dư nợ cho vay, còn nếu đến mức 10,8% như hiện nay là “chuyện không bình thường”. Nợ xấu nội bảng của chúng ta đang dưới 3%, nhưng “treo” rất nhiều ở Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Bà Ngân cho biết, nghị quyết này ban hành không phải hợp thức hóa cho các tổ chức vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu. Theo đó, không phải chỉ bảo đảm lợi ích của các tổ chức tín dụng mà còn đảm bảo lợi ích của người gửi tiền. Nghị quyết này không chỉ áp dụng với ngân hàng Việt Nam mà còn cả với chi nhánh của ngân hàng nước ngoài, vì Hiến pháp quy định không phân biệt các thành phần kinh tế. “Nguyên tắc quan trọng là không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị cần phải làm rõ những khoản nợ này. “Hoạt động cho vay của các ngân hàng đã có quy định pháp luật bảo vệ nhưng vì sao họ không thu hồi được tài sản thế chấp dù có hành lang pháp lý tương đối ổn để bảo vệ họ? Nếu không làm rõ mà Quốc hội thông qua nghị quyết thì tôi không tin giải quyết được”, bà Tâm nói.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, trách nhiệm của cơ quan liên quan nợ xấu vẫn phải xử lý nghiêm, không phải có nghị quyết này mà thoát tội. “Nghị quyết này không bao che cho những ông làm ăn sai trái. Nợ xấu không được xử lý thì trách nhiệm của tổ chức tín dụng cao lắm. Các tổ chức tín dụng phải bằng lợi nhuận của mình trích lập dự phòng rủi ro cho đến khi đủ xử lý hết khoản nợ xấu mới thôi vì đây là tiền của dân, nên dù ông doanh nghiệp làm mất tiền thì vẫn phải đền bằng chính lợi nhuận của mình”, ông Bình nói.
Cần giải pháp hiệu quả
Theo ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, hệ thống tín dụng của Việt Nam được thành lập từ 1990 trở lại đây, trong khi hệ thống ngân hàng ở các nước có lịch sử hàng trăm năm và phải có uy tín trong xã hội mới huy động được tiền. Ban quản trị ở các ngân hàng nước ngoài rất có đạo đức nghề nghiệp, còn ở Việt Nam, đạo đức nghề nghiệp chưa rõ nét, tính tuân thủ pháp luật của các ông chủ ngân hàng còn hạn chế. Ngoài ra, “chỉ 2-3 năm là quy mô tăng gấp đôi, trong khi các chuẩn mực của hệ thống ngân hàng, hội đồng quản trị thay đổi rất chậm”, ông Quốc Anh nói.
Về xử lý nợ xấu, ông Quốc Anh cho hay, kinh nghiệm quốc tế có hai giải pháp dùng tiền để “ôm” các ngân hàng yếu kém hoặc là cho phá sản. Nhưng chúng ta không có ngân sách, nên Ngân hàng Nhà nước cố gắng không dùng ngân sách, hoặc tìm các ngân hàng khác sáp nhập hoặc mua 0 đồng. “Nợ xấu đến nay đã xử lý được một khối lượng lớn… Tuy nhiên, nếu không tiếp tục có giải pháp giải quyết nợ xấu thì thị trường vốn không phát triển, ngân hàng khó cho vay, khách hàng cũng khó tiếp cận được nguồn vốn và lãi suất cũng không hạ được”, ông Quốc Anh nhận định.
ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) bày tỏ băn khoăn không rõ con số nợ xấu hiện nay thực chất là bao nhiêu. “Hiện nay, chúng ta nghe báo cáo nợ xấu vào khoảng 600 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 10% dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, đó có phải là con số thực chất hay không? Tôi thấy lâu nay chúng ta vẫn giấu nhau về con số nợ xấu. Bởi các kỳ họp trước đều thấy đều báo con số rất đẹp, dưới 3%”, ông Vượt nói.
Nợ xấu ngân hàng chủ yếu rơi vào lĩnh vực bất động sản; nhiều khoản đến giờ coi như mất trắng thì có giải quyết được thực chất nợ xấu không, ông Vượt nêu vấn đề.
Theo Tiền phong