ClockThứ Hai, 10/07/2023 08:34

Những điểm nghẽn trong phát triển cụm công nghiệp - Bài 2: Hạ tầng yếu và thiếu

TTH - Dù đã có những điểm nhấn về thu hút đầu tư, tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay là hạ tầng yếu và thiếu đã kìm hãm sự phát triển của các CCN ở địa phương.

Những điểm nghẽn trong phát triển cụm công nghiệp - Bài 1: Thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương phát triển

leftcenterrightdel
Chất thải và rác thải đổ xả bừa bãi tại cụm công nghiệp Hương Hòa (Nam Đông) 

Chưa hấp dẫn

Chuyến khảo sát của chúng tôi mới đây, đáng ghi nhận khá nhiều CCN đã góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ, tạo đà cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của ngành công nghiệp ở các địa phương. Tuy vậy, bên những điểm ưu, nhiều CCN ra đời không đạt như kỳ vọng, chưa hấp dẫn các DN, nhà đầu tư SXKD do nhiều nguyên nhân, nhất là cơ sở hạ tầng hạn chế.

Theo lãnh đạo UBND huyện Nam Đông, hạ tầng tại CCN yếu và thiếu là nguyên  nhân chính chưa thu hút các DN, nhà đầu tư vào SXKD. Đơn cử như CCN Hương Hòa hình thành từ năm 2005, với nguồn vốn đầu tư hạ tầng như đường sá, điện, nước dự kiến khoảng 30 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay chỉ mới đầu tư tuyến giao thông chính nhỏ hẹp nối từ Tỉnh lộ 14D bằng vốn ngân sách chưa đến 2 tỷ đồng. Giao thông trong CCN chưa đồng bộ, thiếu điện, nước sạch... khiến cho DN không mặn mà.

Hoặc, CCN Bắc An Gia được thành lập trên địa bàn huyện Quảng Điền với quy mô 16,5ha nhằm phát triển các ngành nghề công nghiệp, TTCN, như: Cơ khí chế tạo, sản xuất và sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, sản xuất hàng mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ xuất khẩu, công nghiệp chế biến; xay xát… Tuy nhiên, hiện hạ tầng kỹ thuật của CCN này chưa hoàn thiện, mới thực hiện giải phóng mặt bằng được 2,21ha và đầu tư 1 đường nội bộ, chưa có hệ thống cống thoát nước mặt và nước thải đồng bộ nên tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 21,79%.

Anh Nguyễn Bình, chủ DN Mộc dân dụng tại CCN Bắc An Gia chia sẻ, hơn 6 năm vào hoạt động nhưng đến thời điểm này việc sản xuất, trao đổi hàng hóa rất khó khăn vì đường sá không thuận tiện, nắng bụi mưa lầy…

Theo ông Phan Gia Phú, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kinh tế huyện Quảng Điền, dù địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ thu hút các đơn vị, DN vào SXKD nhưng đến nay chỉ là con số khiêm tốn so với kỳ vọng vì cơ sở hạ tầng yếu và thiếu.

Trở lại CCN Vinh Hưng mới đây - địa chỉ duy nhất của huyện Phú Lộc hình thành hơn 10 năm nay, với diện tích hơn 20ha. Thời gian đầu mới thành lập, huyện Phú Lộc có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây khoảng 50 tỷ đồng; đồng thời chú trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thân thiện với môi trường, tạo mọi điều kiện, giúp DN hoàn thiện nhanh các thủ tục, hồ sơ và miễn tiền thuê đất trong những năm đầu hoạt động… Song hiện  nay CCN Vinh Hưng chỉ là một bãi đất trống.

Ông Võ Văn Thắng, Trưởng phòng Hạ tầng kinh tế huyện Phú Lộc thông tin, hiện CCN Vinh Hưng có Công ty CP Mỹ Hưng Center đầu tư khoảng hơn 2ha và Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế thuê khoảng 0,7ha. Tuy nhiên mọi chuyện đang nằm trên giấy.

