ClockChủ Nhật, 14/10/2018 18:18

Nghĩ từ một việc bù chéo

TTH - Để đưa đường ống cấp nước sạch đến 100% thôn, xã trên địa bàn, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) buộc phải bù chéo cho những khoản lỗ trong đầu tư ở lĩnh vực này.

HueWACO: Ứng dụng năng lượng sạch vào sản xuấtĐưa nước sạch về vùng khóHueWACO mở rộng ứng dụng thương mại điện tử

Theo tính toán của HueWACO, một mét khối nước ở khu vực nông thôn hiện nay doanh nghiệp phải bù lỗ khoảng hơn 2.400 đồng, so với khu vực thành thị, giá nước ở khu vực nông thôn thấp hơn khoảng 2.000 đồng, ở mức 7.920 đồng/m3, trong khi con số này ở khu vực thành thị là 10.155 đồng/m3.

Dù thế, việc tiêu thụ nước ở khu vực nông thôn trung bình chỉ bằng khoảng từ 1/5 so với khu vực thành thị. Theo khảo sát, trung bình mỗi hộ ở vùng nông thôn sử dụng mỗi tháng khoảng từ 5-9m3 nước, trong khi đó vùng thành thị từ 25-60m3. Sự chênh lệch một phần cho thấy nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ở các vùng nông thôn chưa cao, do đa số chỉ sử dụng nước sạch cho mục đích ăn uống, còn các sinh hoạt khác họ sử dụng thêm nước giếng, nước máy bơm tay. Điều đó cũng dễ hiểu, dễ thông cảm khi người dân vùng nông thôn đa số là nông dân có thu nhập không cao nên làm thế để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Thế nhưng, với đơn vị đầu tư cung cấp nước sạch, việc tiêu thụ nước quá ít như vậy không những khó đảm bảo thu hồi vốn đầu tư mà còn khó khăn trong duy trì quản lý, vận hành, khi mà lương công nhân, CB-CNV đều phải trả; việc luân chuyển CB từ khu vực thành thị về nông thôn sẽ khó khăn do nguồn thu không đảm bảo.

Giải pháp bù chéo bằng cách tăng giá nước sinh hoạt khu vực thành thị để bù lỗ một phần giá bán nước sạch, lấy lại nguồn vốn đầu tư là điều mà DN thực hiện, song điều đó không là giải pháp bền vững, khi thu không đủ bù chi, dẫn đến khó đảm bảo duy trì hoạt động. Đó là chưa kể đến giá nước sinh hoạt hiện nay của HueWACO còn thấp so với nhiều tỉnh, thành phố khác. Ví như Hải Phòng, Hà Nội hiện có mức trung bình 12.000 đồng/m3, Vũng Tàu, Lạng Sơn hơn 11.000 đồng/m3…, trong khi các địa phương này chỉ cấp nước ở khu vực thành thị và chưa đưa nước về nông thôn.

HueWACO cùng với Hải Dương là hai công ty cấp nước đầu tiên đưa nước về vùng nông thôn nhưng xét về diện bao phủ, HueWACO đạt tỷ lệ cao hơn. Theo ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế, dự kiến đến cuối năm 2019, công ty sẽ hoàn tất đầu tư hệ thống cấp nước cho các vùng nông thôn, điều đó cũng đồng nghĩa với 100% thôn, bản sẽ có đường ống cấp nước sạch. Vấn đề còn lại là người dân có đấu nối và sử dụng nước sạch hay không mà thôi.

Câu hỏi ở đây là tại sao đầu tư không sinh lợi nhưng doanh nghiệp vẫn đầu tư và còn mở rộng? Ông Trương Công Hân cho rằng, đưa nước về nông thôn là nhiệm vụ chính trị mà công ty đã thực hiện xuyên suốt thời gian qua, kể cả khi đã cổ phần hoá. Ngoài bù chéo giá nước sinh hoạt, giải pháp mà doanh nghiệp có thể mở rộng đầu tư phủ sóng mạng cấp nước sạch là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của ADB và cả đấu thầu lãi suất trong nước. Khi có dự án, công ty sẽ mời thầu lãi suất, nhờ thế có nhiều dự án vay được mức lãi suất thấp nên giảm gánh nặng lãi suất. Đồng thời chọn các giải pháp thi công tiết kiệm chi phí nhất cùng một số giải pháp khả thi khác nhưng vẫn đảm bảo an toàn, cấp nước liên tục cũng như đảm bảo lợi ích của cổ đông.

Việc người dân đấu nối nhưng ít sử dụng nước sạch là sự lãng phí lớn trong đầu tư cũng như lãng phí khi tài nguyên nước sạch không được đưa vào sử dụng, nâng chất lượng sống cho người dân. Mặt khác, cũng nên có những thay đổi về nhận thức trong sử dụng nước sạch sau khi đấu nối, chứ không phải chỉ sử dụng ngang mức tối thiểu, nhằm đối phó để không bị cắt nước.

Vấn để là ở chỗ, khoản kinh phí bù chéo trong lĩnh vực này của HueWaco mỗi năm đều tăng trên dưới 10 tỷ đồng (từ hơn 72 tỷ đồng của năm 2017 lên vào khoảng 82 tỷ đồng theo dự kiến trong năm 2018 này). Liệu HueWACO có đảm bảo duy trì được mãi khoản bù chéo này trước những áp lực khác trong  hoạt động kinh doanh? Người tiêu dùng liệu có đặt câu hỏi về chi phí trên m3 mà họ phải trả hàng tháng khi (có thể) đang phải chia sẻ cùng DN khoản lỗ này, dù so với nhiều nơi, giá nước sinh hoạt ở Thừa Thiên Huế vẫn đang thấp hơn.

Theo chúng tôi, ở đây cũng cần phải tính lại tiêu chí sử dụng nước sinh hoạt ở các vùng nông thôn và ngay cả các xã nông thôn mới. Đó mới là tiêu chí cần thiết, nhân văn mà Nhà nước đang hướng đến chứ không phải ở việc đưa nước về để đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà không thực sự chú ý đến sức khỏe của người dân.

Linh Đan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

HueWACO tham dự ngày hội khởi nghiệp sáng tạo

Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) tham gia triển lãm khởi nghiệp sáng tạo dựa trên các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã đạt giải cao của công ty.

HueWACO tham dự ngày hội khởi nghiệp sáng tạo
Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2024
Lo chuyện nước

Gần đây, Thừa Thiên Huế đã đổi thay trên mọi lĩnh vực; trong đó các chỉ số về cuộc sống và môi trường tăng lên. Đây là một trong những chỉ số đáng tự hào của người dân địa phương khi Huế đã xanh hơn, sạch và đẹp hơn, hấp dẫn bao du khách gần xa.

Lo chuyện nước

TIN MỚI

Return to top