Doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp nhiều khó khăn
Khó tiếp cận
Câu chuyện của bà Đặng Thị Thuỳ Dương, Giám đốc Công ty TNHH Volga Việt Nga là ví dụ. DN này đang hoạt động trong một số lĩnh vực như: du lịch cộng đồng, khách sạn, du học và xuất khẩu lao động, thời điểm này xem như “ngừng thở” do ảnh hưởng của 2 đợt dịch COVID-19.
Bà Dương chia sẻ: Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần 1, mình đã vận dụng, đốc thúc, chịu khó hơn, giúp DN tồn tại. Với các hoạt động bắt tay giữa các DN du lịch liên kết tổ chức chương trình “bình minh trên dòng Hương” để quảng bá du lịch Huế, kích cầu du lịch nội địa; hoạt động liên kết đầu vào công ty này là đầu ra công ty khác… cũng được triển khai. Doanh thu của DN thời điểm sau đó có cải thiện đáng kể, song chưa kịp hồi phục. Đợt bùng phát dịch lần thứ 2 này đã khiến DN “khó thở”.
Khó chồng khó, song khi được hỏi về các chính sách hỗ trợ giúp DN vượt khó, bà Dương cho hay: Gói 62 nghìn tỷ hỗ trợ của Chính phủ vẫn chưa tới tay DN bởi những quy định quá khắt khe, không phải DN nào cũng có thể đáp ứng được. Các chính sách khác thì DN cũng không dễ “với” đến.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ (HDNT) tỉnh Trần Đức Minh cho rằng, các chính sách hỗ trợ DN khá “ồ ạt”, nhưng DN hầu như không tiếp cận được.
Theo lời Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, ngân hàng nói giảm lãi vay, nhưng thực tế không có là bao, gia hạn cũng chỉ có 3 tháng. Hội và Trung ương HDNT Việt Nam nhiều lần kiến nghị với các tổ chức tín dụng đến Ngân hàng Nhà nước song kết quả DN chỉ được giảm lãi suất 0,2%, từ 8,5% còn 8,3%. Mức giảm này thực sự không ý nghĩa lắm với DN. Riêng thuế và bảo hiểm xã hội, không nộp trước cũng nộp sau nên hầu như chưa có tác động hỗ trợ DN vượt khó.
Nhiều DN cho rằng, việc kê khai hồ sơ đăng ký hỗ trợ hiện tại quá phức tạp, tốn kém thời gian cho DN. Nhiều ngân hàng vẫn thẩm định, đánh giá phần lớn các khoản vay bằng tài sản thế chấp, chứ chưa chú trọng nhiều vào việc thẩm định dựa trên hiệu quả từ phương án kinh doanh. Việc thẩm định dựa trên tài sản đảm bảo sẽ giúp các ngân hàng hạn chế được nhiều rủi ro, trong khi các hộ kinh doanh và DN không dễ tiếp cận nguồn vốn do không đủ các điều kiện vay vốn thế chấp.
Theo một số DN, các chính sách, biện pháp hỗ trợ DN chủ yếu là hoãn, giãn tiến độ nộp mà chưa có giải pháp nào liên quan đến miễn, giảm, xóa bỏ các hạng mục DN phải đóng nên chưa thể trợ lực cho DN trong thời buổi khó khăn. Các DN rất cần được tháo gỡ những “rào cản” để DN có động lực vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thích nghi mới thật sự quan trọng
Theo lý giải của Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Lê Việt Sỹ, các ngân hàng cũng là DN và không nằm ngoài những tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Nguồn vốn để thực hiện các chính sách, giải pháp ưu đãi hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng COVID-19 của ngành ngân hàng nói chung, trên địa bàn nói riêng không phải từ ngân sách Nhà nước, mà xuất phát từ nguồn tiền gửi huy động và tiết giảm chi phí hoạt động, bao gồm cả cắt giảm một phần lương, thưởng của nhân viên. Ngân hàng phải đảm bảo khách hàng sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, đúng đối tượng… và không được hạ thấp các điều kiện, tiêu chuẩn cho vay nhằm giữ an toàn hệ thống, không để xảy ra việc lợi dụng chính sách để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng, tránh hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế.
Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế cũng cần có trình tự và quy định nhất định nhằm tránh trục lợi chính sách và hạn chế ảnh hưởng bất lợi tới nền kinh tế cũng là quan điểm của đại diện ngành Thuế trong thực hiện các chính sách hỗ trợ DN thời gian qua.
Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học lãnh đạo và Quản trị DN, TS. Nguyễn Tấn Bình, để giúp DN vượt qua khó khăn một cách căn cơ, đòi hỏi chính sách về tài chính – ngân hàng của Nhà nước như hạ lãi suất cơ bản, nới rộng chính sách cung tiền, miễn, giảm các loại thuế, phí…
Trong tình hình dịch ngày càng diễn biến phức tạp, việc trông chờ vào chính sách sẽ khiến DN thêm khó khăn. Việc cần làm lúc này là tự thích nghi để vượt qua khó khăn. Các DN phải tự thân giải quyết khó khăn thông qua cắt giảm chi phí hoạt động, xây dựng và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp tình trạng khẩn cấp hiện nay.
TS. Nguyễn Tấn Bình nhấn mạnh, DN nên thành lập tổ phản ứng nhanh (task force) với các thành viên từ mọi phòng ban và chức năng để đánh giá lại chiến lược, kế hoạch kinh doanh và giải pháp thực hiện cho DN theo các lĩnh vực; đánh giá mức độ căng thẳng tài chính DN và xây dựng kế hoạch dự phòng; giám sát chuỗi cung ứng, phản ứng nhanh và khả năng phục hồi lâu dài; các biện pháp marketing và bán hàng đối với các cú sốc nhu cầu và phối hợp và liên hệ với các bên liên quan.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học lãnh đạo và Quản trị DN cho rằng, DN phải cân đối thu chi nhằm đảm bảo thanh khoản đủ để vượt qua khó khăn trước mắt.
Trước tiên, DN cần xác định các kịch bản phù hợp với bối cảnh kinh doanh của mình. Các công ty nên lập mô hình tài chính (báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bảng cân đối tài chính) trong từng kịch bản và xác định các yếu tố quan trọng nhất có thể làm giảm đáng kể khả năng thanh khoản.
Đối với mỗi yếu tố như vậy, DN nên xác định những động thái nhằm ổn định tổ chức trong từng kịch bản (tối ưu hóa các khoản phải trả và phải thu; giảm chi phí; thoái vốn; mua bán và sáp nhập). DN cần đồng hành, sát cánh cùng khách hàng, đầu tư vào phân khúc khách hàng cốt lõi của mình, đồng thời đầu tư phát triển bán hàng trực tuyến, đảm bảo chất lượng hàng bán trực tuyến theo xu hướng thích nghi với tình hình dịch bệnh...
Bài, ảnh: Hoàng Loan - Liên Minh