Hệ lụy ô nhiễm môi trường

Do cơ sở hạ tầng hạn chế nên phần lớn các CCN ở địa phương chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Điều này làm phát sinh nhiều hệ lụy về môi trường, nhất là tình trạng tập trung cơ sở sản xuất về một khu vực, nhiều CCN ở quá gần khu dân cư.

Hiện nay, hầu hết các CCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều “zero” về đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Để giải quyết bài toán xử lý nước thải phải có quy hoạch đồng bộ ngay từ đầu, với hàng loạt công đoạn từ thu gom - xử lý - xả ra nguồn tiếp nhận..., nhưng hiện nay việc đồng bộ này vẫn còn nhiều bất cập. Theo đó, tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất ở các CCN trở thành mối quan tâm của nhiều địa phương.

Đáng nói là CCN Thủy Phương được xem một điểm sáng hỗ trợ cho các đơn vị, DN SXKD hiệu quả, cũng là địa chỉ góp phần “định cư” cho các đơn vị, DN từng nằm trong “danh sách đen” ô nhiễm môi trường theo Nghị định 64 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng nhiều năm nay thường xuyên được báo động tình trạng ô nhiễm môi trường bởi khói bụi, nước thải.

Không ít lần có mặt tại CCN Thủy Phương theo đơn thư phản ánh của người dân, chúng tôi chứng kiến các DN chế biến giấy, bìa giấy… xả khói, nước thải đen xì ra môi trường, nước bẩn bốc lên mùi hôi thối nồng nặc xuôi theo khe suối Cầu Đôi qua vùng dân cư rồi chạy thẳng ra hồ Châu Sơn khiến cho cuộc sống của người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Đáng nói là tình trạng kéo dài nhiều năm dù ban ngành chức năng thị xã, tỉnh vào cuộc kiểm tra, xử lý nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm.

Ông Trương Nhật Quang, Trưởng phòng Kinh tế TX. Hương Thủy cho biết, chủ trương địa phương là không để DN sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Hiện các đơn vị sản xuất giấy đang được các ban, ngành chức năng buộc tạm dừng để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực. Nếu tái phạm đề nghị đóng cửa…

Khi đề cập đến tình trạng thu gom, xử lý nước thải tập trung tại CCN Thủy Phương, ông Quang cho biết đó là câu chuyện nan giải mà hiện nay ngành chức năng đang khảo sát, đánh giá hiện trạng xử lý nước thải ở CCN này để đề xuất tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư hệ thống xử lý.

Không chỉ ở CCN Thủy Phương, hiện nhiều địa phương có các CCN hoạt động có nguy cơ trở thành điểm “nóng” về môi trường. Thực trạng này chúng tôi nhận thấy khi đến thăm CCN Hương Hòa (Nam Đông). Lý do đơn giản phần lớn các đơn vị, DN nhỏ, năng lực hạn chế khi vào CCN chưa chú trọng khâu xử lý môi trường, chưa quan tâm việc nước thải đi về đâu. 

Tại CCN An Hòa, dù đánh giá “sếu đầu đàn” nhưng hiện nay chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa có bãi tập kết chất thải rắn, trong khi đó việc xử lý chất thải phát sinh của các đơn vị, DN sản xuất tự lo, theo kiểu “mạnh ai nấy làm”  nên môi trường nơi đây đang có dấu hiệu ô nhiễm ở các nguồn nước trong khu vực.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thường chia sẻ tại các hội nghị, hội thảo xúc tiến kêu gọi các DN vào đầu tư ở địa phương gần đây, Thừa Thiên Huế rất thiện chí với các nhà đầu tư để tăng tốc phát triển kinh tế, ngành công nghiệp nhưng cũng không xem nhẹ yếu tố môi trường. Bởi vậy, sẽ luôn kiểm soát, có giải pháp để bảo vệ môi trường từ hoạt động ở các CCN, khu công nghiệp, kinh tế, nhất là sẽ có cơ chế hỗ trợ DN đầu tư hạ tầng, trong đó là hệ thống xử lý nước thải.

(Còn nữa)

Bài 3: Để các cụm công nghiệp phát triển bền vững

Bài, ảnh: MINH VĂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả

TIN MỚI

Return to top