Tàu cập cảng Chân Mây
Không phải bây giờ, từ rất lâu, mỗi quốc gia hay ở phạm vi hẹp hơn từng địa phương đều chọn cho mình một ngành, một sản phẩm có nhiều lợi thế để phát triển. Nhờ đó không ít quốc gia được thế giới biết đến thông qua các sản phẩm nổi tiếng và không ít sản phẩm trở thành đại diện cho hình ảnh của đất nước. Chẳng hạn, nhắc đến rượu vang người ta nghĩ ngay đến Pháp; hoa tuy líp gắn với Hà Lan; hàng điện tử, ô tô vinh danh nước Nhật…
Với Việt Nam, chúng ta cũng có không ít sản phẩm đứng đầu danh sách các nước xuất khẩu như dệt may, điều, cà phê, gạo, hải sản… nhưng để trở thành sản phẩm “định danh” quốc gia vẫn còn nhiều chuyện phải bàn. Đó là chất lượng sản phẩm, giá cả, mẫu mã, tổ chức sản xuất, quảng bá…
Nhìn lại, Thừa Thiên Huế có không ít thế mạnh và sản phẩm nổi tiếng có thể tập trung phát triển thành hàng hóa. Ở ngành kinh tế mũi nhọn du lịch- dịch vụ, tiềm năng của Huế không thua kém bất cứ địa phương nào, nếu không muốn nói hơn hẳn nhiều địa phương cả về di sản, danh thắng lẫn hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nhưng trong các điểm đến Việt Nam được báo chí nước ngoài ca ngợi, Huế vẫn chưa được “xướng danh”. Ở một góc nhìn khác, việc cảng Chân Mây đón các tàu du lịch hạng sang đem lại nhiều kỳ vọng cho ngành du lịch với việc đón khách hạng sang, mức chi tiêu lớn. Thực tế, lượng khách tàu biển đến Huế chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với khách vào Đà Nẵng, Hội An. Thậm chí nhiều du khách không có thông tin về điểm đến Cố đô Huế. Nhưng cũng cần nói sòng phẳng, nếu một lúc vài nghìn khách tàu biển cùng thăm Huế thì có doanh nghiệp nào ở Huế đủ năng lực tổ chức, hoặc đơn giản hơn là một địa điểm quy mô phục vụ hàng nghìn du khách ăn uống cũng khó tìm. Rõ ràng, chúng ta chưa có doanh nghiệp đủ mạnh đảm nhận vai trò “nhạc trưởng” trong quảng bá, dẫn dắt, liên kết, điều phối cho hoạt động du lịch dịch vụ của địa phương.
Một ngành chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh là ngành công nghiệp, những năm qua tuy luôn đạt tốc độ tăng trưởng hai con số, nhưng chưa có những sản phẩm nổi trội. Dệt may là ngành được nhắc đến nhiều nhất với đóng góp giải quyết việc làm và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Một số tên tuổi lớn cũng được ghi nhận, như Scavi, Dệt may Huế, HBI…, nhưng đa phần làm gia công, giá trị gia tăng không lớn. Các doanh nghiệp cũng chưa có sự liên kết, tạo thành một chuỗi sản xuất bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Thực tế này cũng đã được nhìn nhận và đang từng bước khắc phục khi tỉnh và Tập đoàn Dệt may Việt Nam “bắt tay” xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại Phong Điền, nhằm từng bước xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm dệt may của cả nước.
Ở một góc độ khác, để phát triển công nghiệp thời gian qua tỉnh đầu tư các khu công nghiệp tập trung. Hiện nay, các khu công nghiệp Phú Bài và Phong Điền được xem là những điểm sáng trong thu hút đầu tư, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại địa phương. Tuy nhiên, ở đó vẫn thiếu một doanh nghiệp “nhạc trưởng” cầm trịch cho sự phát triển của khu công nghiệp. Nhìn sang một số khu công nghiệp hoạt động thành công, ở đó đều có những doanh nghiệp chủ lực. Như khu công nghiệp Chu Lai (Quảng Nam) có ô tô Trường Hải; Khu công nghiệp Vĩnh Phúc có Honda Việt Nam… Với sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn đã tạo ra sức hút nhiều doanh nghiệp khác vào đầu tư, làm vệ tinh cung ứng nguyên phụ liệu cho nhà máy chính. Các nhà máy tạo thành chuỗi liên kết cung ứng, phục vụ, hỗ trợ nhau phát triển. Đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp kia. Hoặc, có thể chọn một nhà đầu tư hạ tầng nước ngoài có tiềm lực để thu hút các nhà đầu tư ở cùng một quốc gia. Mô hình này khá thành công ở Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
Với ngành nông nghiệp, tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng lại có tác động đến gần 2/3 dân số của địa phương. Lâu nay, ngành nông nghiệp của tỉnh chỉ phát triển ở quy mô nhỏ và loay hoay với bài toán đầu ra. Việc huy động nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp là bài toán khó, khi tiềm lực của người dân hạn chế và các doanh nghiệp lại chẳng mặn mà bởi trở ngại về chính sách đất đai, hiệu quả đầu tư thấp. Trong khi đó, vai trò “bà đỡ” của các hợp tác xã lại rất hạn chế, chưa thể hỗ trợ cho xã viên chuyển đổi mô hình sản xuất cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.
Thực ra, với người nông dân vốn chưa phải là tất cả, quan trọng là đầu ra của sản phẩm. Tôi có người em xuất thân từ nông dân, vốn liếng chẳng có là bao nhưng chỉ sau dăm năm vào Lâm Đồng lập nghiệp mà nay đã có cả hệ thống nhà lưới rộng mấy ngàn mét vuông chuyên canh rau. Hỏi, nguồn vốn đầu tư lớn ở đâu ra, thì nhận được câu trả lời khá đơn giản, đầu tư có hiệu quả khắc có người cho vay. Bởi thực tế, khi sản xuất hiệu quả người dân có thể huy động được rất nhiều nguồn vốn trong dân cũng như các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước trong xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Theo hướng phát triển này, dự án đầu tư xây dựng trung tâm chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Vingroup ở Hương Trà hy vọng sẽ tạo cú hích trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, khi doanh nghiệp nhận bao tiêu, thu mua sản phẩm hoặc đóng dấu sản phẩm nông sản sạch để bán ra thị trường…
Thực ra, tiềm năng, thế mạnh mới chỉ là tiền đề, việc biến thế mạnh đó thành nguồn lực thúc đẩy phát kinh tế - xã hội là cả một quá trình dày công thực hiện, tổ chức cách làm bài bản hiệu quả. Để làm được chuyện này, ngoài định hướng, chính sách của Nhà nước thì vai trò các “nhạc trưởng” của các doanh nghiệp tại mỗi ngành, từng địa phương để tổ chức, liên kết các khâu là chìa khóa trong phát triển kinh tế bền vững hiện nay.
Bài: Hoàng Giang
Ảnh: Bảo Định