|
|
Nhiều mô hình trồng cây ngập mặn bảo tồn hệ sinh thái vùng đầm phá ở địa phương |
Nằm ở khu vực miền Trung, Thừa Thiên Huế được mệnh danh là vùng đất có nguồn tài nguyên sinh vật đa dạng, phong phú.
Không chỉ đa dạng sinh học (ĐDSH) cao về các loài động thực vật bậc cao, Thừa Thiên Huế còn có các kiểu hệ sinh thái, như tài nguyên rừng, tài nguyên sinh vật và hệ sinh thái thủy vực. Trong đó, đặc trưng nhất là 4 khu rừng đặc dụng: Vườn quốc gia Bạch Mã, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu bảo tồn Sao La và vùng rừng đặc dụng phía tây nam tỉnh.
Tuy nhiên, do nằm trong vùng chịu tác động mạnh của thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu (BĐKH), nên ĐDSH của tỉnh gần đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cơ cấu sản xuất, phát triển công, nông nghiệp vẫn sử dụng nhiều tài nguyên và nhận thức về bảo tồn ĐDSH chưa cao đã gây áp lực đối với công tác bảo tồn ĐDSH.
Không riêng ở địa phương, cấp vùng mà ĐDSH trên toàn cầu đang bị suy thoái với tốc độ nhanh, đe dọa đến tiến trình phát triển bền vững của nhân loại. Vì thế, nhằm thúc đẩy toàn cầu bảo tồn ĐDSH, sống hài hòa với thiên nhiên, phát triển bền vững, Liên Hợp Quốc chọn ngày 22/5 hàng năm là Ngày Quốc tế ĐDSH với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về ĐDSH.
Năm nay, Ngày Quốc tế ĐDSH được phát động với chủ đề "Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học" nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy giảm ĐDSH, hướng tới xây dựng một tương lai "Sống hài hòa với thiên nhiên" vào năm 2050. Các giải pháp sống hài hòa với thiên nhiên là chìa khóa để giảm nhẹ BĐKH, giảm nguy cơ ảnh hưởng thiên tai, tăng khả năng phục hồi và thích ứng ở một số khu vực quan trọng, bao gồm bảo tồn, phục hồi rừng và các hệ sinh thái trên cạn; bảo tồn và phục hồi tài nguyên nước ngọt cũng như hệ sinh thái biển và đại dương, hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững.
Thời gian qua, thay vì xây dựng các công trình hạn chế thiên tai, gió bão, ngăn cát bay cát lấp, ngăn sạt lở, Thừa Thiên Huế đã thực hiện trồng, phục hồi hàng trăm ha rừng ngập mặn và cây bản địa dọc các vùng ven đầm phá, ven biển và vùng cát nội đồng. Tỉnh đã thiết lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai và một số khu bảo tồn trong khu vực để phát huy hơn nữa tính ĐDSH của vùng. Cũng trong khuôn khổ thực hiện dự án Hành lang bảo tồn ĐDSH Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng giai đoạn 2 tỉnh Thừa Thiên Huế, các sở, ban, ngành địa phương liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động về công tác bảo tồn các hệ sinh thái, diệt trừ các loài ngoại lai, phát triển sinh kế bền vững dựa vào thiên nhiên.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 459/KH-UBND hành động về bảo tồn ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2050, nâng hạng hoặc thành lập mới các khu bảo tồn của tỉnh theo hướng trở thành vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển... theo các tiêu chí quốc gia, quốc tế; hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách quản lý các khu bảo tồn trên cạn và dưới nước của tỉnh; cải thiện hiệu quả chất lượng rừng, đảm bảo độ che phủ rừng toàn tỉnh đáp ứng với quy hoạch chung của tỉnh; tiếp tục rà soát các nguồn gen đặc hữu, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; rà soát nguồn gen giống cây trồng, vật nuôi bản địa, các loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ, có giá trị khoa học, kinh tế, giáo dục...