ClockThứ Năm, 03/09/2020 07:00
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ:

Nhiều chính sách nhưng khó tiếp cận - kỳ 1: Nhiều chính sách hỗ trợ

TTH - Doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngoài trợ lực từ chính sách, DN phải tự làm mới mình, xây dựng kịch bản kinh doanh trong điều kiện khó khăn là điều hết sức cần thiết.

Tìm vốn cho thanh niên khởi nghiệpHướng đến mở Trung tâm khởi nghiệp hạnh phúc Happitopia HuếRa mắt mạng lưới cố vấn khởi nghiệp

Doanh nghiệp khởi nghiệp hỗ trợ nhau giới thiệu sản phẩm

Chính sách từ vi mô đến vĩ mô đang được triển khai nhằm tiếp sức cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ.

Hỗ trợ chi phí đầu vào

Chi phí đầu vào là một trong những yếu tố quyết định đến giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và lợi nhuận. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay, DN, nhất là DN vừa và nhỏ rất dễ bị thiếu vốn. Điều này một lần nữa khẳng định, cắt giảm chi phí được xem như một giải pháp tối ưu trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh việc DN tự cắt giảm các chi phí thì các đầu mối cung ứng dịch vụ như điện, nước, hóa đơn điện tử… cũng đang vào cuộc tái hỗ trợ giúp DN giảm bớt gánh nặng.

Ngoài hỗ trợ cho các đối tượng khách hàng là hộ gia đình, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế tiến hành giảm 10% giá điện cho 15.100 khách hàng sản xuất và kinh doanh. 1.200 khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch cũng được chuyển đổi từ giá kinh doanh sang giá sản xuất… trong kỳ hóa đơn tiền điện tháng 5, 6 và 7/2020.

Hoạt động giới thiệu quảng bá sản phẩm được triển khai

Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế ngoài triển khai giảm giá nước cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc… còn triển khai giảm giá nước cho các DN trên địa bàn trong kỳ hóa đơn 3 tháng 4, 5, 6.

Theo đó, gần 2.000 DN, đơn vị SXKD dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh sẽ được giảm 10% giá nước với số tiền dự kiến hỗ trợ miễn, giảm tiền nước trong 3 tháng cho các đối tượng tương đương trên 15 tỷ đồng. Chính sách này có ý nghĩa rất lớn trong việc chia sẻ khó khăn trong cộng đồng DN tỉnh, nhất là đối với các đơn vị tiêu thụ nước lớn như Khu du lịch Laguna, Bia Carlsberg, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP, các công ty dệt may…

Cùng với chính sách hỗ trợ lẫn nhau nhằm giảm đầu vào, tỉnh cũng triển khai nhiều chính sách kích cầu du lịch, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, triển khai các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại hàng hóa trên địa bàn… Các chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, vùng nguyên liệu… cũng được các sở, ngành đẩy mạnh triển khai.

Công tác hỗ trợ DN thông qua việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trên địa bàn cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh cũng đã xây dựng và vận hành hiệu quả việc khai báo trực tuyến và tổng hợp tự động tình hình thiệt hại do dịch trên website ddci.thuathienhue.gov.vn để chủ động liên hệ với các DN, cơ sở SXKD trên địa bàn, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ...

Đến chính sách vĩ mô

Cùng với chính sách hỗ trợ lẫn nhau giữa cộng đồng DN thông qua việc điều hành giảm chi phí đầu vào, Chính phủ cũng có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DN trong đó việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ.

Theo ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh, trên cơ sở từ nguồn cắt giảm chi phí, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã đẩy mạnh hỗ trợ cho khách hàng. Đến nay, trên địa bàn có 21/24 chi nhánh ngân hàng thương mại và 4/7 quỹ tín dụng Nhân dân đã thực hiện hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19. Trong đó, 771 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ được cơ cấu là 927 tỷ đồng; 2.162 khách hàng được miễn, giảm lãi, hạ lãi suất với dư nợ hơn 2.558 tỷ đồng, số tiền lãi đã được miễn, giảm là 4,6 tỷ đồng.

Các chính sách giảm lãi vay của các ngân hàng cũng đang được triển khai. Ngoài 3 đợt điều hành giảm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực kinh tế, các ngân hàng cũng chủ động giảm lãi suất cho khách hàng vay mới với mức giảm từ 0,5 đến 2,5%/năm so với thời điểm trước dịch. Hiện, toàn tỉnh có 1.629 khách hàng, trong đó có 396 DN được cho vay mới để khôi phục sản xuất với doanh số cho vay từ khi công bố dịch đến 7/8/2020 là 6.246 tỷ đồng, dư nợ hiện tại là 4.306 tỷ đồng.

Bà Âu Thị Nguyệt Liên, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế thông tin, các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế đã được triển khai với hơn 1.100 DN được gia hạn nộp thuế với số tiền 108 tỷ đồng và gần 8.000 hộ cá nhân kinh doanh với số tiền 4,9 tỷ đồng. Trong tháng 8 này, ngành Thuế cũng triển khai chủ trương giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 với các DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Mới đây, Bảo hiểm Xã hội cũng xác nhận sẽ tiếp tục tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và Tử tuất cho DN gặp khó khăn do COVID-19 đến hết tháng 12/2020. Tính đến ngày 30/6/2020, Thừa Thiên Huế có 9 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, Tử tuất cho 4.883 người lao động.

Những chính sách trên đã và đang góp phần tích cực giúp DN phần nào ổn định SXKD, vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Bài, ảnh: Hoàng Loan- Liên Minh

Kỳ 2: Doanh nghiệp tự “bơi”

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

Trong hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện A Lưới vươn lên phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã ra đời, mang lại sinh kế ổn định cho ĐVTN.

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao
Return to top