Chị Huệ tìm đến tận vườn để đặt hàng trái cây “sạch”
Từ nông trại sạch
Dẫn chúng tôi thăm nông trại hữu cơ Hương Vân (Hương Trà), chị Huệ kể lý do mình bén duyên với nghề nông “vì chứng kiến nhiều người thân ở quê phun thuốc trừ sâu cho cây lúa vô tội vạ, dẫn đến hậu quả khó lường”. Điều đó thôi thúc chị theo đuổi việc sản xuất nông sản sạch, dù thời điểm đó, chuyên môn chính của chị là thiết kế.
Năm 2013, chị cùng với cố Tiến sĩ Lê Đình Hường (Giảng viên Trường đại học Nông Lâm Huế) – người nghiên cứu ra giống lúa Huế số 1 (H1) trồng thử nghiệm (25 ha lúa hữu cơ) ở các địa phương Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thủy. Chị nói, “nếu trồng lúa vất vả 1 thì người trồng lúa hữu cơ cực gấp 3,4 lần. Vì phải đáp ứng các yêu cầu trồng và chăm sóc nghiêm ngặt. Chưa kể, 1 sào lúa thay vì sử dụng 23kg phân đạm thì lúa hữu cơ “ngốn” đến 5 tạ phân hữu cơ (do kỹ sư của công ty tự ủ bằng men sinh khối và các chế phẩm sinh học). Vất vả là vậy nhưng năng suất chỉ bằng 1/2 so với lúa thường.
Thời điểm đó, gạo sản xuất ra được công ty cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn lớn ở Hà Nội và cũng tính đến chuyện xuất khẩu, nhưng vì khâu bảo quản khó (gạo rất nhanh bị sâu, mọt) nên đành giảm diện tích lại.
Nông sản hữu cơ tại show room Huế Việt
Sau khi Tiến sĩ Hường qua đời, chị quyết định mở công ty riêng (Công ty Hữu cơ Huế Việt) chuyên về nông sản hữu cơ. Để kiểm soát chất lượng, có nhiều sản phẩm nông sản phong phú và ổn định, chị làm việc với HTX và các hộ dân tại Hương Vân và Điền Lộc (Phong Điền) thuê đất lâu dài (3 ha) trồng các loại rau màu. Đầu tư cải tạo đất và xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tự động, giống, phân bón, chuồng trại để chăn nuôi lợn, gà sạch. Sau khi trồng thử nghiệm, nhiều nông dân thấy hiệu quả đã “xin” đăng ký tham gia và các hộ dân đều được công ty hỗ trợ kỹ thuật tối đa. Từ quá trình nuôi, trồng đến thu hoạch đều có các kỹ sư trực tiếp giám sát, hướng dẫn. Nông sản làm ra được công ty bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn 2-3 lần so với sản phẩm thông thường.
Đến sản phẩm sữa gạo lứt “made in Huế”
Từng sử dụng sữa gạo có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, chị Huệ cứ trăn trở mãi, “vì sao loại thức uống dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như vậy mà mình không sản xuất được, trong khi gạo lúc nào cũng có sẵn”. Từ băn khoăn đó, chị ấp ủ ý định sản xuất sản phẩm sữa gạo từ chính các loại gạo hữu cơ làm ra. Chị Huệ chia sẻ: Ban đầu, tưởng dễ, mình mày mò làm thử sữa gạo lứt theo phương pháp thủ công. Không ngờ, để có thành phẩm sữa gạo chất lượng cũng gian nan không kém việc trồng rau hữu cơ. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng, sản phẩm “sữa gạo lứt hữu cơ” thành công ngoài mong đợi. Được bạn bè, người thân đánh giá cao và khuyến khích mở rộng sản xuất.
Khi đó, mình mới mạnh dạn đầu tư máy móc... Sản phẩm sau khi “ra lò” được đóng chai, bảo quản lạnh để đảm bảo chất lượng. Cũng như nguồn nguyên liệu do sữa gạo không có chất bảo quản nên tuyệt đối an toàn và giữ nguyên được dưỡng chất. Sản phẩm sữa gạo lứt hữu cơ đã được đăng ký công bố chất lượng, nhãn hiệu. Sắp tới, khi sản xuất ổn định, công ty có thể cung cấp ra thị trường 500 lít sữa gạo mỗi ngày”, chị Huệ tiết lộ.
Tháng 4/2016, chị quyết định mở một show room thực phẩm hữu cơ để cung ứng gạo, các loại rau, củ, quả; thịt lợn, gà... canh tác theo hình thức hữu cơ và một số đặc sản vùng miền (Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Ngãi...). Để có được vài chục mặt hàng thực phẩm hữu cơ cho cửa hàng, ngoài nông sản công ty “tự cung tự cấp” chị còn lặn lội đến nhiều tỉnh, thành, gặp gỡ các nhà sản xuất có tên tuổi để đặt hàng; tìm mua các giống rau, củ “lạ” như: măng tây, rau dền Nhật... về trồng thử nghiệm.
Chia sẻ về kế hoạch tương lai, chị Huệ cho biết, để mở rộng diện tích, tăng sản lượng, công ty đang triển khai trồng thêm 10 ha cây ăn quả, lúa ở Phú Lộc; đồng thời, liên hệ Sở Nông nghiệp ptnt tiến hành làm giấy chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ cho các sản phẩm nông sản của công ty.
Liên Minh