ClockChủ Nhật, 31/05/2020 11:05

Nguy cơ tai nạn tại các bãi tắm tự phát

TTH.VN - Không người trông coi, không cảnh báo, không có các thiết bị cứu hộ, cứu nạn, cộng với sự thiếu hiểu biết, kỹ năng tự vệ của người dân nên các bãi tắm tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Du lịch biển: Đảm bảo an toàn trong mùa cao điểmAn toàn cho mùa du lịch biểnĐể biển Thuận An sạch, đẹp“Kéo” khách về với biển

Du khách, người dân đổ về tắm tại bãi biển Thuận An rất đông, đặt ra vấn đề đảm bảo an toàn

Thiếu an toàn

Chiều 30/5, một nhóm thanh niên ở TP. Huế về Phong Hải (Phong Điền) chơi và rủ nhau ra tắm biển. Do không nắm rõ độ sâu, những vùng nước xoáy và không có thiết bị cảnh báo vùng biển nguy hiểm nên nhóm thanh niên bị sóng cuốn ra xa. Rất may lúc này có thuyền ngư dân đánh cá gần đó nghe tiếng kêu cứu đã đến đưa vào bờ an toàn.

Trước đó, đầu tháng 5, trong lúc tắm tại khu vực bờ kè biển Hải Dương (TX. Hương Trà),  Nguyễn Ngọc H. ở phường Trường An (TP. Huế) bị sóng đánh cuốn trôi. Mặc dù nhóm bạn cùng tắm và người dân địa phương nỗ lực ứng cứu nhưng H. đã bị chết đuối thương tâm.

Mùa hè năm trước, tại biển Phong Hải cũng đã xảy ra một vụ tai nạn chết đuối thương tâm. Đó là hai cháu nhỏ (anh em ruột) gồm T.M.H.N (8 tuổi) và T.G.B (6 tuổi) ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải bị sóng đánh, cuốn trôi trong lúc tắm. Nguyên nhân do cha mẹ mải lo làm ăn, thiếu sự quản lý để các cháu tự ra biển tắm.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu chia sẻ, do hoạt động không hiệu quả nên bãi tắm Phong Hải đã tạm dừng từ nhiều năm nay. Các dịch vụ tại bãi tắm, hoặc người dân địa phương và các nơi khác đến tắm đều tự phát. Tuy nhiên, trên hệ thống truyền thanh xã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ tai nạn và các biện pháp bảo vệ an toàn cho người dân trong quá trình tắm biển.

Các vụ tai nạn vừa qua đều do sự chủ quan, mất cảnh giác của người dân trong quá trình tắm biển. Đó là sự lơ là, thiếu quan tâm chăm sóc con cái của các bậc phụ huynh; hay người dân ở các nơi khác đến tắm, muốn khám phá, tò mò đã bơi ra xa khi không nắm rõ lúc “nước lớn nước ròng”, độ sâu, vùng nước xoáy…

Theo lãnh đạo một số địa phương như Phong Hải, hay vùng Ngũ Điền (Phong Điền), thiếu sót lớn tại các bãi tắm là không có các thiết bị cảnh báo vùng biển nguy hiểm, những khu vực được tắm, hoặc không được tắm…

Cần sự quản lý từ nhiều phía

Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An (Phú Vang) cho rằng, lâu nay nhiều người vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự quản lý của ban quản lý (BQL) các bãi tắm, chính quyền địa phương. BQL bãi tắm, chính quyền địa phương cũng đã nhắc nhở khách tắm tuân thủ các quy định an toàn.

Tuy nhiên, ngoài sự quản lý của BQL, chính quyền địa phương, người dân, du khách cần nâng cao ý thức, chấp hành tốt các quy định trong quá trình tắm. Người dân cũng cần tự trang bị các kỹ năng, kiến thức xử lý các tình huống khẩn cấp, mất an toàn trong khi tắm. Thực tế, hầu hết các vụ tai nạn tắm biển đều do chủ quan, lơ là, thiếu kỹ năng xử lý khi gặp vùng nước sâu, nước xoáy.

Bãi tắm Phong Hải

Ngoài các bãi tắm chuyên nghiệp như Thuận An, Phú Thuận, Lăng Cô… được đánh giá cơ bản đảm bảo các điều kiện an toàn cho du khách, người dân, trên địa bàn tỉnh hiện nay còn có khá nhiều bãi tắm tự phát, mất an toàn. Có thể kể đến các bãi tắm Phong Hải, Điền Hòa, Điền Lộc (Phong Điền), Phú Diên, Vinh Thanh (Phú Vang), Lộc Bình (Phú Lộc), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền)… Các bãi tắm này đều chưa trang bị đầy đủ các dịch vụ, thiết bị phục vụ tắm cho du khách như áo phao, phao cứu hộ cứu nạn, biển cảnh báo vùng nguy hiểm, dây phao phân định ranh giới được tắm, không được tắm…

Cũng do mang tính tự phát, chưa tổ chức hoạt động bài bản, chuyên nghiệp nên các bãi tắm này không có BQL, không có người trông coi trong quá trình tắm của du khách, người dân. Ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa chia sẻ, do thiếu nguồn lực nên chưa thể đầu tư bãi tắm chuyên nghiệp. Trước mắt, chính quyền địa phương cử lực lượng kiểm tra, khảo sát và cắm biển cảnh báo, quy định khu vực biển được tắm an toàn cho người dân. Tuy nhiên, người dân cũng cần chủ động nêu cao cảnh giác, không chủ quan trong quá trình tắm; các bậc phụ huynh phải quản lý con cái, trẻ em một cách chặt chẽ, tránh tai nạn đáng tiếc.

Theo Sở Du lịch, mặc dù các bãi biển lớn khá chuyên nghiệp, cơ bản đáp ứng yêu cầu về an toàn cho du khách, người dân khi tắm, nhưng ngành du lịch vẫn cảnh báo nguy cơ mất an toàn nếu chủ quan, không tuân thủ các quy định trong quá trình tắm. Người lớn khi tắm phải đúng vị trí, khu vực biển, không vượt quá phao quy định ranh giới. Trẻ em, người già khi tắm phải có người lớn theo kèm, quản lý; quá trình tắm phải mặc áo phao, hoặc các loại phao tròn theo quy định…

Đối với các bãi tắm tự phát, chưa được đầu tư thỏa đáng, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền các biện pháp bảo vệ an toàn cho du khách, người dân; có biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, dây phao quy định ranh giới khu vực tắm an toàn… Sở Du lịch sẽ tăng cường kiểm tra, giá sát, kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện các bãi tắm nào vi phạm các quy định sẽ bị xử lý nghiêm.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 10 tỷ làm đường ra bãi tắm Thuận An và Phú Thuận

Việc chỉnh trang một số tuyến đường quy hoạch bãi tắm Thuận An và Phú Thuận nhằm từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị Thuận An, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ và thu hút đầu tư.

Hơn 10 tỷ làm đường ra bãi tắm Thuận An và Phú Thuận
Giữ biển sạch, người dân được hưởng lợi trước

Giáp với bãi tắm Thuận An, bãi tắm Phú Thuận (huyện Phú Vang) là một trong những điểm du lịch nổi tiếng, hàng năm đón nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Công tác vệ sinh môi trường biển được Phú Thuận quan tâm hàng đầu.

Giữ biển sạch, người dân được hưởng lợi trước
Return to top